Theo Hội Truyền thông số Việt Nam, tổng đài 1900.2685 ra đời sẽ tiếp nhận các thông tin báo cáo, phản ánh vi phạm bản quyền từ các cá nhân, tổ chức.
Phạm vi các lĩnh vực hỗ trợ tiếp nhận khai báo vi phạm bản quyền bao gồm: Mạng xã hội; báo chí, truyền hình; nghệ thuật, âm nhạc; sách báo, ấn phẩm, quảng cáo; các lĩnh vực sáng tạo nội dung khác …
Thông tin cung cấp sẽ được chuyển tới các đơn vị có thẩm quyền để kiểm tra, giải quyết và xử lý vi phạm (nếu có). Kết quả sẽ được thông báo lại cho cá nhân, đơn vị khai báo sau khi vi phạm được xử lý. Tổng đài sẽ là đường dây nóng đáng tin cậy để bảo vệ bản quyền các tác phẩm ... kịp thời và hiệu quả.
Ra mắt Ban điều hành Liên minh Sáng tạo nội dung số
Cũng nhân dịp này, Hội Truyền thông số Việt Nam chính thức ra mắt Liên minh Sáng tạo nội dung số Việt Nam (DCCA)
Sự phát triển bùng nổ của nền kinh tế Internet, cùng với số lượng người dùng mạng xã hội của Việt Nam tăng trưởng nhanh chóng đã thúc đẩy những nhà sáng tạo nội dung trên các nền tảng toàn cầu như YouTube, Facebook, TikTok… đưa ngành công nghiệp nội dung số trở thành xu hướng phát triển mới.
Nhiều loại hình dịch vụ nội dung số đang phát triển mạnh mẽ trong các năm gần đây có thể kể đến như: giải trí số (phim số, ảnh số, nhạc số); game online, gameshow, nội dung tương tác; giáo dục trực tuyến, thể thao trực tuyến; quảng cáo số…
Ngành công nghiệp nội dung số tại Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn ra toàn cầu. Nhưng để đạt được mục tiêu này thì các nhà sáng tạo cần có tư duy chiến lược về kinh tế số, phải chuyên nghiệp hóa khâu quản lý, vận hành doanh nghiệp.
Ông Tạ Mạnh Hoàng làm Chủ tịch Ban điều hành Liên minh Sáng tạo nội dung số
Trên thực tế, mặc dù số lượng các nhà sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày càng tăng, nhưng số lượng các nội dung có giá trị với cộng đồng chưa nhiều. Bên cạnh đó, đội ngũ làm nội dung hầu hết là các nhà sáng tạo tự do, tự phát triển. Nhiều người chưa có những kiến thức chuyên môn căn bản về nội dung số, chưa được đầu tư về marketing. Việc phát triển nội dung chưa được hoạch định chiến lược về sản phẩm một cách bài bản, chưa có quy chuẩn sản phẩm, kế hoạch phát triển mơ hồ, thiếu tập trung. Không ít người chỉ coi việc sáng tạo nội dung số là phục vụ đam mê, giải trí dẫn đến chất lượng sản phẩm chưa được tốt, lãng phí nguồn đầu tư. Nhiều sản phẩm đều mang tính chất giải trí, thiếu tính nhân văn, truyền cảm hứng, chưa có sự chỉn chu, chưa tạo được nhiều giá trị cho cộng đồng.
Từ thực trạng này, Hội Truyền thông số Việt Nam thấy rằng đã đến lúc phải hình thành một tổ chức nhằm mục đích tập hợp và kết nối các doanh nghiệp, doanh nhân kinh doanh về sáng tạo nội dung số trong và ngoài nước. Các thành viên sẽ hợp lực, hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau để thúc đẩy và nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường, mở rộng cơ hội hợp tác đầu tư trong nước và nước ngoài, chia sẻ nhiều hơn kiến thức về nền kinh tế số.
Với sứ mệnh 'Kết nối tạo giá trị trên toàn thế giới', kết nối các doanh nghiệp, cá nhân trong ngành nội dung số, công nghệ thông tin và truyền thông, gắn kết cùng phát huy thế mạnh của nhau để cùng phát triển, DCCA hướng tới mục tiêu đưa ngành sáng tạo nội dung số Việt Nam ngày một lớn mạnh, tạo ra nhiều sản phẩm nội dung có giá trị cho cộng đồng. Các sản phẩm nội dung 'Make in Vietnam' không chỉ phục vụ cho thị trường Việt Nam mà còn cung cấp ra toàn thế giới.