Quy chế sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học một lần nữa gây tranh cãi khi mới đây Trường Đại học Hoa Sen thông báo áp dụng. Trao đổi với PV Tri thức và Cuộc sống, PGS. TS Trần Xuân Nhĩ - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT và Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho rằng, quy định này là không phù hợp. Bộ GD&ĐT cần rút lại quy định này tại Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT.
Trường Đại học Hoa Sen
Nới lỏng… 'vẽ đường' cho sinh viên bán dâm?
Trường Đại học Hoa Sen và một số trường đại học ra quy chế sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới buộc thôi học theo Thông tư số 10 năm 2016 của Bộ trưởng GD&ĐT tiếp tục gây tranh cãi, bức xúc dư luận, các chuyên gia ý kiến về việc này thế nào?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học từng gây tranh cãi từ năm 2016 sau khi Bộ trưởng GD&ĐT ban hành Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT. Theo quy định tại thông tư này, sinh viên hoạt động mại dâm lần đầu sẽ bị khiển trách; lần thứ 2 cảnh cáo; lần 3 bị đình chỉ có thời hạn. Sinh viên hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm bị xử lý nặng hơn, đó là buộc thôi học ngay lần đầu phát hiện vi phạm.
Thời điểm đó, nhiều ý kiến phê phán quy định này không phù hợp, nhưng không hiểu sao đến nay Bộ GD&ĐT chưa thu hồi. Sinh viên có hoạt động mại dâm một lần thôi đã là sai trái, nhưng lại cho đến 4 lần mới bị buộc thôi học. Về mặt đạo đức đã không đúng, bởi trong nhà trường vốn là môi trường sư phạm, hoạt động mại dâm, mua bán dâm là sai trái cả mặt pháp luật, đạo đức. Tại sao lại cho phép đến 4 lần mới kỷ luật buộc thôi học?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học không phải là quy định mới. Thời gian qua, các cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều sinh viên bán dâm là minh chứng cho quy định này không phù hợp, không đủ sức răn đe.
Bán dâm, môi giới mại dâm là hành vi vi phạm pháp luật, bởi vậy, ngoài chế tài hành chính và hình sự có thể áp dụng đối với từng hành vi vi phạm, thì sinh viên vi phạm pháp luật về hoạt động mại dâm cũng bị xem xét xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý là nhiều năm qua, quy định kỷ luật sinh viên bán dâm chia thành các mức độ khác nhau. Cụ thể, mục 16 Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư 10 của Bộ GD&ĐT quy định, hành vi 'Chứa chấp, môi giới mại dâm' của sinh viên 'lần 1' sẽ bị buộc thôi học và 'Giao cho cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật'. Tuy nhiên, mục 17 quy định sinh viên có hành vi 'Hoạt động mại dâm' thì sẽ bị xử lý kỷ luật theo từng lần là: Lần 1 khiển trách; Lần 2 cảnh cáo; Lần 3 đình chỉ học có thời hạn; Lần 4 buộc thôi học.
Như vậy, sinh viên bán dâm mà không bị phát hiện hoặc chỉ bị phát hiện đến lần thứ 3 không bị buộc thôi học.
Điểm đáng chú ý, thông tư này chia tách hành vi 'chứa mại dâm, môi giới mại dâm' và hành vi 'hoạt động mại dâm' thành hai hình thức vi phạm khác nhau. Trong khi đó, Pháp lệnh phòng chống mại dâm quy định hoạt động mại dâm bao gồm nhiều hành vi khác nhau như mua, bán dâm, chứa mại dâm, môi giới mại dâm, bảo kê mại dâm, cưỡng bức bán dâm... Bộ luật Hình sự hiện nay quy định hành vi môi giới mại dâm và chứa mại dâm sẽ bị xử lý hình sự. Các hành vi hoạt động mại dâm khác thì tùy tính chất, mức độ, có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Do đó, về mặt ngữ nghĩa, khái niệm, thông tư này quy định 'hoạt động mại dâm' như vậy là chưa rõ ràng. Trong 'hoạt động mại dâm' này có thể hiểu bao gồm cả hành vi mua và bán dâm. Theo đó, quy định thừa nhận sinh viên bán dâm đến lần thứ 3 (bị phát hiện) vẫn chưa bị đuổi học. Quy định như vậy chưa thể hiện tính răn đe và dẫn đến nhiều người có thể hiểu sai rằng cho phép sinh viên bán dâm đến lần thứ 3 mà không bị buộc thôi học.
Trường Đại học Hoa Sen nói 'theo quy định của Bộ' Đầu tháng 11/2023, Trường ĐH Hoa Sen ban hành quy chế người học dành cho sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh và các đối tượng đang theo học các chương trình đào tạo của trường. Theo đó, sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 mới bị buộc thôi học. Lần đầu vi phạm sẽ bị khiển trách, lần thứ 2 cảnh cáo, lần 3 bị đình chỉ có thời hạn. Nếu sinh viên hoạt động chứa chấp, môi giới mại dâm bị xử lý nặng hơn là buộc thôi học ngay lần đầu tiên phát hiện vi phạm. Đại diện Trường ĐH Hoa Sen thông tin, Quy chế người học của trường được ban hành dựa trên Thông tư số 10/2016/TT-BGDĐT của Bộ trưởng GD&ĐT ban hành năm 2016. 'Nhà trường hoàn toàn không tự ý ‘xé rào’ để nới lỏng, dung túng cho những hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức của sinh viên', đại diện nhà trường nói.
Quy định sinh viên bán dâm đến lần thứ 4 mới buộc thôi học bị cho là không những không siết chặt, mà nới lỏng hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên hoạt động mại dâm?
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Rõ ràng quy định trên tại Thông tư 10 năm 2016 của Bộ GD&ĐT không phù hợp bối cảnh xã hội hiện nay, khi khi cơ quan chức năng phát hiện ngày càng nhiều người bán dâm là sinh viên. Đặc biệt, các đường dây hotgirl, chân dài dài bán dâm theo tour, hình thức kiểu 'sugar baby' có khá nhiều sinh viên tham gia, gây bức xúc trong dư luận.
Thực tế từ năm 2016, quy định mới của Bộ GD&ĐT được áp dụng cho đến nay không những không siết chặt, mà nới lỏng hình thức xử lý kỷ luật đối với sinh viên hoạt động mại dâm. Có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động mại dâm đối với sinh viên diễn biến phức tạp hơn.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường.
Bộ GD&ĐT cần thu hồi quy định không phù hợp
Quy định này từng gây nhiều tranh cãi, Bộ GD&ĐT có nên thu hồi?
PGS.TS Trần Xuân Nhĩ: Bộ GD&ĐT nên rút quy định trên tại thông tư 10, không nên để quy định không phù hợp tồn tại và vẫn được các trường đại học trên cả nước áp dụng, khi ban hành quy chế người học như vậy.
Đối với ngành giáo dục và môi trường giáo dục đòi hỏi sinh viên phải nghiêm túc, chuẩn mực. Do đó, cần có quy định nghiêm khắc, xử lý kỷ luật với những người vi phạm ngay lần đầu, chứ không phải đến lần thứ 4.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường: Để duy trì kỷ luật học đường, giữ gìn uy tín cho hoạt động giáo dục, giáo dục đạo đức lối sống, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật cho sinh viên, tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT cần phải sửa đổi quy định này của Thông tư 10 năm 2016. Đồng thời, cần phải có nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để có những quy định phù hợp, đảm bảo duy trì kỷ luật học đường, tránh sinh viên sa ngã vào các hoạt động mại dâm, giữ gìn uy tín của các cơ sở giáo dục, xây dựng thế hệ trẻ văn minh, lành mạnh, có đạo đức tốt và ý thức tuân thủ pháp luật.
Xin cảm ơn các chuyên gia về cuộc trao đổi trên!
Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội về công tác phòng, chống mại dâm 6 tháng đầu năm 2023 cho thấy, tình hình tệ nạn mại dâm diễn biến phức tạp về quy mô, tính chất, phương thức hoạt động. Trong đó, mại dâm trá hình 'núp bóng' trong các khu du lịch, nghỉ dưỡng, resort, biến tướng theo 'hợp đồng', đường dây 'gái gọi' tinh vi, kín đáo, hoạt động liên tỉnh, có yếu tố nước ngoài; thậm chí còn núp bóng danh nghĩa thuê người yêu, tour du lịch để tổ chức hoạt động hoạt động mua bán dâm có sự tham gia của học sinh, sinh viên...
>>> Mời độc giả xem thêm video Bắt nhóm môi giới mại dâm cho khách nước ngoài
Nguồn: THĐT