Tối 2/4, Con đường âm nhạc số đầu tiên của năm 2023 tôn vinh sự nghiệp âm nhạc của nữ ca sĩ Tân Nhàn do Ban Văn nghệ, Đài truyền hình Việt Nam thực hiện đã diễn ra tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Đây là phiên bản lần đầu tiên chương trình có 2 MC là Mỹ Vân và Anh Tuấn.
Chia sẻ trên sân khấu, Tân Nhàn tiết lộ, qua đại dịch COVID -19, chỉ trong vòng 8 tháng, cô nhiễm dịch 2 lần, cho đến giờ sức khỏe vẫn chưa hồi phục. Thêm vào đó, trong thời gian chuẩn bị cho đêm nhạc, Tân Nhàn gặp vấn đề về cổ họng, đau họng và thi thoảng bị hụt hơi, nên cô rất căng thẳng trước đêm diễn.
Lời trần tình nhẹ nhàng của Tân Nhàn cũng là lời cô mong được lượng thứ nếu có gì đó chưa trọn vẹn. Nhưng Tân Nhàn đã hoàn thành tốt vai trò của mình, nhẹ nhàng và tình cảm kể cho khán giả nghe về con đường âm nhạc của mình.
Trong 90 phút diễn ra, Tân Nhàn đã 'chiêu đãi' người nghe một bữa tiệc âm nhạc thịnh soạn với nhiều màu sắc từ dòng nhạc mang âm hưởng dân gian mà nữ ca sĩ theo đuổi và thành công trong 18 năm sự nghiệp đến chèo, hát văn, quan họ…
Từ một Tân Nhàn của hiện tại và tương lai, Con đường âm nhạc của cô ngược trở về những ngày đầu tiên đi hát cách đây gần 20 năm qua những bài hát gắn với tên tuổi cô và giúp cô nổi danh như Trăng khuyết, Ở hai đầu nỗi nhớ, Tình đất… Đặc biệt là khoảnh khắc đánh dấu bước ngoặt cuộc đời, sự nghiệp của Tân Nhàn, đó chính là giây phút cô được xướng tên với giải Nhất Sao Mai 2005 Phong cách nhạc dân gian.
Tân Nhàn đã xuất sắc giành giải Nhất Sao mai 2005, phong cách nhạc dân gian. Ngày ấy, Tân Nhàn đặc biệt nổi tiếng với Trăng khuyết. Ca khúc cũng là tiêu đề cho album đầu tay của Tân Nhàn trong sự nghiệp nghệ thuật chuyên nghiệp.
Tân Nhàn hát lại Trăng khuyết trong 'Con đường âm nhạc' với một tinh thần mới, một bản phối mới. Giọng hát vừa nồng nàn vừa xót xa thương cảm cho kiếp con tằm giăng tơ, giăng cả nỗi lòng mình vào sự đồng cảm của khán giả. Những tràng pháo tay đã vang lên không dứt để cổ vũ cho một Trăng khuyết mới mẻ, day dứt của Tân Nhàn.
Trên con đường ấy, ngoài âm nhạc, còn có tri kỷ của nữ nghệ sĩ. Đó là giải Nhì Sao mai 2007 Thu Hà. Hai nghệ sĩ có màn song ca ăn ý, ngọt ngào ca khúc Hai quê.
Ngay sau đó, khán giả tiếp tục được đắm chìm với những ngọt ngào mà Tân Nhàn mang đến qua ca khúc Thư tình cuối mùa thu (Thơ Xuân Quỳnh, nhạc Phan Huỳnh Điểu). Là ca khúc đã gắn liền với nhiều tên tuổi nhưng ở Tân Nhàn lại mang một dáng vẻ khác. Là một bức thư tình lãng mạn của một trái tim đa cảm, yêu mê say cuồng dại.
Phần sau của đêm nhạc, Tân Nhàn mang đến không gian âm nhạc đa dạng cùng các chất liệu âm nhạc truyền thống. Đây là thành tựu âm nhạc mà Tân Nhàn đã có được bằng cách chăm chỉ học hỏi nhiều tiền bối trong làng âm nhạc dân gian như nghệ nhân Hà Thị Cầu, NSND Xuân Hoạch, NSƯT Đình Cương… Bên cạnh đó là quá trình Tân Nhàn tự tìm tòi qua băng đĩa nhạc. Bằng tài năng âm nhạc của mình, có thể thấy, ở bất kỳ loại hình âm nhạc dân gian nào mà Tân Nhàn dấn thân đều mang đến cho cô những dấu ấn.
Trong đêm nhạc, Tân Nhàn đã trình diễn hai bài chèo cổ là Đào liễu và Duyên phận phải chiều với chất giọng tròn, căng nẩy, mẩy. Khó có thể nhận ra, cô không phải là một kép chèo chuyên nghiệp. Có chăng, chỉ là tinh thần mới mẻ được Tân Nhàn phả vào thứ âm nhạc đặc sắc miền Bắc Bộ này...
Không màu mè, chiêu trò, có thể thấy, Con đường âm nhạc của Tân Nhàn chú trọng vào viên ngọc sáng là giọng hát và nỗ lực cống hiến của cô cho những điều lớn hơn cả một sự nghiệp ca hát của một người nghệ sĩ. Đó là sứ mệnh nối dài tình yêu dành cho nghệ thuật dân gian trong dòng chảy đương đại. Thế nên Tân Nhàn tâm sự với MC Anh Tuấn, rằng cô tham vọng xây dựng giáo trình âm nhạc dân gian để giảng dạy cho thế hệ kế cận tại Học viện âm nhạc Quốc gia.