Lấy danh nghĩa người nhà (2020) là bộ phim Trung Quốc cảm động về tình cảm gia đình, bộ phim chiếm trọn trái tim của khán giả vào thời điểm phát sóng. Nội dung phim xoay quanh cuộc sống của ba anh em Lăng Tiêu (Tống Uy Long), Lý Tiêm Tiêm (Đàm Tùng Vận) và Hạ Tử Thu (Trương Tân Thành), không cùng cha cũng chẳng cùng mẹ nhưng thương nhau hơn cả máu mủ ruột rà. Ba anh em lớn lên bên nhau, từng ăn chung, ngủ chung và có hai ông bố chung là Lý Hải Triều (Đồ Tùng Nham) – bố ruột Tiêm Tiêm và Lăng Hòa Bình (Trương Hi Lâm) – bố ruột của Lăng Tiêu. Bộ phim khơi gợi nhiều suy ngẫm về cách cha mẹ nuôi dạy con cái của mình.
Gia đình năm thành viên trong Lấy danh nghĩa người nhà.
Những người bố gà trống nuôi con
Cả ba anh em Lăng Tiêu, Tiêm Tiêm và Tử Thu đều thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ trong quá trình trưởng thành. Trong khi Tiêm Tiêm mất mẹ từ nhỏ thì Lăng Tiêu và Hạ Tử Thu lại bị mẹ bỏ rơi. Trong đó, Tử Thu thiệt thòi nhất khi từng bị cả cha mẹ ruột bỏ mặc và được bố Lý nhận nuôi.
Dòng đời xô đẩy, hai ông bố gà trống nuôi con đã ghép lại thành một đại gia đình năm thành viên. Hai ông bố cùng nhau nuôi dạy ba đứa con, cùng ăn cơm chung mâm như những người thân trong gia đình. Ông Lý là hình ảnh một người cha quốc dân không chê vào đâu được. Vợ mất sớm, ông đã hết lòng yêu thương và nuôi dạy cô con gái nhỏ. Ông đã tính toán đến chuyện đi bước nữa với bà Hạ Mai (Uyển Nhiễm) – mẹ ruột của Tử Thu nhưng bà này lại ôm tiền của ông Lý rồi cao chạy xa bay. Trong một lần về quê của vợ hụt để thăm Tử Thu, mủi lòng trước cảnh vất vả của đứa trẻ đang tuổi ăn tuổi lớn, ông Lý đã nhận cậu bé làm con của mình.
Hai ông bố gà trống nuôi con.
Họ hàng bên ngoại của Tử Thu nghèo đến mức không thể gửi một đồng nào để trợ cấp tiền nuôi cậu. Thế nên mỗi lần lên thăm cháu, dù của Tử Thu lại nhắc nhở cậu bé biết thân biết phận và phải biết ơn cha nuôi. Điều này khiến Lý Hải Triều xót xa và nổi giận vì từ lâu ông đã coi cậu như con ruột của mình.
Trong khi ông Lý là một người cha gần như hoàn hảo thì ông Lăng lại vì tham công tiếc việc mà ít dành thời gian cho gia đình. Sau cái chết của đứa con gái, tình cảm gia đình ông Lăng ngày càng nguội lạnh, vợ bỏ đi, cậu con trai trở nên lầm lì, ít nói và cũng hầu như không bao giờ tâm sự gì với cha mình. Dẫu thế, ông Lý vẫn là một người cha thương con và có trách nhiệm với gia đình.
Người cha quốc dân không chê vào đâu được.
Những người mẹ gây 'tiền đình'
Trong khi tuổi thơ thiếu vắng sự chăm sóc của mẹ thì đến tuổi trưởng thành, Lăng Tiêu lại phải 'gánh còng lưng' người mẹ từng bỏ rơi mình. Trần Đình (Dương Đồng Thư) – mẹ của Lăng Tiêu có lẽ là bà mẹ gây 'tiền đình' nhất màn ảnh. Bà đã bỏ nhà ra đi, bỏ cả Lăng Tiêu còn nhỏ dại. Nhưng dù thế nào, Lăng Tiêu cũng phải cảm thông cho mẹ thôi vì lúc đó bà đang bị trầm cảm, chính bà còn chẳng làm chủ được bản thân mình, nói gì đến chăm sóc chồng con. Trần Đình bỏ đi cũng là một cách để giải thoát cho bản thân và cho chính gia đình mình.
Người mẹ từng bỏ con đi biệt xứ.
Điều đáng nói là trong suốt nhiều năm sau đó, bà không hề hỏi thăm Lăng Tiêu hay thực hiện trách nhiệm nuôi con. Bà đã sang Singapore, lấy một người chồng giàu có và sinh thêm một đứa con gái. Khi Lăng Tiêu đang học cấp ba, bà bất ngờ trở về và muốn nối lại tình cảm mẹ con với Lăng Tiêu, muốn cậu nhận em gái. Chính bà đã chia rẽ gia đình ông Lý và ông Lăng, khiến mọi người đều khó xử. Khi Trần Đình gặp tai nạn, người chồng chết và bản thân bà bị tàn phế, Lăng Tiêu đã phải thực hiện nghĩa vụ chăm sóc mẹ. Đây là quãng thời gian dài đằng đẵng và áp lực nhất cuộc đời Lăng Tiêu, khi cậu vừa phải chăm sóc người thân ốm, vừa phải chịu đựng sự thất thường của mẹ, hở ra là bà đòi tự tử. Lăng Tiêu ám ảnh đến độ chính bản thân cậu cũng mắc bệnh tâm lý.
Sau này để con phải gánh còng lưng.
Bà mẹ gây tiền đình của năm.
Mẹ của Hạ Tử Thu cũng rất đáng trách vì bỏ mặc con cái, nhưng bà cũng có nỗi khổ riêng. Năm xưa bà ôm tiền của Lý Hải Triều đi biệt tích, vì lúc đó bà không có tình cảm gì với người đàn ông này. Bà định bụng sẽ đi Thượng Hải kiếm việc làm, sau này khi công việc ổn định sẽ quay về đón Hạ Tử Thu đi. Nhưng không ngờ cuộc sống khó khăn, người mẹ ấy cũng vướng vào vòng lao lý nên đành bất lực để lại Tử Thu cho ông Lý chăm sóc.
Mẹ của Tử Thu cũng từng bỏ mặc con.
Người cha ích kỷ coi con cái như công cụ
Tử Thu có lẽ là cậu bé đáng thương nhất khi bị mẹ bỏ rơi còn cha ruột là người đàn ông tiểu nhân xảo trá. Triệu Hoa Quang (Lưu Kim Long) từng bỏ rơi mẹ con Tử Thu khi cậu còn nhỏ, sau này vì không có con, ông đã quay về tìm Tử Thu và giành giật quyền nuôi con với ông Lý. Hoa Quang đã làm nhiều trò tiểu nhân bỉ ổi, làm hại gia đình ông Lý khiến Tử Thu buộc phải theo cha ruột, phần vì cậu muốn bảo vệ ông Lý và Tiêm Tiêm, phần vì cậu không muốn bố Lý phải vất vả vì mình thêm nữa.
Ông bố tiểu nhân gian xảo của Tử Thu.
Sau này khi Triệu Hoa Quang sinh thêm được đứa con khác thì Tử Thu bị cho ra rìa. Không lâu sau khi sang Anh theo cha ruột, Tử Thu đã dọn ra ở riêng, tự kiếm tiền sống, tiền học và quyết không nhận một đồng từ cha. Triệu Hoa Quang là hình mẫu điển hình của một người cha ích kỷ, bảo thủ, trọng truyền thống có con trai nối dõi, chỉ coi con như công cụ để nương tựa lúc về già và hương khói về sau. Ông vừa thiếu trách nhiệm, vừa thiếu tình cảm với chính con ruột của mình.
Những cha mẹ gây áp lực cho con vì sự kỳ vọng của mình
Trong số những nhân vật trong phim, cuộc sống của hai cô bạn thân với Tiêm Tiêm là Tề Minh Nguyệt (Tôn Y) và Đường Xán (Hà Thụy Hiền) cũng được khai thác chi tiết. Trong đó cả hai cô gái này đều có điểm chung là chịu áp lực rất lớn từ kỳ vọng của cha mẹ mình. Tề Minh Nguyệt từng là lớp trưởng và học rất giỏi. Mẹ cô rất nghiêm khắc, thường bắt cô học hành nhồi nhét, đạt điểm cao và cấm cô giao du với những người bạn không hợp mắt bà. Minh Nguyệt ngoài mặt tỏ ra ngoan ngoãn, vâng lời nhưng cô lại ngấm ngầm nổi loạn bằng việc trốn học đi chơi. Thậm chí, cô gái này còn có một hành động táo bạo là bỏ dở bài thi, không làm hết để không đủ điểm vào trường Luật như nguyện vọng của mẹ. Vì điều này mà mối quan hệ giữa Minh Nguyệt và mẹ thường xuyên căng thẳng.
Minh Nguyệt chịu sự kìm kẹp của mẹ.
Trong khi đó, Đường Xán từ nhỏ đã nổi tiếng với vai trò diễn viên nhí. Cha mẹ cô coi con như cỗ máy kiếm tiền, không hề quan tâm đến việc học hành của con, cũng không cần biết ước mơ của con là gì. Là học sinh nhưng Đường Xán thường ăn diện, trang điểm phấn son khác với những cô bạn ngây thơ khác. Sau này vì quá kiệt quệ khi làm việc trong giới giải trí, Đường Xán đã bỏ ngang và về sống cùng Tiêm Tiêm. Đường Xán vẫn có đam mê cháy bỏng với nghiệp diễn, nhưng cô muốn trở thành một diễn viên thực sự chứ không phải nổi tiếng bằng mọi giá như kỳ vọng của mẹ.
Đường Xán với áp lực phải thành người nổi tiếng.
Một số điều cần ngẫm nghĩ
Lấy danh nghĩa người nhà đã khắc họa hình tượng của nhiều cha mẹ khác nhau. Họ đều ít nhiều thương con nhưng không phải ai cũng làm tròn trách nhiệm của mình và thương con đúng cách. Tuy vậy, hình ảnh hai ông bố nuôi 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn với những thay đổi tâm, sinh lý đầy lo lắng, bối rối và cả những vụng về cũng cho chúng ta thấy, cả hai đã nỗ lực thế nào để cho 3 đứa trẻ có được cuộc sống hạnh phúc.
Đây có lẽ cũng là bộ phim đáng suy ngẫm cho những người làm cha mẹ vì cách họ đối xử với con cái sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc đời của một con người.