Những concert 'thuần Việt' với chất lượng chuyên môn, giải trí cao, chuyên nghiệp trong khâu tổ chức như Anh trai vượt ngàn chông gai đang góp phần khẳng định tiềm năng, lợi thế phát triển ngành công nghiệp văn hóa cho TP Hồ Chí Minh. Ảnh minh họa
Mới đây, 2 concert lớn từ 2 chương trình siêu ăn khách là 'Anh trai say hi' và 'Anh trai vượt ngàn chông gai' đã được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Theo thống kê từ các đơn vị tổ chức, đã có tới hàng chục nghìn khán giả tới tham dự sự kiện, tạo nên một bầu không khí lễ hội âm nhạc đặc sắc cho địa phương này.
Chia sẻ thông tin về công tác quản lý hoạt động nghệ thuật biểu diễn của 2 concert kể trên, trong cuộc họp báo kinh tế - xã hội vào chiều 24/10, Sở Văn hóa - Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh đã xác định ngành công nghiệp Điện ảnh và công nghiệp Âm nhạc là 1 trong 8 ngành tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hoá. Thành phố vừa là không gian, vừa là thị trường thu hút các hoạt động biểu diễn nghệ thuật; giao lưu văn hoá quốc tế. Những năm gần đây, thành phố tập trung xây dựng những mô hình âm nhạc với kỳ vọng trở thành biểu tượng mới của khát vọng Việt.
Công nghiệp âm nhạc là 1 trong 8 ngành tiềm năng lợi thế để phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại TP Hồ Chí Minh.
Vừa qua, cả nước nói chung cũng như TP Hồ Chí Minh nói riêng đã diễn ra rất nhiều sự kiện âm nhạc quy mô, tầm cỡ và do chính các nhà sản xuất Việt Nam thực hiện, với sự tham gia của các nhà tổ chức, quản lý, ngành công nghiệp phụ trợ, nghệ sĩ và cộng đồng khán giả, thu hút được sự quan tâm của công chúng và báo giới, của các nhà quản lý cũng như lãnh đạo các cấp.
Các sự kiện âm nhạc quy mô lớn, chuyên nghiệp cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất phục vụ hoạt động văn hoá tầm vóc quốc tế trên địa bàn kỳ vọng sẽ giúp TP Hồ Chí Minh phát triển hơn nữa, khẳng định là một trong những trung tâm âm nhạc, điện ảnh nói riêng, trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước nói chung, góp phần đóng góp cho sự phát triển của thành phố cũng như đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của người dân và bạn bè quốc tế.
Lễ hội Âm nhạc quốc tế TP Hồ Chí Minh 'Hò dô' (HOZO) từ khi tổ chức đã trở thành một sự kiện tiêu biểu, mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và đối với việc xây dựng thương hiệu TP Hồ Chí Minh nói chung.
Một trong những sự kiện tiêu biểu mang tính bước ngoặt đối với đời sống âm nhạc nói riêng và đối với việc xây dựng thương hiệu của TP Hồ Chí Minh nói chung là Lễ hội Âm nhạc quốc tế Hò dô (HOZO) lần đầu tiên tổ chức năm 2019. Thành công của Lễ hội âm nhạc Hò dô lần thứ nhất cho thấy, việc xã hội hóa lễ hội âm nhạc là một hướng đi đúng của thành phố trong việc tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế. Ngoài ra, để có thể mời và đáp ứng yêu cầu của các nghệ sĩ tên tuổi của thế giới, công tác tổ chức cần phải vận hành một cách chuyên nghiệp các khâu tổ chức một lễ hội nghệ thuật quốc tế.
Liên quan đến công tác quản lý, Sở Văn hóa - Thể thao cho biết đã xem xét kỹ trước khi chấp thuận nội dung biểu diễn theo đề xuất của tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, căn cứ Nghị định số 144/2020/ND-CP ngày 14/12/2020 quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Bên cạnh đó, đơn vị tổ chức chương trình thường được Sở trao đổi về việc phối hợp chặt chẽ với chủ địa điểm tổ chức chương trình tuân thủ các quy định. Theo đó, chủ địa điểm tổ chức biểu diễn nghệ thuật chịu trách nhiệm các nội dung sau: Tuân thủ quy định về hoạt động kinh doanh, điều kiện an ninh, trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống cháy nổ, môi trường và các quy định khác của pháp luật liên quan. Đối với những chương trình biểu diễn có quy mô lớn, tập trung đông người, Sở Văn hóa - Thể thao thường xuyên phối hợp cùng các sở, ngành có liên quan thực hiện kiểm tra, giám sát trước và trong thời gian tổ chức chương trình. Đối với các chương trình lớn đã diễn ra trên địa bàn thành phố vừa qua, công tác đảm bảo về an ninh, trật tự… được các địa phương, doanh nghiệp và sở ngành phối hợp tốt.
Bên cạnh đó, vừa qua, Sở Văn hóa - Thể thao đã ký kế hoạch liên tịch cùng một số Sở ngành, TP Thủ Đức và các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh về tăng cường phối hợp quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật trên địa bàn TP, qua đó, đã tạo cơ chế phối hợp kịp thời, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, thi người đẹp trên địa bàn thành phố.