Trong lịch sử nhạc Việt, trước Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần xuất hiện nhiều giọng ca nữ xuất chúng. Thế hệ sau họ cũng có không ít giọng ca nữ rất ấn tượng khác. Nhưng khán giả và truyền thông chỉ gọi 4 nữ nghệ sĩ này là Diva mà không phải ai khác. Điều này khiến nhiều người thắc mắc.
Tuy nhiên, không hề vô lý khi phong tặng danh hiệu Diva cho 4 nữ nghệ sĩ này.
Âm sắc giọng đẹp, hiếm có và độc đáo
Trong bộ tứ, trừ Hà Trần thì 3 Diva còn lại đều có âm sắc giọng đẹp và độc đáo. Đối với một ca sĩ thì âm sắc là yếu tố quan trọng nhất quyết định đến tố chất ngôi sao. Các nhạc viện trên toàn thế giới chỉ có thể dạy kỹ thuật thanh nhạc chứ không dạy cách tạo ra âm sắc đẹp. Âm sắc là yếu tố trời cho. Đó là lý do các nhạc viện trên thế giới hàng năm cho ra trường vô vàn ca sĩ nhưng không phải ai cũng trở thành ngôi sao ca nhạc.
Mỹ Linh là trường hợp có âm sắc đẹp và độc hiếm có ở Vpop. Giọng của Mỹ Linh vừa có tính thủy vừa có tính kim, lúc cần có thể tình cảm ngọt ngào như rót mật vào tai (tính thủy) nhưng khi vẫn có thể sắc bén, uy lực ở các nốt cao (tính kim).
Thanh Lam cũng là một trường hợp giọng có âm sắc đẹp và độc khác. Giọng cô thuộc loại nữ trung trầm màu thổ hơi khàn nhẹ.
Hồng Nhung được trời ban cho một giọng hát trong trẻo, rõ lời, lại to vang tự nhiên. Loại giọng của Hồng Nhung khá hiếm, đó là daguzon - loại giọng tối đục ở quãng trầm, căng tràn ở quãng trung nhưng vẫn đầy thánh thót dễ chịu ở quãng cao.
Kỹ thuật thanh nhạc tốt và tinh tế trong cách hát
Hồ Quỳnh Hương khi làm giám khảo ở X Factor từng phát biểu rằng: 'Khi bạn hát một nốt cao người nghe sẽ không thấy nó cao cho đến khi chính họ hát cái nốt đó thì mới thấy nó cao'.
Sự tinh tế trong thanh nhạc là thực hiện kỹ thuật một cách nhanh chóng, dễ dàng mượt mà tới mức người nghe sẽ không cảm nhận được. Đó là những pha bỏ nhỏ. Ca sĩ khác khi hát lại những bài của Diva nếu không để ý những pha bỏ nhỏ này sẽ khiến bài hát thiếu đi sự tinh tế, kém sâu sắc.
Hà Trần là người có âm sắc giọng thiếu nổi bật nhất trong bộ tứ nhưng chính sự tinh tế trong cách hát đã giúp cô không bị lép vế so với 3 đàn chị. Chẳng hạn, trong ca khúc Tình ca, Hà Trần đã thực hiện một loạt pha bỏ nhỏ trên nền nhạc House có tempo khá nhanh.
Hay, ở toàn bộ đoạn đầu bài Trên đỉnh Phù Vân, Mỹ Linh đã thực hiện rất nhiều kỹ thuật nảy chữ và đổ hạt đặc trưng trong hát quan họ và chèo Bắc Ninh. Đó đều là những kỹ thuật hát nhạc cổ truyền đặc trưng của Việt Nam mà không thể áp dụng thanh nhạc thế giới vào được.
Đó cũng là lý do vì sao ngay vào những năm nhạc Việt chưa hề tồn tại luật bản quyền nhưng không có ca sĩ nào hát lại bài nhạc này của Mỹ Linh. Mỹ Linh đã để lại một dấu ấn quá sâu đậm với bài hát, khiến bất cứ ca sĩ nào đều phải chùn bước nếu muốn hát lại nó. Đây là cách đánh dấu bản quyền ca khúc chỉ có được bởi sự tinh tế của một người ca sĩ.
Sinh ra và lớn lên trong môi trường âm nhạc lớn mạnh
Cả 4 Diva đều là những ca sĩ được đào tạo thanh nhạc bài bản trong nhiều năm trời tại nhạc viện Hà Nội. Chưa kể, cái nôi âm nhạc họ sinh trưởng cũng làm nên điều khác biệt. Họ được giáo dục văn hóa, nghệ thuật từ nhỏ, trong chính gia đình mình.
Nổi bật nhất là Hà Trần, với bố là ca sĩ Trấn Hiếu (một trong những cây đa cây đề của nhạc thính phòng nước nhà), chú là nhạc sĩ Trần Tiến. Họ hàng của Hà Trần nhiều người là họa sĩ, nhà văn nhà thơ. Những yếu tố này tạo nên một phông văn hóa nghệ thuật nổi trội của Hà Trần.
Thanh Lam cũng không hề kém cạnh khi có bố là nhạc sĩ Thuận Yến, mẹ là nghệ sĩ đàn dân tộc. Hồng Nhung cũng sinh hoạt và thi đấu cho các chương trình ca hát thiếu nhi từ lúc còn bé. Dù Nhung không sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống âm nhạc như Lam hay Hà nhưng cũng có thể coi là trưởng thành và dạn dày kinh nghiệm khi được rèn luyện từ bé.
Tư duy và thẩm mỹ âm nhạc nổi bật
Chính cái nôi trung tâm văn hóa nghệ thuật Hà Nội cùng gia đình có truyền thống âm nhạc đã dẫn đến tư duy và thẩm mỹ âm nhạc nổi bật của bộ tứ. Họ không an phận hát Pop mà đều khai phá những vùng đất âm nhạc mới ngay từ rất sớm.
Chẳng hạn, Thanh Lam tìm đến World Music cùng nhạc sĩ Quốc Trung, với album Mây trắng bay về. Sau đó, Thanh Lam cũng không ngừng khai phá và tìm đến dân gian đương đại, với các ca khúc của nhạc sĩ Lê Minh Sơn. Hồng Nhung thì là ca sĩ đầu tiên tại Việt Nam làm album theo concept, với Khu vườn yên tĩnh.
Làm abum theo concept tức là tất cả các bài nhạc đều gắn kết với nhau, tạo nên một khối thống nhất về thể loại, màu sắc âm nhạc cũng như một câu chuyện liền mạch, rất khó tách rời. Mỹ Linh thì tìm đến R&B và Funk từ khá sớm, trong album Tóc ngắn.
Hà Trần có thể coi là người có tư duy âm nhạc và gu thẩm mỹ cấp tiến nhất. Được sinh trưởng trong một gia đình giàu truyền thống văn hóa nghệ thuật đã tạo nên một Hà Trần với phông văn hóa toàn vẹn.
Đỉnh cao đầu tiên của Hà Trần là album và liveshow Nhật Thực vào đầu những năm 2000. Album là sự kết hợp của 3 cá tính nghệ thuật mạnh nhất Hà Nội ngày ấy: giọng hát Hà Trần, nhạc sĩ Ngọc Đại và nhà thơ Vi Thùy Linh.
Phong cách âm nhạc của album là sự pha trộn giữa dân gian đương đại với nhạc điện tử thử nghiệm (một loại nhạc kén người nghe với cả thế giới không chỉ ở Việt Nam).
Liveshow Nhật Thực dù chỉ là quy mô nhỏ với công nghệ ánh sáng, màn hình hiển thị chưa thực sự hiện đại. Nhưng nó đã rất thành công tạo ra một không gian âm nhạc ma mị với nghệ thuật sắp đặt, các vũ công múa đương đại, các MV chiếu trên màn hình minh họa cho các ca khúc cũng rất hiệu quả. Tất cả tạo nên một liveshow âm nhạc đậm cá tính nghệ thuật từ âm nhạc, vũ đạo, màn hình hiển thị và nghệ thuật sắp đặt.
Sự thành công của Hà Trần với Nhật Thực đã mở đường cho những cá tính nhạc Việt sau này như Ngọc Khuê (chuồn chuồn ớt), Tùng Dương và dòng nhạc quái tính nở rộ ở Việt Nam ở đầu thập niên 2000. Bản thân Hà Trần vẫn cần mẫn khám phá tìm tòi âm nhạc khi cô cộng tác cùng một loạt các nhạc sĩ có màu sắc âm nhạc nổi trội khác như Quốc Bảo và Đỗ Bảo.
Yếu tố may mắn
Trước 4 Diva đã có rất nhiều nữ ca sĩ là huyền thoại nhạc Việt, họ cũng hội tụ đủ cả âm sắc đẹp độc, kỹ thuật âm nhạc tinh tế cũng như tư duy âm nhạc. Bởi vậy, công bằng mà nói, để được gọi là Diva cũng cần tới yếu tố may mắn.
Vào năm 1996, đài truyền hình VTV có thêm kênh VTV3 dành cho nghệ thuật và giải trí bên cạnh VTV1 (dành cho thời sự tin tức) và VTV2 (dành cho khám phá khoa học).
Sự ra đời của VTV3 đã tạo ra nhiều chương trình âm nhạc chất lượng được lên sóng. Nhờ đó, Thanh Lam và Hồng Nhung có thể tiếp cận với khán giả cả nước ngay lập tức thay vì chỉ phục vụ được đối tương khán giả nhỏ lẻ tại các phòng trà hay tụ điểm ca nhạc so với thế hệ đàn chị.
Ngoài ra, còn phải kể đến nhiều bộ phim truyền hình dài tập được phát sóng nhiều hơn vào các khung giờ khác nhau trong ngày thay vì những bộ phim ngắn 1 tập chỉ phát vào buổi tối phát trên VTV1 như ngày trước. Việc khán giả trong một thời gian dài theo dõi bộ phim, nghe đi nghe lại một bản nhạc phim giúp họ dễ làm quen và thấm nhuần bài nhạc hơn.
Ngày ấy, khán giả có nhiều bộ phim quốc dân, nhà nhà người người đều xem, đồng nghĩa với những bản nhạc phim quốc dân. Đây là bộ phóng hoàn hảo cho các tài năng ca hát đích thực, những người chinh phục người nghe chỉ bằng giọng hát.
Nhờ có các bộ phim chiếu trên VTV3 mà ai cũng thuộc bài Chị tôi của diva Mỹ Linh (nhạc phim Người Hà Nội), hay Hà Trần với ca khúc Lời ru cho con trong phim Của để dành. Đó đều là những ca khúc nhạc phim quốc dân với độ phủ sóng toàn quốc với đủ mọi thành phần xã hội đều nghe đều thuộc.
Điều khó có thể xảy ra ở thời điểm hiện tại, khi phim chiếu trên truyền hình hiện nay đã quá nhiều (cả Việt Nam lẫn nước ngoài).
Có thể thấy, 4 Diva là những người đã lĩnh hội và vẫn còn giữ được đầy đủ cả những yếu tố tạo nên một huyền thoại âm nhạc cổ xưa như âm sắc đẹp độc, kỹ thuật âm nhạc tinh tế. Nhưng họ cũng may mắn tiếp cận được những công nghệ âm nhạc hiện đại mà thế hệ đi trước không có. Đó là sự tiếp cận học hỏi các thể loại âm nhạc khác trên thế giới, tạo nên tư duy âm nhạc khác biệt của họ.
Họ tiếp cận được toàn bộ khán giả yêu nhạc cả nước ngay lập tức qua sóng truyền hình, là điều mà các tiền bối phải mất nhiều năm mới làm được. Nói cách khác, Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hà Trần đều đạt được cả truyền thống lẫn hiện đại, thành công trong đúng thời điểm vàng. Đó là lý do vì sao bộ tứ này vẫn chưa thể thay thế.