Nếu như ở ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, mô hình nhóm nhạc thần thượng luôn chiếm ưu thế, tạo nên trào lưu và được chú ý nhiều hơn so với lớp nghệ sĩ hoạt động solo thì tại Việt Nam có vẻ lại diễn ra ngược lại, số lượng nhóm nhạc Việt hoạt động tích cực gần như chỉ có thể 'đếm trên đầu ngón tay' trong khi ca sĩ riêng lẻ lại đông đảo và ngày càng gặt hái được nhiều thành công.
Những năm gần đây, với mức độ phổ biến và lan toả mạnh mẽ mang tính toàn cầu của làn sóng Kpop, nền nghệ thuật nước nhà liên tục đón chào những nhóm nhạc mới được đầu tư và định hướng chuyên nghiệp theo mô hình từ xứ sở Kim chi thịnh hành, hứa hẹn tiếp nối sự thành công thậm chí 'vượt mặt' các thế hệ đàn anh đình đám một thời như 365, Mây trắng, Mắt ngọc, 1080…
Lần lượt Monstar, LipB, Uni5 hay LIME được ra mắt hoành tráng với hình ảnh chỉn chu, gu âm nhạc thời thượng đem lại những màu sắc mới mẻ, đa dạng cho bức tranh âm nhạc Việt.
365Daband
1080
hay Mây Trắng,… là những nhóm nhạc đàn 'tiền bối' đình đám của Vpop
Tuy nhiên lại có một thực tế khá buồn rằng, trong khi các boygroup hay girlgroup đến từ thị trường Hàn Quốc luôn nhận được sự chú ý và quan tâm lớn từ khán giả Việt Nam thì những nhóm nhạc trong nước dù có tài năng, màu sắc âm nhạc hay phong cách tương tự lại chịu sự thờ ơ, lãnh đạm từ chính những người yêu nhạc.
Hệ quả là các sản phẩm âm nhạc khi được ra mắt tuy được đầu tư kĩ càng nhưng lại không nhận được nhiều chú ý, mức độ nhận diện trên thị trường kém,… dẫn đến khó khăn trong việc duy trì hoạt động. Mới đây nhất, nhóm LIME gồm 3 thành viên được biết đến là nhóm nhạc được đào tạo 'chuẩn Kpop' chính thức nói lời chia tay với người hâm mộ sau nhiều năm không thành công. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những đáng tiếc kể trên?
LIME chính thức tan rã sau 4 năm hoạt động không hiệu quả.
Tiềm lực từ công ty quản lý
Giống như thị trường âm nhạc Hàn Quốc, các nhóm nhạc tại Việt Nam hiện nay đều hoạt động dưới sự điều hành và quản lý từ một công ty nhất định. Nếu như Uni5, LipB là con cưng đến từ công ty của cặp đôi quyền lực Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Monstar từ St.319 Entertainment, Zero9 thuộc sự quản lý của công ty của nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ thì LIME thuở còn hoạt động lại trực thuộc công ty Việt Nam là V&K Entertainment và công ty Hàn Quốc là Rainbow Bridge World.
Hầu hết những hoạt động liên quan đến nghệ sĩ bao gồm việc tuyển dụng, đào tạo, sản xuất sản phẩm, quảng bá, quản lý, xử lý truyền thông… đều do công ty chịu trách nhiệm nên sự thành công của một nhóm nhạc phải kể đến vai trò rất lớn đến từ công ty chủ quản. Vì thế yêu cầu về sự chỉn chu và chuyên nghiệp trong bộ máy nhân sự là yếu tố tiên quyết.
Tại một công ty giải trí của Hàn Quốc, điển hình như những tên tuổi sừng sỏ như SM, JYP, YG hay Bit Hit đều sở hữu dàn nhân sự từ vài chục đến cả trăm người, phối hợp hoạt động theo từng bộ phận khác nhau từ sản xuất, PR, stylist, quản lý,… để chu toàn cho những 'gà cưng' của mình. Điều này dường như là những thiếu sót ở những công ty tại Việt Nam khi hầu hết đều là những công ty mới, nhỏ lẻ chưa thực sự có tính liên kết về mặt nhân sự cũng như kinh nghiệm trong việc điều hành.
Nhóm nhạc nam Uni5
Và nhóm nữ LipB đều là gà cưng trực thuộc công ty cặp đôi nổi tiếng Đông Nhi - Ông Cao Thắng
Bên cạnh đó, yếu tố về tài chính để đầu tư và quan hệ rộng rãi trong nghề của một công ty quản lý cũng ảnh hưởng rất nhiều tới sự thành - bại của một nghệ sĩ. Nói về quan hệ, những ông lớn SM, JYP, YG nhờ gây tiếng tăm của mình đã tạo nên mối quan hệ rất lớn với cơ quan truyền thông, đài truyền hình từ đó dễ dàng 'gửi gắm' gà cưng công ty trong các chiến dịch quảng bá.
Tần suất xuất hiện trên truyền hình và truyền thông đem lại hiệu quả không hề nhỏ đối với một nghệ sĩ. Những nhóm nhạc như NCT, TXT, ITZY hay (G)-IDLE thuở còn là những tân binh với xuất thân 'hiển hách' luôn được tạo điều kiện triệt để để tấn công thị trường khi mới ra mắt và đều nhận được chú ý đáng kể. Điều mà những nhóm nhạc từ những công nhỏ khó có thể đạt được.
Chi phí đầu tư quá lớn nhưng lại đầy rủ ro
Không giống như những nghệ sĩ hoạt động solo, chi phí trong suốt quá trình đầu tư cho một nhóm nhạc có sự khác biệt rất lớn, cụ thể là gấp nhiều lần bởi số lượng thành viên.
Chưa nói đến vấn đề khi được ra mắt, ngay từ khoảng thời gian đầu trong việc tuyển dụng, đào tạo, huấn luyện về thanh nhạc, vũ đạo cũng như nhiều kĩ năng khác cho các nhân tố cũng đã tiêu tốn khá nhiều từ công ty chủ quản. Bên cạnh đó, khoảng đầu tư này cũng mang đầy rủi ro khi chưa có gì đảm bảo sự thành công của nghệ sĩ sau này.
Ngoài những khoản không hề nhỏ trong việc đầu tư các sản phẩm âm nhạc như mua bài hát, thu âm, sản xuất MV, marketing, quảng bá,… các công ty còn phải chi các khoản khác như chi phí về nhân sự, di chuyển, ăn uống, trang phục,… nhiều hơn đáng kể so với khi đầu tư cho một ca sĩ solo.
Đơn cử như vấn đề trang phục biểu diễn, nhiều thành viên đồng nghĩa với việc sẽ phải chuẩn bị nhiều trang phục, thiết kế khác nhau nhưng vẫn phải tương đồng để tạo sự kết nối trong nhóm, trang phục hiếm khi trùng lặp và phải thay đổi liên tục trong từng sự kiện, sân khấu khác nhau. Bên cạnh đó là loạt phụ kiện, vật dụng đi kèm.
Chi phí đầu tư cho một nhóm nhạc tiêu tốn khá nhiều từ công ty chủ quản.
Tuy nhiên, chi nhiều không đồng nghĩa với việc thu lại cũng nhiều. Catse phải chi trả cho một nhóm nhạc khiến các nhà tổ chức cũng như bầu show tại Việt Nam thường e ngại trong việc ký kết hợp đồng biểu diễn hay quảng cáo vì nó lớn hơn nhiều nhưng hiệu quả đem lại vẫn tương đương khi hợp tác với một ca sĩ solo. Chính vì thế hầu hết các nhóm nhạc Vpop đều khó có thể nhận được thu nhập ổn định sau khi chi trả tất cả các chi phí, khiến họ phải chật vật suốt một thời gian dài.
Thị trường Việt chưa có nhiều đất cho các nhóm nhạc
Bên cạnh những hình thức PR, lăng xê hình ảnh thông qua các kênh truyền thông đại, báo chí, thì sự xuất hiện trên sóng quốc gia thông qua các talkshow, chương trình truyền hình, các sân khấu biểu diễn được đầu tư hoành tráng - nơi tất cả các thành viên đều có thể thể hiện nhiều nhất tất cả các kĩ năng ca hát, vũ đạo một cách thuần thục, đồng đều, phối hợp nhịp nhàng 'cộp mác' một nhóm nhạc mà khán giả khó có thể cảm nhận được từ một ca sĩ solo cũng là một cách tiếp cận trực tiếp khán giả tốt nhất.
Thị trường âm nhạc Hàn Quốc từ lâu thông qua loạt bảng xếp hạng nhạc số từ Melon, Mnet, Gaon, Bugs,… các sân khấu quảng bá đặc trưng hàng tuần như Music Bank, Inkigayo, Mcountdown,… trên truyền hình hay những show thực tế, chương trình radio, concert, lễ hội âm nhạc cuối năm hoành tráng như một cách hiệu quả đưa nghệ sĩ đến gần hơn với người hâm mộ, góp phần gia tăng được mức độ phổ biến của họ trên thị trường.
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ và đầu tư nghiêm túc từ chính phủ Hàn Quốc vào ngành giải trí với mục tiêu quảng bá văn hoá, thúc đẩy kinh doanh và du lịch. Hàng loạt cơ sở vật chất, công nghệ, sân khấu biểu diễn được xây dựng để đưa âm nhạc Kpop đến gần hơn với khán giả cũng tạo điều kiện để các nghệ sĩ phát triển mạnh mẽ.
Các sân khấu âm nhạc cuối tuần là nơi các nhóm nhạc Hàn Quốc tiến hành quảng bá sản phẩm của mình đến khán giả.
Tại Việt Nam, các nhóm nhạc lại có rất ít 'đất' cũng như cơ hội để thể hiện bản thân trên sóng quốc gia mà chủ yếu mở rộng quy mô khán giả thông qua các sân khấu biểu diễn sự kiện, chương trình được kí kết hợp đồng.
Bảng xếp hạng âm nhạc đánh giá thành tích nhạc số hiếm hoi hay các sân khấu biểu diễn trên sóng truyền hình để quảng bá sản phẩm mới, gameshow, chương trình thực tế,… ít khi được đầu tư đều hạn chế nghệ sĩ rất nhiều trong việc tìm được chỗ đứng trên bản đồ Vpop. Mặc dù được định hướng phát triển theo mô hình Hàn Quốc nhưng chính sự khác biệt lớn này khiến cho mọi ý đồ phát triển không thể huy tác dụng và đem lại hiệu quả tối đa nhất.
Cái bóng quá lớn từ Kpop và tâm lý của khán giả Việt
Từ lâu đến nay, khán giả Việt Nam đa phần ưa chuộng những nghệ sĩ solo hơn là các nhóm nhạc. Bên cạnh đó, mức độ phổ biến rộng rãi của âm nhạc Kpop một phần cũng khiến khán giả thờ ơ với những girl group hay boy group trong nước.
Với sự đầu tư vượt trội trong ngoại hình, âm nhạc bắt tai tạo xu hướng, vũ đạo nhuần nhuyễn, sân khấu biểu diễn ấn tượng, hầu như mọi khán giả Việt đều sẵn sàng lựa chọn thưởng thức một nhóm nhạc Hàn Quốc biểu diễn thay vì nhóm nhạc Việt Nam. Ngoài ra, tâm lý thích so sánh, chê bai, soi mói hay thói quen không tôn trọng nghệ sĩ, nghe và tải nhạc free vẫn còn hiện hữu trong đại bộ phận khán giả khiến hình ảnh nhiều nhóm nhạc Vpop trở nên khá tiêu cực trong mắt người hâm mộ.
Việc xây dựng một cộng đồng người hâm mộ vững mạnh cũng là một yếu tố quan trọng để nhóm nhạc có thể hoạt động hiệu quả và bền vững. Một fandom lớn tác động rất nhiều đến sự thành - bại của nghệ sĩ thông qua lượng stream ca khúc của nhóm, lượng mua album, lượng bình chọn trong các lễ trao giải,… Tuy nhiên với vị thế và mức độ phổ biến như hiện tại, đây lại là một bất lợi lớn đối với một nhóm nhạc Vpop khi lực lượng người hâm mộ của họ thậm chí còn chưa hùng hậu bằng một nghệ sĩ solo trên thị trường.
Lực lượng người hâm mộ lớn hay nhỏ tác động vào sự thành - bại của một nhóm nhạc.
Chiến lược phát triển lâu dài chưa thực sự phù hợp
Thông thường, hợp đồng hoạt động một nhóm nhạc Hàn Quốc với một công ty quản lý trung bình sẽ trong vòng 7 năm đến 10 năm thế nhưng tại Việt Nam, dù mang tiếng học hỏi nước bạn nhưng khoảng thời gian đó bị rút ngắn đi rất nhiều dẫn đến sự 'chết yểu' nhanh chóng của các nhóm nhạc tiềm năng, một số thành viên khá dễ dàng trong việc rời nhóm để tìm hướng đi mới cho bản thân.
Cho đến bây giờ, tại Việt Nam chỉ có trường hợp nhóm 365 và công ty quản lý VAA của Ngô Thanh Vân là hoạt động hiệu quả nhất với thời hạn lên tới 10 năm. Còn lại, hầu hết vòng đời của các nhóm nhạc với công ty chủ quản chỉ diễn ra trong vòng từ 3 đến 5 năm là nhiều. Khi đến hạn hợp đồng, các thành viên rời nhóm vì những thoả thuận ban đầu không còn phù hợp với mong muốn và nhu cầu của bản thân ở hiện tại.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ việc vạch định kế hoạch và chiến lược phát triển lâu dài giữa công ty chủ quản với nghệ sĩ chưa thực sự phù hợp, một phần bởi niềm tin và sự kiên nhẫn từ hai bên chưa đủ lớn để tiếp tục đồng hành cùng nhau vẽ ra những đường đi nước bước mới. Thêm vào đó thị trường dành riêng cho các nhóm nhạc trong nước chưa đủ mạnh dẫn đến thực trạng hoạt động bấp bênh cũng tác động ít nhiều vào những định hướng đường dài.
Không những thế, những bất đồng quan điểm về phân chia lợi nhuận, sự chênh lệch về danh tiếng giữa các thành viên dẫn đến việc hình thành tư duy mong muốn tách ra để hoạt động riêng lẻ đều là những mối đe doạ lớn nhất cho sự tồn tại lâu bền của một nhóm nhạc tại Việt Nam.
Kết
Hiện nay, thị trường Việt Nam chỉ xuất hiện những nhóm nhạc Vpop đến từ công ty quản lý trong nước mà một vài công ty có tiếng đến từ Hàn Quốc như SM, Cube, RBW,… cũng bắt đầu để ý đến đất nước chúng ta như một mảnh đất màu mỡ khi tiến hành những hoạt động tìm kiếm và tuyển chọn thực tập sinh cho những dự án của mình.
Điều này chứng minh Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng cần được khai phá và đầu tư. Để đào tạo và thành lập một nhóm nhạc thần tượng tài năng, hợp xu hướng, ngoại hình bắt mắt, âm nhạc hấp dẫn là một điều dễ dàng thế nhưng để có được chỗ đứng nhất định và duy trì hoạt động của những nhóm nhạc đó một cách hiệu quả lại là một câu chuyện khác, nó phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố như tiềm lực kinh tế, chiến lược phát triển, khả năng quản lý,…
Học hỏi và vận dụng theo khuôn mẫu là điều cần thiết nhưng bên cạnh đó bài toán về bản sắc riêng biệt, mang đậm tính dân tộc nhưng không kém phần sáng tạo đối với mỗi nghệ sĩ vẫn là điều nên được quan tâm nhất trước sự phát triển ngày càng cao của âm nhạc nói riêng và cả nền nghệ thuật nói chung.