Theo trích dẫn dữ liệu trên hệ thống Dịch vụ Giám sát Tài chính, doanh thu nội địa của Hybe, công ty quản lý BTS, Seventeen và Enhypen chỉ chiếm 24,96% trong tổng số 456,9 tỷ won (390 triệu USD) của nửa đầu năm nay.
Bắc Mỹ chiếm 19,83% tổng doanh số, châu Á chiếm 11,27% và các quốc gia khác là 2,31%. 41,44% doanh số bán hàng đến từ mảng trực tuyến. Hybe cho biết phần lớn doanh số bán hàng trực tuyến ước tính từ thị trường nước ngoài.
BTS lập nhiều kỷ lục ở các giải thưởng quốc tế.
JYP Entertainment, công ty có các nhóm nhạc nổi tiếng, chẳng hạn 2PM, TWICE, Stray Kids, ITZY cũng chứng kiến doanh thu ở nước ngoài vượt quá trong nước.
Trong nửa đầu năm, tổng doanh thu của công ty đạt 72,9 tỷ won. Trong đó, 39,5 tỷ won từ thị trước nước ngoài và 33,3 tỷ won của bán hàng nội địa.
Với sự nổi tiếng nhanh chóng của ca sĩ, nhóm nhạc Kpop ở thị trường quốc tế, các kênh phân phối trực tuyến nhắm tới người hâm mộ trên toàn thế giới là khách hàng mục tiêu.
Ktown4u, nơi bán các album và hàng hóa liên quan đến Kpop, không chỉ có bản tiếng Hàn, tiếng Anh mà cả tiếng Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Indonesia để phục vụ người hâm mộ nước ngoài.
HM International, nhà điều hành kênh Ktown4u, đã chứng kiến doanh thu nửa đầu năm tăng 133,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong bối cảnh đó, việc một album có âm nhạc, phong cách thu hút người hâm mộ nước ngoài trở thành chìa khóa giúp các nhóm nhạc, ca sĩ Hàn Quốc nâng cao doanh số.
The Korea Times nhận định rất khó để bán được lượng lớn album nếu chỉ nhắm tới khán giả trong nước. Do đó, hầu hết nhóm nhạc Hàn Quốc đang tập trung vào thị trường quốc tế.
Phần lớn doanh thu của các công ty giải trí Hàn Quốc trong nửa đầu năm nay đến từ thị trường nước ngoài.
'Doanh số bán album của các nhóm nhạc nam đã tăng lên rất nhiều sau sự bùng phát của Covid-19. Và đúng là người hâm mộ ở nước ngoài góp một phần đáng kể trong doanh số bán album', một quan chức từ công ty giải trí lớn cho biết trên The Korea Times.
Một chuyên gia khác nhận định: 'Khi các nhóm nhạc Kpop hoạt động tốt ở thị trường Mỹ và Nam Mỹ, không chỉ album mới mà các sản phẩm cũ của họ cũng đột ngột tăng doanh số và đạt nhiều kỷ lục.
Nếu các sự kiện âm nhạc, concert tiếp tục bị hủy bỏ vì Covid-19, thị trường quốc tế có thể sẽ được công ty giải trí chú ý nhiều hơn nữa', chuyên gia nói thêm.
Không chỉ tìm hiểu về văn hoá giới trẻ các nước mà hiện tại showbiz Hàn rất cưng chiều họ và không dám làm phật ý khán giả quốc tế.
Các công ty nhận ra một số vấn đề có thể làm tăng sự tức giận của người hâm mộ từ các quốc gia khác.
Ví dụ gần đây nhất là Giselle - thành viên của nhóm nhạc nữ aespa. Nữ ca sĩ đã phải đăng lời xin lỗi trên Twitter sau khi hát theo ca khúc Love Gallore của SZA trong hậu trường quay MV Savage.
Nữ ca sĩ bị chỉ trích và chịu sự phản đối mạnh mẽ từ người hâm mộ nước ngoài vì bài hát cô hát theo có từ 'niggas' miệt thị người da màu.
IZ*ONE - một nhóm nhạc dự án đã tan rã - phải xóa teaser của MV Secret Story of the Swan vào tháng 6/2020 khi khán giả quốc tế chỉ ra món đồ trang sức mà thành viên Kwon Eun Bi đeo trên trán giống với Bindi. Bindi là một biểu tượng tôn giáo, văn hóa, chính trị và thường xuất hiện trên trán của phụ nữ Ấn Độ.
JYP Entertainment - công ty của TWICE - có doanh thu lớn từ thị trường quốc tế. Ảnh: JYP Entertainment.
Cũng vào năm 2020, BlackPink đã gây tranh cãi vì sử dụng tượng thần Ganesha của đạo Hindu trong video âm nhạc How You Like That.
Chi tiết gây tranh cãi nằm ở phân cảnh của thành viên Lisa. Khi cô ngồi trên ngai vàng và hát, tượng thần Ganesha bị đặt dưới sàn nhà. Điều này khiến nhiều người giận dữ, coi đây là hành động thiếu tôn trọng và phỉ báng. Công ty quản lý YG Entertainment đã sửa đổi cảnh quay để xoa dịu sự phản đối của người hâm mộ Ấn Độ.
>> Xem thêm: BTS được đề cử giải thưởng Nghệ sĩ của năm tại American Music Awards