Theo báo cáo, doanh thu quyền tác giả trên toàn cầu bao gồm tác giả âm nhạc, tác giả điện ảnh, tác giả văn học, nghệ thuật và kịch giảm 9,9% vào năm 2020 - tương đương hơn 1 tỷ euro do hậu quả của đại dịch toàn cầu. Tổng số tiền thu được đã giảm xuống còn 9,32 tỷ euro, các biện pháp đóng cửa nền kinh tế của các nước trên thế giới đã khiến cho nguồn thu từ lĩnh vực biểu diễn trực tiếp và biểu diễn nhạc nền qua bản ghi âm giảm gần một nửa.
Nhưng sự sụt giảm nguồn thu này được bù lại một phần nhờ tiền bản quyền thu được từ lĩnh vực kỹ thuật số do lĩnh vực này tăng trưởng mạnh trong những năm gần đây. Sự tăng trưởng mạnh này có được nhờ vào lưu lượng và nhu cầu phát trực tuyến âm thanh và video trên toàn thế giới và hoạt động cấp phép mạnh mẽ của nhiều tổ chức bảo vệ quyền tác giả là thành viên của CISAC.
Cụ thể, việc đóng cửa nền kinh tế đã khiến cho mức tiêu thụ các sản phẩm trực tuyến tăng mạnh, đặc biệt là lĩnh vực thuê bao của dịch vụ video theo yêu cầu. Hoạt động cấp phép lĩnh vực kỹ thuật số của một số tổ chức bảo vệ quyền tác giả, đặc biệt là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Bắc Mỹ đã giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này. Và, Việt Nam nằm trong danh sách những thị trường dẫn đầu về tăng trưởng kỹ thuật số.
Doanh thu từ kỹ thuật số của VCPMC (Việt Nam) tăng 44% so với năm trước
Được biết, trong năm 2020, với việc sụt giảm mạnh các hoạt động biểu diễn công cộng, VCPMC đã phân bổ lại nguồn lực và thuê các nhà cung cấp dịch vụ bên thứ 3 để gia tăng nguồn thu kỹ thuật số. Doanh thu từ kỹ thuật số tăng 44% so với năm trước, bù đắp cho sự sụt giảm 54,4% của hoạt động biểu diễn công cộng và biểu diễn trực tiếp.
Được thành lập cách đây chưa đầy 20 năm, VCPMC đã khẳng định mình là trụ cột thiết yếu để hỗ trợ cho các tác giả tại Việt Nam. Các cán bộ của VCPMC đã chứng kiến sự tăng trưởng liên tục của Trung tâm qua các năm. Nếu như báo cáo mức tăng trưởng toàn lĩnh vực cho năm 2020 là 11% thì mức tăng trưởng vẫn tiếp tục vào năm 2021, bất chấp tình hình đại dịch và khuôn khổ pháp lý còn nhiều thiếu sót cho lĩnh vực biểu diễn trực tiếp.
VCPMC đang phải đối mặt với những thách thức về mặt pháp lý trong lĩnh vực cấp phép biểu diễn trực tiếp, khi những đơn vị tổ chức biểu diễn cố tình khai thác lỗ hổng của khung pháp lý và trốn tránh nghĩa vụ pháp lý của họ đối với giấy phép quyền tác giả từ VCPMC. Vì vậy, để bảo vệ người sáng tạo, VCPMC phải tham gia vào các vụ kiện tốn kém, mất thời gian để đấu tranh với những nhà tổ chức sự kiện này.
Dù vậy, theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Tổng giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam: 'Chúng tôi cần duy trì các hành động pháp lý này để bảo vệ lợi ích của các thành viên của chúng tôi, vì việc kiện tụng tạo ra hiệu ứng răn đe, đồng thời nâng cao nhận thức của những người sử dụng quyền tác giả. Nó cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh đối với các cơ quan chức năng về mức độ vi phạm bản quyền mà chúng tôi đang phải đối mặt và cho thấy sự cần thiết phải cải thiện hệ thống bản quyền'.
>> Xem thêm: Fan 'xỉu lên xỉu xuống' với bộ ảnh lịch mới của của SNSD, NCT 127, EXO và dàn sao nhà SM