Gen-Z tiếp tục thống trị làng nhạc
Năm 2023, làng nhạc Việt chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ chưa từng thấy ở những nhân tố trẻ, hay thường được gọi chung là 'GenZ'. Có thể khẳng định điều này qua các bảng xếp hạng lẫn giải thưởng âm nhạc uy tín như 4/5 đề cử Album của năm tại Làn Sóng Xanh là những gương mặt trẻ.
Phương Mỹ Chi, tlinh, Wren Evans hay MONO sở hữu những bản hit 'viral' đúng nghĩa trong năm qua, và điều đáng nói là họ đã tìm được phong cách âm nhạc cá nhân dù ở độ tuổi còn rất trẻ.
Một điểm đáng chú ý khác phải kể đến ở Gen-Z là tư duy âm nhạc tân tiến và tinh thần sẵn sàng làm chủ cuộc chơi. Không cần đến những ê-kip 'mạnh vì gạo, bạo vì tiền', họ tự sáng tác, tham gia hòa âm phối khí, thậm chí lên concept cho chính sản phẩm âm nhạc của mình. Không hề quá đáng khi nói tài năng và tư duy âm nhạc nắm giữ vai trò then chốt trong sự thành công bùng nổ của Gen-Z năm 2023.
Thừa thắng xông lên, 2024 sẽ là một năm đầy tiềm năng của hội Gen-Z khi ở họ, vẫn còn nhiều điều để khai phá.
Kỷ nguyên album quay lại
Đi cùng với độ phổ biến ngày một tăng cao của âm nhạc từ Gen-Z thì 'kỷ nguyên album' cũng đã quay lại với Vpop.
Nhạc sĩ Anh Quân từng nhận định: "Đã gọi là nghệ sĩ thì phải có album', bởi vì album chính là sản phẩm hoàn hảo và trọn vẹn nhất có thể chứng minh cái tầm, sự trưởng thành và cả cá tính tách biệt của một người làm nhạc.
Thế nhưng trước đây, khi nhắc đến việc phát hành 1 album thực thụ, đến cả những gương mặt đã nổi đình đám cũng không khỏi e dè.
Chi phí sản xuất cao, khó đạt được lợi nhuận, sức mua ít ỏi từ fan, khó gây được tiếng tăm như single… là những lý do thường thấy khi lý giải vì sao các album 'mất hút' khỏi làng nhạc Việt, và các nghệ sĩ cũng chỉ muốn phát hành những ca khúc đơn.
Đến năm 2023, Vpop ghi nhận sự ra đời của hàng loạt những album chất lượng từ khâu sản xuất, concept và thậm chí là tính liên kết xuyên suốt giữa các ca khúc – điều đã từng hiếm thấy ở các album nhạc Việt. Ái của tlinh, LOICHOI của Wren Evans hay Vũ trụ cò bay của Phương Mỹ Chi đều đạt được thành công vang dội, không chỉ tô đậm dấu ấn riêng của chính họ trong âm nhạc mà còn là minh chứng cho sự kiên nhẫn, tâm huyết, đam mê âm nhạc bền bỉ của các nghệ sĩ.
Giữa một thị trường âm nhạc suýt nữa đã 'bão hòa' với những bài hát thị trường chóng đến chóng đi, những cá tính riêng cùng với sản phẩm lưu dấu ấn theo thời gian vẫn luôn xứng đáng được tôn vinh và biểu trưng hơn cả.
Sự đổ bộ ồ ạt của những chương trình 'Việt hóa'
Việc mua các chương trình với danh tiếng sẵn có để 'bản địa hóa' không phải một xu hướng mới tại Việt Nam. Trong phạm vi làng nhạc Việt, năm 2024 sẽ có nhiều điều đáng chờ đợi từ các sản phẩm 'lai' này.
Nếu đầu năm 2023 có Biển của Hy Vọng (bản Việt của Sea of Hope) với những khúc ca 'chữa lành' dịu êm thì đến cuối năm, Chị đẹp đạp gió rẽ sóng (bản Việt của Sisters Who Make Waves) đã khiến 'mọi người phải nói chuyện về nhiều'.
Bỏ qua những 'drama' bên lề, chúng ta phải thành thật thừa nhận rằng các chương trình âm nhạc 'Việt hóa' đã và đang làm rất tốt trong việc 'nêm' thêm những gia vị đặc trưng của làng nhạc Việt để biến những sản phẩm từ quen thành mới lạ, hấp dẫn hơn và cũng gần gũi hơn.
Vừa bước sang năm 2024, Madison Media Group đã thông báo sẽ đưa Street Woman Fighter về Việt Nam với tên tiếng Việt là Nữ hoàng Vũ đạo Đường phố. Các fan Kpop hẳn không còn quá xa lạ với show âm nhạc kiêm vũ đạo này, khi cả 2 mùa chương trình đều bùng nổ, đưa những nhóm nhảy như HolyBang, Lachica, YGX… đến gần với công chúng hơn. Các cá nhân xuất sắc như Noze hay Monika, Honey J thậm chí dần gây dựng được lượng fan riêng và có sức ảnh hưởng không thua kém các thần tượng đình đám.
Madison Media Group từng làm nên thành công vang dội cho Chạy đi chờ chi (bản gốc Running Man) mùa 1, vậy nên khán giả đang rất chờ mong liệu nhà sản xuất này có thể tiếp tục lặp lại 'chiến tích' với show truyền hình vũ đạo đình đám này hay không, nhất là khi Việt Nam sở hữu rất nhiều những 'chiến thần' vũ đạo.
Bên cạnh đó, Anh trai vượt ngàn chông gai (bản gốc Call me by fire) cũng đang được chờ mong không kém.
Tiktoker 'debut' làm ca sĩ
Nếu như Hàn Quốc và Trung Quốc một thời từng có hàng loạt ca sĩ 'đổi nghề' làm diễn viên, gây ra tranh cãi không ngừng thì tại Việt Nam, các Tiktoker lại thi nhau cầm mic. Điều này sẽ chẳng đáng nói nếu như hầu hết các gương mặt trẻ nổi tiếng từ mạng xã hội đầu tư một cách nghiêm túc cho sản phẩm âm nhạc của mình. Đáng tiếc, phần lớn những trường hợp Tiktoker 'debut' làm ca sĩ chỉ để lại nỗi chán ngán cho khán giả khi các ca khúc họ ra mắt được ví von như 'thảm họa'.
Điều này phần lớn xuất phát từ việc không qua đào tạo trường lớp chính chuyên và không có một tư duy âm nhạc rõ ràng, có khi niềm đam mê ở họ cũng chẳng đủ trọn vẹn.
Tất nhiên, vẫn có một số trường hợp thành công và đáng khen ngợi nhờ sự đầu tư trong sản phẩm của họ, như Chi Xê với Ai? (Tôi vẫn chưa biết mình là I), Choco Trúc Phương với Body Shaming hay Mỹ Mỹ với Không ai khác ngoài em. Đây là những gương mặt tiềm năng và nếu kiên trì, bền bỉ làm nghệ thuật chuyên nghiệp cũng như không ngừng cải tiến kỹ năng của bản thân, họ chắc chắn sẽ có một vị trí nhất định trong làng nhạc Việt.
Mỹ Mỹ - một trường hợp hiếm hoi được công nhận 'thoát mác' Tiktoker khi đi hát.
Âm nhạc mang 'tính nữ' lên ngôi
Ái của tlinh là một album thể hiện rất rõ 'tính nữ' trong âm nhạc. Nhiều khán giả nhận xét rằng, họ nhìn thấy câu chuyện của chính mình trong các ca khúc của Ái. Đó có thể là một cô gái luôn mong mỏi nhận được sự vuốt ve dịu dàng từ người yêu sau khi nhận phải vô vàn tổn thương từ thế giới bên ngoài, và cũng có thể là sự cá tính lẫn gai góc của người đã trải qua nhiều lần vấp ngã.
Sau Ái, một ví dụ khác về bài hát mang 'tính nữ' nổi bật có thể kể đến Em Xinh của MONO. Em Xinh của MONO ánh lên một thông điệp đẹp đẽ rằng mọi người phụ nữ đều xinh đẹp theo một cách riêng của họ, và họ xứng đáng nhận được sự biểu dương đó.
'Tính nữ' trong âm nhạc không chỉ gói gọn trong phạm vi 'nữ tính', cả Em Xinh lẫn Ái đều chứng minh 'tính nữ' là một chủ đề có nhiều không gian để khai thác và hoàn toàn có thể trở thành một xu hướng mới trong âm nhạc cho những năm tiếp theo.