Anh Q.C chia sẻ, gia đình vợ anh ở quê, trên vợ có hai anh trai (đã lập gia đình), không giàu có nhưng cũng chẳng thiếu thốn. Tuy nhiên, vì nết tiết kiệm từ bé, vợ anh khiến cuộc sống hôn nhân vô cùng ngột ngạt.
Vợ quá tiết kiệm
'Nhà vợ tôi trung lưu, không giàu không nghèo, cô ấy cũng không chịu gánh nặng tài chính với nhà ngoại vì có hai anh trai đều đã lập gia đình, cuộc sống ổn định, bố mẹ vẫn khoẻ mạnh. Vợ tôi thi đỗ đại học rồi có công việc ổn định ở thành phố nơi tôi đang làm việc. Chúng tôi quen nhau qua bữa tiệc của bạn bè. Còn tôi là con một trong gia đình, bố mẹ làm công chức nhà nước, vẫn đang tại vị. Bản thân tôi có công việc ổn định, kiếm ra tiền, có hai ngôi nhà, một do bố mẹ sang tên, một do tự kiếm tiền mua được.
Ảnh minh họa.
Thời mới yêu, tôi đặc biệt thích tính cách và rất ưng ý với vợ mình vì cô ấy vô cùng sòng phẳng, đi chơi, đi ăn luôn chủ động chia nửa, không tiêu tiền bừa bãi, những lúc tôi muốn tiêu hoang một chút, cô ấy sẽ ngăn lại rất đúng lúc. Xác định cô ấy là một người đảm đang, biết vun vén, tôi quyết định đưa cô ấy về ra mắt. Trong thời gian tiếp xúc với gia đình tôi, cô ấy cũng thể hiện tốt, bố mẹ tôi rất hài lòng về mối quan hệ này”, anh Q.C tâm sự.
Khi kết hôn, gia đình anh Q.C đưa sính lễ cho phía nhà gái với tổng chi phí là 300 triệu, vợ anh cho rằng như thế là quá nhiều, nhưng anh và gia đình vẫn cho rằng nên làm vậy cho đúng nghi lễ, phép tắc.
Tuy nhiên, đời không ai lường nổi chữ ngờ. Sau khi chung sống với nhau, anh Q.C mới nhận ra, vợ anh không phải tiết kiệm mà là keo kiệt, bủn xỉn khiến cuộc sống của anh bị bó buộc, không lúc nào thoải mái. Thậm chí, anh Q.C còn không muốn về nhà vì phải đối diện với những tính toán chi ly của vợ.
'Vợ tôi là người keo kiệt, không phải tiết kiệm, thu nhập tổng của hai vợ chồng chúng tôi khoảng 500 triệu một năm, nhưng cô ấy dành tới 400 triệu để tiết kiệm, mọi chi phí chỉ trong gia đình đều phải gói gọn trong 100 triệu còn lại. Quá đáng hơn, khi có việc phát sinh, cần tiền gấp, vợ tôi nhất quyết không chịu dùng tiền tiết kiệm mà bắt tôi đi vay', anh Q.C ngán ngẩm.
Muốn ly hôn
Dù anh Q.C nhiều lần nói chuyện nghiêm túc với vợ, phân tích thiệt hơn, phải trái nhưng vợ anh không chịu nghe, luôn nói rằng tiết kiệm mới có cảm giác yên tâm, sau này gia đình sẽ có những việc lớn, phải dùng rất nhiều tiền. Tuy nhiên, lời giải thích của vợ đối với anh Q.C là không thoả đáng, trong mắt anh, vợ anh là người ham công việc nhưng keo kiệt, nghiện tiết kiệm tiền đến mức cực đoan.
'Trên thực tế, tôi và vợ không có áp lực nào liên quan đến thế chấp, bố mẹ tôi đã mua nhà cho tôi trước khi chúng tôi kết hôn, tôi cũng có nhà riêng đứng tên mình và đang cho thuê. Cả tôi và vợ tôi đều có bảo hiểm xã hội và một quỹ nhà ở, chúng tôi không phải lo lắng gì về việc sau này già đi không làm được việc, không kiếm được tiền. Vì vậy, theo tôi, cuộc sống của chúng tôi không nên như thế này, tôi không cần xa hoa lãng phí nhưng cũng không thể cứ suốt ngày sống theo kiểu túng thiếu, eo hẹp đến mức ngột ngạt', anh Q.C chia sẻ.
Theo anh Q.C, tiêu dùng hàng ngày của vợ cực kỳ đơn giản, cô ấy dậy sớm đi mua rau củ quả ở chợ đầu mối cho rẻ, thịt mua ở quê để ăn dần, thời tiết chuyển mùa thì mua 2 - 3 bộ quần áo. Lễ tết anh Q.C rất muốn đi ăn ngoài, nhưng vợ không chịu vì cho rằng vừa đông, vừa đắt lại không ngon.
Chính vì những khác biệt trong chuyện tiêu tiền, anh Q.C cảm thấy cuộc sống hiện tại quá nhàm chán, nảy sinh ý định ly hôn.
'Hai vợ chồng có quan điểm sống, phong cách sống quá khác nhau, có những ngày tôi chán đến mức không muốn về nhà, không muốn nhìn mặt vợ, không muốn ăn những món đạm bạc mà cô ấy nấu. Nhưng tôi cũng thấy vợ không có quá nhiều khuyết điểm ngoài tính keo kiệt, thậm chí có thể nói là chăm chỉ nên cũng không biết quyết định của mình có sai không? Tôi nên nhẫn nhịn sống qua ngày tiếp hay dứt khoát để cả hai có thể sống cuộc sống thoải mái hơn?'.