Đường đời là bộ phim kể về nam thanh niên Cao Gia Lâm (Trần Hiểu) sống tại vùng Thiểm Bắc, Trung Quốc vào những năm 80 thế kỷ trước. Anh học rộng biết nhiều, quyết tâm thi đại học để thoát khỏi vùng quê nghèo.
Không may, số phận chưa mỉm cười với anh. Không chùn bước, chàng thanh niên quyết tâm trở thành giáo viên để truyền đạt kiến thức, giúp những đứa trẻ vùng quê nghèo thay đổi vận mệnh. Tuy nhiên, anh vẫn không được như sở nguyện khi vị trí giáo viên được trao cho người khác. Lúc cuộc sống rơi vào vực sâu, Gia Lâm gặp Lưu Xảo Trân (Lý Thấm), cô chính là người đã động viên anh tiếp tục viết. Nhờ tài năng của mình, Gia Lâm giành được cơ hội đến huyện thành làm phóng viên.
Bộ phim Đường đời kể về thanh niên Cao Gia Lâm dùng tri thức thay đổi số phận.
Từ khi phát sóng vào ngày 20/3 trên CCTV, Đường đời đạt thành tích vô cùng khả quan khi rating luôn ở mức trên 1, thậm chí nhiều lần suýt đột phá mức 2. Đây là điều đáng mừng cho dàn diễn viên nói riêng cũng như cả đoàn phim nói chung.
Tuy vậy, nhiều tình tiết, cách quay và nhất là tạo hình của các diễn viên trong vai con người sống ở vùng nông thôn nhận nhiều phản ứng trái chiều từ khán giả. Trong đó, với vai trò là bóng hồng chính trong phim, cô hoa khôi thôn Lưu Xảo Trân do Lý Thấm thủ vai được đưa ra thảo luận bàn tán nhiều hơn cả.
Trần Hiểu trong vai Cao Gia Lâm
Lý Thấm trong vai Lưu Xảo Trân
Trong nguyên tác Cuộc đời của Lộ Dao, Lưu Xảo Trân là hoa khôi thôn, được ăn uống đầy đủ hơn nhiều người trong làng, do đó dáng người khá đầy đặn và xinh đẹp. Ngoài ra, cô rất biết ăn mặc, không lòe loẹt nhưng chẳng hề giản dị, dáng dấp cao đẹp như cây dương, đường cong hoàn mỹ. Không những thế, cô có khuôn mặt xinh đẹp, đôi mắt linh động, trông chẳng giống gái thôn chút nào.
Dựa theo tiêu chuẩn này, nhiều khán giả cho rằng Lý Thấm không những quá gầy gò mà còn bị trang điểm đen đúa bẩn thỉu như quên rửa mặt, chỉ có thể nói là chẳng liên quan gì đến miêu tả trong truyện. Một số cư dân mạng gợi ý đoàn phim nên tham khảo tạo hình Chiêu Đệ của Chương Tử Di trong Đường về nhà hay Cửu Nhi của Củng Lợi trong Cao Lương Đỏ để biết hoa khôi thôn thực sự trông thế nào.
Tạo hình 'hoa khôi thôn' vừa kém sắc vừa thiếu thực tế của Lý Thấm trong Đường đời.
Tạo hình gái quê chất phác nhưng không kém phần xinh đẹp của Củng Lợi trong Cao lương đỏ.
Trái ngược với ý kiến trên, một số người hâm mộ cho rằng bối cảnh trong phim là vùng đất nghèo chó ăn đá gà ăn sỏi, vì vậy người ở đây dẫu đẹp nhưng vẫn thiếu ăn thiếu mặc, không thể đẹp mượt mà như thẩm mỹ đại chúng hiện nay. Phản bác lại ý kiến đó, nhiều mọt phim cho rằng lỗi thuộc về tổ tạo hình.
Vấn đề nằm ở chỗ người dân vùng Thiểm Bắc những năm 80 cần một màu da rám nắng khỏe mạnh, nhưng tổ tạo hình lại 'vung tay' tạo nên những khuôn mặt màu vàng xỉn ốm yếu, thậm chí có phần 'bẩn thỉu' như không lau rửa gì. Chính vì khuyết điểm này nên đoàn phim còn nhận về một số nhận xét gay gắt như: 'thiếu hiểu biết về cuộc sống nông thôn', 'làm như khán giả không biết người nông thôn thực sự như thế nào', 'định kiến sai lệch về con người vùng nông thôn'...
Chương Tử Di - nàng Chiêu Đệ xinh xắn, trong trẻo mà vẫn mộc mạc trong Đường về nhà.
Tham khảo nhiều bộ phim từng khắc họa nhân vật 'gái quê', một số khán giả cho biết vai diễn Chiêu Đệ của Chương Tử Di trước kia không cần cố tình làm xấu mình, nhưng từ tóc tai, trang phục đến cách đi lại và lời ăn tiếng nói đều toát lên sự mộc mạc, chất phác, làm người xem cảm thấy 'vùng quê' trong phim tuy xa vời và không sung túc nhưng vẫn có nét đẹp tự nhiên, tràn đầy sức sống.
Tương phản, Đường đời không chỉ cho thấy định kiến sai lệch của đoàn phim về con người vùng quê thông qua tạo hình 'xấu xấu bẩn bẩn', gầy gò thiếu sức sống, mà diễn xuất đôi phần gượng gạo, hiện đại của các diễn viên cũng mang lại cảm giác khó nhập tâm cho nhiều 'thượng đế' khi đến với bộ phim.
Làn da tái xám, hàm răng trắng 'bất ổn' cùng diễn xuất gượng gạo của Lý Thấm làm khán giả chán nản.
Ngoài vấn đề xoay quanh diễn viên như tạo hình và diễn xuất, Đường đời còn bị chê trách về việc đạo diễn sử dụng slow-motion bừa bãi, thiếu hợp lý, khiến một bộ phim đáng ra nên mang màu sắc nhiệt huyết và không khí sôi sục cổ vũ con người ta phấn đấu đi lên trở thành một tác phẩm khoa trương và hô hào sống sượng.
Hiện nay, chất lượng phim đang vấp phải khá nhiều tranh cãi. Từ đây cũng dễ dàng thấy được, lượng người xem chưa phải là tất cả đối với một bộ phim. Khán giả vẫn cần theo dõi những tập tiếp theo trước khi đánh giá quá sớm thông qua rating hay độ thảo luận mà tác phẩm mang lại.