Ca sĩ Opera thế giới: Khi cống hiến, tài năng được đền đáp xứng đáng
Trên thế giới, các ca sĩ Opera tài năng được báo giới săn đón, công chúng ngưỡng mộ, trọng vọng và thường xuyên xuất hiện ở những sân khấu sang trọng, đẳng cấp nhất.
Giọng nữ cao kịch tính Kirsten Flagstad được chính phủ Nauy coi như quốc bảo và in hình bà lên cả máy bay của các hãng hàng không nước này.
Ca sĩ Opera da màu Leontyne Price từng nhận đến 19 giải Grammy, cao hơn bất cứ nghệ sĩ đại chúng nào. Bà thậm chí còn được trao bằng tiến sĩ danh dự, Huân chương tự do của Tổng thống và nhiều huân chương, danh hiệu cao quý khác.
Ninh Đức Hoàng Long và Sumi Jo
Các ca sĩ Opera danh tiếng như Maria Callas, Renata Tebaldi… từng một thời làm mưa làm gió khắp giới giải trí thế giới. Họ sở hữu mức cát xê cao ngất ngưởng cho mỗi lần xuất hiện và được quyền 'làm mình làm mẩy'. Bất cứ động thái, phát ngôn nào của họ cũng được báo giới săn đón, công chúng quan tâm, chú ý.
Maria Callas từng cạch mặt một nhà hát khi biết giá cát xê của mình không cao hơn một ca sĩ đối thủ. Hay, một ông bầu từng nói về Birgit Nilsson: 'Nếu bạn muốn giọng ca lộng lẫy đó xuất hiện, bạn cứ phải chồng đủ tiền đã'.
Một minh chứng khác cho ánh hào quang rực rỡ của ca sĩ Opera chính là danh ca Pavarotti. Vào thập niên 90, Pavarotti đã ở tuổi xế chiều, nhưng buổi diễn nào của ông cũng thu hút đến hàng chục ngàn khán giả.
Rất nhiều nghệ sĩ đại chúng nổi tiếng nhất thời bấy giờ như Celine Dion, Mariah Carey, Whitney Houston, Spice Girls, Bryan Adams… đều hát chung với Pavarotti.
Ngay cả ở thời điểm hiện tại, khi Opera không còn rực rỡ như xưa, thì các ca sĩ nổi tiếng trong giới vẫn được săn đón và có được mức cát xê khá cao như Sumi Jo, Anna Netrebko, Renee Fleming…
Ánh hào quang mà các nghệ sĩ Opera thế giới có được là cái giá xứng đáng cho sự nỗ lực, khổ luyện và tài năng của họ.
Maria Callas
Ca sĩ Opera Việt Nam: Tài năng và cống hiến trong sự thầm lặng, thiệt thòi
Vào năm 2018, ca sĩ Opera người Hàn Quốc Sumi Jo có về Việt Nam biểu diễn và song ca cùng giọng ca tài năng Ninh Đức Hoàng Long. Cả hai đã có những màn kết hợp tuyệt vời trên sân khấu.
Nhưng khi buổi diễn kết thúc, hai ca sĩ dường như bước vào hai ngã rẽ đối lập nhau. Trong khi Sumi Jo được vệ sĩ và trợ lí bảo vệ, dẫn ra tận ô tô thì Ninh Đức Hoàng Long lại lặng lẽ đứng ở cổng Nhà Hát Lớn để đợi bạn tới đón. Rất nhiều người qua lại, nhưng không ai biết đến anh, dù anh vẫn đang khoác trên người bộ đồ diễn.
Đó là một trong những nghịch cảnh về cuộc sống của nghệ sĩ Opera Việt Nam. Ít được ai biết đến, ít nhắc tên dù rất tài năng và có đam mê, cống hiến với nghề.
So với các nghệ sĩ Opera trên thế giới, nghệ sĩ Opera Việt Nam thực sự rất thiệt thòi, khi chưa được công chúng quan tâm và chưa nhận được sự đền đáp xứng đáng với công sức họ bỏ ra.
Bản thân cơ địa của người Việt không có nhiều lợi thế để hát Opera, từ giọng hát tới thể lực bẩm sinh. Nhà giáo ưu tú Hồ Mộ La từng nói, khi sang Liên Xô du học, bà cảm thấy chán nản khi thể tích thở (làn hơi) của mình và người Việt nói chung không lớn như người phương Tây hay Bắc Á, khiến bà gặp khó khăn trong việc hát Opera.
Bởi vậy, để một ca sĩ Opera Việt Nam có thể đứng trên sân khấu là cả một quá trình khổ luyện trường kỳ và nghị lực lớn. Thông thường, một ca sĩ Opera phải trải qua nhiều vòng tuyển chọn khắt khe và mất từ 6 tới 10 năm học tại trường lớp mới được bước ra sân khấu chuyên nghiệp. Trong quá trình học, họ bị đào thải bởi rất nhiều cuộc thi khắc nghiệt và phải chịu những bài tập khó khăn về kỹ thuật, thể lực.
Nếu ca sĩ nhạc nhẹ chỉ cần học 5 thì ca sĩ Opera phải học tới 10 mới hát được, vì những kỹ thuật hát rất phức tạp, khó thực hiện. Không những vậy, họ còn phải học thêm cả diễn xuất, ngoại ngữ, văn hóa… vì mọi vở Opera kinh điển đều viết bằng tiếng nước ngoài và đòi hỏi nghệ sĩ phải vừa hát vừa diễn.
Hơn nữa, do cơ sở vật chất tại Việt Nam hiện chưa đáp ứng đủ để đào tạo ra một ca sĩ Opera chuyên nghiệp, nên nhiều người trong số họ buộc phải đầu tư tiền của để đi du học. Quá trình này rất tốn kém, mất nhiều thời gian, công sức. Bởi vậy, chỉ những nhân tố xuất sắc nhất và đủ dũng cảm, chấp nhận hi sinh mới dám theo nghề.
Khán giả có thể biết rất rõ các về những nghệ sĩ Vpop dù hoạt động lâu năm hay chỉ mới nổi. Nhưng nếu bảo họ kể tên một nghệ sĩ Opera Việt Nam, chắc chắn sẽ rất khó.
Nghệ sĩ Opera Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn hoạt động một cách âm thầm và gần như tách biệt hẳn với giới giải trí. Các buổi hòa nhạc, nhạc kịch diễn ra không nhiều và lượng khán giả đến xem rất thưa thớt, dù giá vé chỉ vài trăm ngàn, thấp hơn rất nhiều so với vé xem ca nhạc đại chúng. Chưa kể, nhiều khán giả vì được mời nên mới tới.
Phạm Khánh Ngọc và Đào Tố Loan
Cát xê của ca sĩ Opera Việt Nam cũng không cao, chỉ vài triệu tới hơn chục triệu cho một buổi diễn, bằng một phần rất nhỏ so với giá cát xê của một nghệ sĩ Vpop. Trong khi đó, để có được một buổi diễn, họ phải tập luyện khá vất vả suốt nhiều ngày trời.
Bởi vậy, đa số ca sĩ Opera của Việt Nam đều phải kiêm thêm nhiều công việc khác để duy trì cuộc sống, người đi kinh doanh, người làm quản lý, người đi dạy học. Nếu có đi hát, họ cũng phải chuyển sang nhạc cách mạng, trữ tình. Hầu như không ai kiếm sống được bằng việc hát Opera.
NSƯT Hà Phạm Thăng Long, một trong những tài năng hàng đầu của nền Opera Việt Nam, từng đi lưu diễn nhiều nước trên thế giới, cũng gần như nghỉ diễn ở tuổi ngoài 40 và chỉ tham gia công tác giảng dạy. Trong khi đó, đây mới là độ tuổi đỉnh cao của một giọng ca Opera. Hay, ca sĩ Bích Thủy dù đã học tới bằng tiến sỹ tại Hàn Quốc và vào nghề hàng chục năm, nhưng đến tận bây giờ vẫn không xuất hiện nhiều.
Để ca sĩ Opera Việt Nam có được ánh hào quang tương xứng với nỗ lực, tài năng và cống hiến của họ thực sự là cả một quá trình dài. Rất mong công chúng có một cái nhìn cởi mở và yêu thương hơn với họ.