Opera và nhạc cổ điển đã tồn tại ở phương Tây vài trăm năm nhưng chỉ xuất hiện tại châu Á trong gần 100 năm trở lại đây và chưa thực sự phát triển. Nền âm nhạc bác học này chưa được đông đảo người châu Á tiếp cận. Không những vậy, cơ địa, thể trạng của người châu Á cũng nhiều bất lợi để theo đuổi được Opera.
Tuy nhiên, vẫn có một nữ ca sĩ đã vượt qua mọi rào cản về văn hóa, thể trạng, ngôn ngữ để vươn lên trở thành nghệ sĩ Opera đẳng cấp thế giới. Đó là Sumi Jo – giọng hát chi bảo quốc gia của Hàn Quốc.
Những thành tích vươn tầm quốc tế, chưa một ca sĩ châu Á nào làm được
Sumi Jo sinh năm 1962 tại Hàn Quốc, trong một gia đình bình dân. Mẹ Sumi Jo là một nghệ sĩ dương cầm đam mê âm nhạc nhưng vì hoàn cảnh nên không theo đuổi nghề nghiệp được. Chính vì vậy, bà dồn hết đam mê của mình vào con gái, mới 4 tuổi đã cho đi học piano và 6 tuổi thì học thanh nhạc.
Mẹ Sumi Jo giáo dục cô rất nghiêm khắc, bắt cô học đủ 8 tiếng thanh nhạc mỗi ngày và thậm chí còn khóa trái cửa mỗi khi ra ngoài để cô không thể trốn học. Nhờ những ngày tháng khắc khổ đó mà âm nhạc sớm len lỏi vào Sumi Jo từ khi còn nhỏ, giúp cô sớm có được năng lực cảm nhạc và điều khiển giọng hát bẩm sinh.
Năm 1976, Sumi Jo thi đỗ trường Nghệ thuật Sun Hwa và nhận bằng kép về cả thanh nhạc lẫn piano, giúp cô nâng cao khả năng cảm nhạc của mình ở một tầm cao hơn ca sĩ thông thường.
Tiếp đó, Sumi Jo thi đậu khoa thanh nhạc tại Đại học Quốc gia Seoul (SNU) với số điểm thực hành cao nhất kể từ khi khoa mở cửa. Tại đây, cô tiếp tục học âm nhạc từ năm 1981 đến năm 1983.
Ngay trong thời gian học tại SNU, Sumi Jo đã có buổi biểu diễn độc tấu chuyên nghiệp đầu tiên. Cô xuất hiện trong một số buổi hòa nhạc với đài phát thanh và thậm chí diễn cả Opera với vai Susanna trong vở The Marriage of Figaro. Có thể nói, Sumi Jo là một trong số ít ca sĩ bộc lộ tài năng và sự chuyên nghiệp từ rất sớm.
Năm 1983, Sumi Jo rời SNU để sang Ý (cái nôi cua Opera), theo học tại Conservatorio Santa Cecilia. Tại đây, có được học những giảng viên danh tiếng như Carlo Bergonzi và Giannella Borelli.
Sumi Jo là một học viên rất chăm chỉ. Cô thường dành cả ngày để luyện thanh và tiếp cận với nhạc cổ điển phương Tây bằng cách đến dự các buổi hòa nhạc ở nhiều thành phố của Ý, tận dụng thời gian nghe nhạc trên các chương trình phát thanh, truyền hình quốc gia. Những lúc như vậy, Sumi Jo nghe kỹ từng nốt nhạc để học hỏi cách hát, kỹ thuật của ca sĩ phương Tây. Sumi Jo tốt nghiệp năm 1985.
Sau khi tốt nghiệp, Jo bắt đầu học với danh ca huyền thoại người Anh Elisabeth Schwarzkopf và được chỉ dẫn rất nhiều kinh nghiệm ca hát, xử lý tác phẩm cho ra đúng chất cổ điển.
Sumi Jo cũng tích cực đi thi để cọ xát kinh nghiệm và giành chiến thắng trong một số cuộc thi quốc tế ở Seoul, Naples, Enna, Barcelona và Pretoria. Năm 1986, cô vượt qua hàng trăm thí sinh xuất sắc từ khắp thế giới để nhận trao giải nhất trong Cuộc thi Quốc tế Carlo Alberto Cappelli ở Verona - một trong những cuộc thi quan trọng nhất thế giới, chỉ dành cho những người đoạt giải nhất trong các cuộc thi lớn khác.
Sumi Jo cũng từng cùng cô bạn Cecilia Bartoli (giọng nữ trung màu sắc hàng đầu Opera hiện tại) đến thử giọng với nhạc trưởng huyền thoại Herbert von Karajan. Đây là vị nhạc trưởng tài năng, danh tiếng và quyền lực bậc nhất thế kỷ XX, từng làm việc với nhiều Diva hàng đầu.
Năm 1986, Sumi Jo lần đầu đứng trên sân khấu Opera châu Âu với vai Gilda trong vở Rigoletto của Verdi tại Trieste. Buổi biểu diễn này đã thu hút sự chú ý của Herbert von Karajan dù ông vô cùng khó tính. Karajan đã ấn tượng với giọng hát linh hoạt cùng khả năng xử lý giai điệu điêu luyện của Sumi Jo dù so với những giọng phương Tây khác, âm lượng của cô nhỏ bé hơn rất nhiều.
Karajan muốn lăng xê cho Sumi Jo và chọn cô vào vai Oscar trong Un ballo in maschera (diễn cặp cùng nam danh ca Plácido Domingo) cho Lễ hội Salzburg năm 1989. Tuy nhiên, ông lại qua đời đột ngột nên Sumi Jo bị mất đi nhiều cơ hội thăng tiến trong nghề.
Tuy không được Karajan lăng xê nhưng Sumi Jo vẫn tiếp tục những bước đi đầy vững chắc và tiến ra sân khấu Opera thế giới. Cô là ca sĩ châu Á đầu tiên được hát vai chính tại Metropolitan Opera (nhà hát Opera lớn nhất nước Mỹ, thánh đường của nhiều thế hệ ca sĩ) và liên tục hát tại đây trong nhiều năm.
Trong suốt thập niên 90, Sumi Jo trở thành ca sĩ Opera đắt show và được săn đón. Cô hát Opera liên tục ở những thành phố lớn của châu Âu như Strasbourg, Barcelona, Berlin, Paris, Milan và sang cả châu Mỹ như Santiago, Chile, New York, Los Angeles, Boston, cùng hàng loạt thành phố khác như Bilbao, Oviedo, Bologna, Trieste và Detroit. Sumi Jo có mặt ở hầu khắp các nhà hát, buổi hòa nhạc lớn trên khắp phương Tây, với tần suất không thua gì bất cứ ngôi sao cổ điển phương Tây nào.
Ngoài ra, cô còn xuất hiện cùng nhiều dàn nhạc giao hưởng trong các buổi hòa nhạc như Dàn nhạc giao hưởng Vancouver, Cincinnati Pop , Dàn nhạc St. Luke's, Dàn nhạc giao hưởng Vienna, Dàn nhạc giao hưởng London, Dàn nhạc giao hưởng Los Angeles và Hollywood Bowl. Tại đây, cô làm việc với nhiều nhạc trưởng danh tiếng như Sir Georg Solti , Zubin Mehta, Lorin Maazel, James Levine, Kent Nagano và Richard Bonynge. Sumi Jo cũng biểu diễn độc tấu khắp Châu Âu, Hoa Kỳ, Canada và Úc.
Một số vở diễn Opera tiêu biểu của Sumi Jo là Lucia di Lammermoor, Rigoletto, Cây sáo thần…
Ngoài Opera và nhạc cổ điển, Sumi Jo còn tham gia nhiều hoạt động âm nhạc khác như hát nhạc phim, hát thế vận hội, lồng tiếng… Cô cũng được bổ nhiệm làm giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao học Công nghệ Văn hóa của KAIST.
Trong suốt sự nghiệp của mình, Sumi Jo đã gặt hái được vô số thành tích đáng nể. Cô là ca sĩ cổ điển châu Á hiếm hoi (cũng là ca sĩ Hàn Quốc đầu tiên) đoạt giải Grammy, được đề cử Oscar và giành chiến thắng trong 6 cuộc thi quốc tế lần đầu tiên với tư cách là một giọng nữ cao châu Á. Năm 1993, cô trở thành giọng nữ cao châu Á đầu tiên giành giải La Siola d'Oro.
Sumi Jo được ghi nhận là nghệ sĩ châu Á đầu tiên đóng vai chính trong các nhà hát Opera trên thế giới. Đây là những thành tích mà không một ca sĩ Opera châu Á nào làm được cho đến hiện tại.
Sumi Jo cũng là ca sĩ Opera châu Á đầu tiên vươn tầm thế giới. Đây là một kỳ tích vì vốn dĩ trong lịch sử Opera trước khi Sumi Jo xuất hiện chưa bao giờ có chuyện ca sĩ châu Á lại nắm giữ vai chính nhiều đến thế. Với thể trạng của người châu Á, hát được Opera đã khó, thành công được ở tầm cỡ thế giới lại càng khó hơn và gần như là điều không tưởng.
Rất ít người phương Tây tin tưởng vào năng lực của nghệ sĩ châu Á đối với nền nghệ thuật hàn lâm này nhưng Sumi Jo đã thay đổi tất cả, khiến giới chuyên môn lẫn khán giả phương Tây phải nhìn nhận lại. Cô thực sự là một tài năng kiệt xuất hiếm thấy.
Tại Hàn Quốc, Sumi Jo là cái tên số một, thậm chí không chỉ đối với âm nhạc cổ điển, tất cả các ca sĩ cổ điển thế hệ sau (và rất nhiều ca sĩ dòng nhạc khác) đều ngưỡng mộ và nể trọng cô.
Sau Sumi Jo, hàng loạt giọng hát xuất sắc xứ Hàn công phá những concours Opera danh tiếng nhất, chinh chiến đủ mọi thành đường Opera từ La Scala, VSO, ROH cho đến Met, nhưng vẫn chưa ai thực sự có được sức ảnh hưởng lớn và rộng khắp như cô.
Giọng hát và kỹ thuật điêu luyện bậc thầy
Sumi Jo không may mắn sở hữu giọng hát đặc biệt với nhiều lợi thế như những ca sĩ khác. Chất giọng của cô khá mỏng, không dày, âm lượng cũng không lớn và âm sắc có phần hơi chói. Đó là lý do vì sao Sumi Jo hầu như không động vào bất cứ vai diễn nào dành cho giọng full lirico hay spinto trong suốt sự nghiệp của mình.
Tuy bất lợi về màu giọng, nhưng Sumi Jo lại có tư duy âm nhạc và sự khổ luyện cực kỳ dữ dội, để khai thác triệt để các lợi thế bản thân.
Xuất phát điểm là một light lirico soprano (loại giọng phổ biến nhất ở châu Á), Sumi Jo đã luyện tập bền bỉ để vươn thành coloratura soprano, với những nốt cao trên quãng 6 sáng rực, chói lọi và được điều khiển mức độ điêu luyện, bậc thầy.
Kỹ thuật của Sumi Jo không hề thua kém và thậm chí còn vượt trội hơn nhiều ca sĩ phương Tây, đặc biệt về khả năng điều khiển hơi thở. Ca sĩ châu Á thường bị bất lợi về hơi thở hơn ca sĩ phương Tây do buồng phổi, dung tích thở, thể lực không bẩm sinh không bằng. Nhưng Sumi Jo đã khiến cả thế giới phải nhìn nhận lại.
Có thể nói, Sumi Jo là một trong số ít ca sĩ sở hữu làn hơi dài nhất và được điều khiển chính xác nhất. Sở trường của cô là những cú messa di voce âm lượng to nhỏ thay đổi liên tục kéo dài bất tận. Trong một lần trình diễn aria Casta Diva, Sumi Jo đã phiêu một làn messa di voce trên tận C6 (nốt rất cao và khó để giữ hơi) suốt 25 giây. Điều đáng nói là Sumi Jo có kỹ thuật cộng hưởng trên âm thanh nhỏ rất tốt. Cô thường hát pianissimo với âm lượng rất nhỏ nhưng vẫn vang tỏa từ đầu đến cuối nhà hát nghe rõ mồn một nhờ kỹ thuật cộng hưởng âm thanh xuất sắc.
Sumi Jo cũng là một trong những ca sĩ bẩm sinh có perfect pitch, tai nhạc chính xác hoàn hảo, hầu như chưa bao giờ bị phô. Cô dư sức thực hiện được hàng loạt kỹ thuật hoa mỹ khó nhằn trên quãng cao đạt chuẩn của một coloratura soprano.
Và dù không có giọng hát lớn theo kiểu cuồn cuộn phương Tây, nhưng Sumi Jo cũng thực hiện được nhiều kỳ tích khiến ai cũng phải kinh ngạc.
Aria of Zerbinetta trong Ariadne auf Naxos do Richard Strauss viết năm 1912 được xem là một bản nhạc khó, dài hơn 20 phút với nhiều màn nhào lộn nốt cao phức tạp như muốn bức tử giọng hát. Bản thân Strauss phải sửa một phần bản nhạc vì cho rằng không ai có thể hát được. Tuy nhiên, vào năm 1994, Sumi Jo đã trở thành nghệ sĩ đầu tiên trên thế giới thu âm phiên bản gốc chưa chỉnh sửa của aria này, khiến ai cũng phải kinh ngạc. Cô thu âm bài hát với nhạc trưởng người Mỹ gốc Nhật, Kent Nagano tại Pháp.
Nhạc trưởng Herbert von Karajan (một trong những vị nhạc trưởng vĩ đại nhấ t thế kỷ XX) từng ca ngợi Sumi Jo: 'Giọng hát của cô ấy là món quà tuyệt vời nhất mà Chúa đã ban tặng, đó là giọng hát đến từ trên cao. Tôi ngạc nhiên khi biết có một ca sĩ học ở Hàn Quốc, không ngờ có những giáo viên xuất sắc như vậy ở Hàn Quốc Hàn Quốc là một quốc gia tuyệt vời' (Nguồn: Adriane auf Naxos).
Tờ The New York Metropolitan Theatre Opera News thì viết: 'Những tác phẩm của cô ấy đã vượt lên trên mọi lời chỉ trích'. Tờ Le Monde của Pháp lại ca tụng: 'Ngay cả những nàng tiên cũng nghe những bài hát của cô ấy'.