Brian Lowry là phóng viên, nhà báo và nhà phê bình lâu năm ở Mỹ. Trước khi làm việc cho CNN, ông từng có bảy năm viết cho tạp chí Variety và là phóng viên kỳ cựu của tờ Los Angeles Times danh tiếng. Bên cạnh đó, Lowry còn là cây bút phê bình tích cực cho nhiều đơn vị truyền thông như NPR, FOX Sports... Đặc biệt là trên các chuyên trang phim ảnh, Brian Lowry cũng được xếp vào top những nhà phê bình hàng đầu. Dưới đây, báo điện tử Trí Thức Trẻ xin gửi tới quý độc giả bản dịch review được đăng tải trên trang CNN của Brian Lowry cho bộ phim Kong: Skull Island. |
Sau hai phiên bản theo kiểu 'làm ra cho có' vào năm 1976 và 2005, quái vật King Kong đã trở lại với một kiểu cách sáng tạo hơn trong Kong: Skull Island.
Tuy nhiên lần này tác phẩm lại mang đến cho khán giả một cốt truyện lỏng lẻo cùng với hình ảnh thiếu đột phá, dẫn đến việc 'Đảo Đầu Lâu' có vẻ giống 'Đảo... Đầu Đất'.
Những thay đổi trong kịch bản thực sự đã thu hút người xem đến rạp hơn. Phần King Kong đến nền văn minh ở câu chuyện gốc đã bị loại bỏ, thay vào đó là hầu hết những pha hành động sẽ diễn ra trên hòn đảo bí mật ở Nam Thái Bình Dương, nơi Kong vùng lên giữa một bầy quái vật khủng khiếp khác.
Thế mà kết quả chẳng khác nào một sự pha trộn hỗn tạp giữa thể loại phim về quái vật và chiến tranh.
Bối cảnh được đặt vào năm 1973, vào những ngày chiến tranh Việt Nam sắp kết thúc, thêm vào đó là một chút âm hưởng từ Apocalypse Now, khiến cho bộ phim gần giống như một tác phẩm nhạc kịch. Và mặc dù hội tụ một dàn diễn viên sáng giá nhưng cuối cùng họ lại trở nên vụng về, mắc kẹt trong những đoạn hội thoại rời rạc
Tom Hiddleston và Brie Larson là 'sao chính' trong bộ phim, có vẻ vậy. Anh chàng vào vai một người thích phiêu lưu được giao dẫn đầu đoàn thám hiểm còn cô nàng là một nữ nhiếp ảnh thời chiến, gạt sang một bên mô-típ anh hùng cứu mỹ nhân vốn rất quen thuộc trên phim ảnh.
Thế nhưng nhân vật của John Goodman mới là người dẫn dắt chiến dịch đi săn quái vật khổng lồ cho Monarch, một tổ chức săn quái vật bí mật quả quyết rằng hòn đảo biệt lập này đang chứa đựng một cái gì đó thực sự to lớn. Nhân vật của ông được hộ tống bởi một quân đội do Preston Packard (Samuel L. Jackson) chỉ huy, mục đích của chuyến đi lúc đầu khá mờ ám.
Vừa tới nơi, đoàn thám hiểm đã mau chóng chạm mặt Kong, con quái vật có kích thước vô cùng to lớn mà chẳng giống khỉ như những tiền bối của nó trước kia, di chuyển một cách nặng nề cứng nhắc như thể loài Chân To trong truyền thuyết.
Kong đập những chiếc trực thăng như đập ruồi, và màn phủ đầu kinh hoàng này của Kong đã khiến cả đoàn bị li tán, bị rượt đuổi trên những con đường đầy quái vật để rồi cuối cùng vẫn tụ chung về một điểm nhất định để được giải cứu.
Với Jordan Vogt-Roberts thì đây là bộ phim được đầu tư hiệu ứng hình ảnh đầu tiên mà anh được làm đạo diễn, với hàng loạt những cảnh hành động dùng hiệu ứng của cả Kong lẫn các quái vật khác. Tuy nhiên hòn đảo vốn nguyên sơ lại có phần mang âm hưởng từ tác phẩm giả tưởng Pacific Rim, điều này khiến cho tạo hình những kẻ địch của Kong trở nên rất dễ nhận ra là sản phẩm của máy tính.
Trên hết, có thể thấy rõ Kong: Skull Island là một bước tiến nhằm 'nhận thầu' của Warner Bros, làm tiền đề cho một thương hiệu phim mới chinh phục thị trường toàn cầu, trong đó phải kể đến dự án phim Kong vs Godzilla dự kiến sẽ được ra mắt vào năm 2020, một trận tái chiến sau màn thư hùng của hai quái thú trong những năm 1960.
Kong: Skull Island rõ ràng hơn hẳn so với phiên bản quái thú do người thật mặc phục trang của Nhật Bản, và những cảnh hành động đầy rẫy trong phim cũng tạo ra một vài khoảnh khắc cảm xúc dâng trào nhất định.
Nhưng nhìn chung, có cảm giác như bộ phim chỉ là màn dạo đầu cho một di sản lớn. Và trong khi kích cỡ con quái vật thì khổng lồ, song các tiêu chuẩn chất lượng lại không thực sự tỉ lệ thuận với nó.