Tuổi thơ nghèo khó nhưng vẫn đam mê ca hát
NSND Thanh Hoa tên thật là Nguyễn Thị Thanh, sinh năm 1950 tại Hà Nội, trong một gia đình có liên quan tới nghệ thuật. Bố bà là một nghệ sĩ ở trường Thiếu sinh quân, mẹ làm lái đò ở gần chùa Hương. Vì thế, Thanh Hoa sớm bộc lộ đam mê, năng khiếu ca hát, với những làn điệu dân ca truyền thống.
Tuy vậy, gia đình Thanh Hoa lại nghèo khó và đông con. Bà là chị cả của 6 em nhỏ nên phải cùng mẹ gánh vác trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình.
NSND Thanh Hoa
Thanh Hoa từng phải đi rửa bát thuê và làm nhiều công việc khác để kiếm sống từ nhỏ, nhưng chưa bao giờ ngưng đam mê ca hát. Cô bé Thanh Hoa ngày ấy thường tranh thủ lúc rảnh rỗi để hát cho chính mình nghe. Nhờ đó, mới 9 tuổi, Thanh Hoa đã đoạt giải Nhất cuộc thi giọng hát Họa mi của thị xã Hà Đông.
Thanh Hoa sớm ý thức được đam mê cũng như con đường mình đi nên mới 16 tuổi đã vào học ở Trường Âm nhạc Việt Nam và tốt nghiệp Trung cấp năm 1970.
Sau khi tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam, Thanh Hoa trở thành ca sĩ của Đài Phát thanh Giải phóng và được hai nghệ sĩ cải lương Thanh Hùng, Ngọc Hoa nhận làm em nuôi. Do đó, bà được học thêm cả những làn điệu vọng cổ, tân cổ. Nghệ danh Thanh Hoa cũng là ghép từ tên của hai nghệ sĩ cải lương này.
Từ đây, Thanh Hoa theo đoàn vào chiến trường ca hát, phục vụ văn nghệ cho các chiến sĩ bộ đội, dùng tiếng hát át tiếng bom. Ngày đó, bà là người thấp bé nhất đoàn và chỉ nặng 42kg nên thường được mọi người mang vác hộ đồ dùng trên đường hành quân.
Sau thời gian lăn lộn tại mặt trận, Thanh Hoa trở về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam và làm việc tại đó cho đến lúc nghỉ hưu năm 2006. Đây là thời gian tên tuổi Thanh Hoa đi lên đỉnh cao, trở thành ngôi sao ca nhạc hàng đầu lúc bấy giờ.
Kỷ lục thu âm 400 bài, hát show nào cũng cháy vé
Tại Đài Tiếng nói Việt Nam, Thanh Hoa là một trong những ca sĩ thu âm nhiều nhất với kỷ lục hơn 400 bản thu. Trong đó có những bài hát đã được phát thanh nhiều lần và gắn bó với tên tuổi của bà như 'Tình yêu của đất và nước' (Hoàng Vân), 'Con kênh ta đào', 'Khúc hát ru của người mẹ trẻ' (Phạm Tuyên), 'Em chọn lối này' (An Thuyên), 'Tàu anh qua núi', 'Tình yêu trên dòng sông Quan họ' (Phan Lạc Hoa), 'Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh' (Trần Hoàn), 'Bác Hồ một tình yêu bao la' (Thuận Yến), 'Mùa xuân làng lúa làng hoa' (Ngọc Khuê), 'Đường tàu mùa xuân' (Phạm Minh Tuấn)…
Thậm chí, có thông tin cho rằng, hơn 1000 bản thu thanh do Thanh Hoa biểu diễn đã được lưu lại trong kho lưu trữ Đài tiếng nói Việt Nam
Thanh Hoa cũng là một trong những ca sĩ đắt show nhất thời điểm bấy giờ tại miền Bắc. Nghệ sĩ ưu tú Việt Hoàn kể lại tại chương trình Người kể chuyện đời:
'Về đơn ca, chị Thanh Hoa đúng nghĩa là Diva vì thời đấy cứ đêm nhạc nào có Thanh Hoa đều bán hết vé. Chỉ mình chị Thanh Hoa làm được điều đó. Cứ mỗi lần chị Thanh Hoa hát xong khán giả đều vỗ tay ầm ầm, đòi chị phải ở lại hát tiếp nửa bài nữa.
Thành ra cứ mỗi đêm nhạc, chị Thanh Hoa phải hát đến 3, 4 lần một bài hát. Gần như chị Thanh Hoa chiếm gần nửa thời gian của đêm nhạc.
Tôi ngưỡng mộ chị Thanh Hoa tới mức tối nào cũng đi xem chị hát. Không có tiền, tôi phải chui qua khe hở ở nhà vệ sinh để vào sân khấu nghe lén chị hát. Kết thúc đêm diễn, tôi còn đứng ở cửa rạp để ngắm chị'.
Trong những năm kinh tế khó khăn, Thanh Hoa từng tự mở một câu lạc bộ ca nhạc riêng tại một phòng trà mang tên Aladin để kiếm thu nhập. Phòng trà này cũng là nơi biểu diễn, tạo điều kiện ươm mầm những ca sĩ trẻ thời bấy giờ của dòng nhạc đỏ như Đăng Dương, Việt Hoàn, Lan Anh, Anh Thơ. Như vậy, tuy không trực tiếp giảng dạy, nhưng Thanh Hoa lại có công lớn giúp phát triển tài năng, sự nghiệp cho thế hệ nhạc Cách mạng đương đại.
Sau những cống hiến bền bỉ của mình, nằm 2001, Thanh Hoa được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Bà cũng từng đi diễn khắp nơi trên thế giới, đem tiếng hát tới khán giả nước ngoài.
Đến hiện tại, dù đã nghỉ hưu nhưng Thanh Hoa vẫn được mời làm cố vấn, giám khảo tại nhiều cuộc thi chuyên môn âm nhạc. Bà là một tên tuổi lớn được nhiều thế hệ đàn em ngưỡng mộ.