Tiếp tục gây sốt!
Trước ngày lễ trao giải chính thức diễn ra, Squid Game đã giành chiến thắng tại 4 hạng mục phụ, bao gồm Nữ diễn viên khách mời xuất sắc nhất, Hiệu ứng hình ảnh xuất sắc nhất, Hiệu ứng đóng thế xuất sắc nhất và Thiết kế sản xuất xuất sắc nhất. Tưởng chừng như thế là đã quá đủ đối với một bộ phim chiếu mạng thì đến ngày 13/9, đại diện đến từ Hàn Quốc lại 'gây sốt' khi làm nên lịch sử với hai tượng vàng Emmy dành cho Nam chính xuất sắc nhất và Đạo diễn xuất sắc nhất.
Squid Game chiến thắng tại Emmy.
Với kết quả này, Lee Jung Jae đã trở thành nam diễn viên châu Á đầu tiên giành tượng vàng Emmy, trong khi đó Squid Game cũng trở thành bộ phim không nói tiếng Anh đầu tiên trong lịch sử mang về tượng vàng cho đạo diễn. Chiến thắng của Squid Game tại Lễ trao giải lần thứ 74 khiến điện ảnh Hàn Quốc vang danh trên toàn thế giới, nhưng đồng thời nó cũng đặt ra dấu hỏi về sự uy tín của Lễ trao giải Emmy.
Squid Game - Bộ phim nâng tầm vị thế điện ảnh Hàn
Trước Squid Game, Hàn Quốc dù 'xưng vương xưng bá' tại châu Á vẫn chỉ là một cái tên 'vô danh' trên thị trường thế giới và số người biết đến gói gọn trong cộng đồng người hâm mộ thiểu số. Parasite, bộ phim từng đoạt giải Oscar, phần nào giúp điện ảnh Hàn trở nên phổ biến hơn nhưng chừng đó là chưa đủ để tạo nên một hiệu ứng bùng nổ. Mãi cho đến khi Squid Game ra đời, Hàn Quốc mới được khán giả toàn cầu để mắt tới và từng bước vươn lên thành 'thế lực mới nổi' nhăm nhe 'đe dọa' những nền điện ảnh 'già rơ'.
Được đạo diễn Hwang Dong Hyuk ấp ủ trong gần 10 năm, Squid Game xoay quanh câu chuyện của 456 người chơi bất chấp mạng sống để tranh giành số tiền thưởng trị giá 45.6 tỷ won. Bộ phim đã nhận được sự hoan nghênh của giới phê bình và sự chú ý của khán giả quốc tế. Chỉ sau 28 ngày phát hành, Squid Game đã phá kỷ lục của Bridgerton để trở thành bộ phim được xem nhiều nhất trên nền tảng Netflix. Đến thời điểm hiện tại, chưa có bộ phim nào có thể vượt qua kỷ lục của Squid Game.
Ở thời điểm ra mắt, Squid Game thực sự là một 'cú nổ lớn' trên toàn thế giới. Không chỉ công chúng mà những người nổi tiếng cũng không thể nào thoát khỏi sức cuốn hút của bộ phim. Không ngoa khi nói thành công của Squid Game đã tạo đà cho những bộ phim truyền hình Hàn Quốc sau đó như Hellbound, All Of Us Are Dead hay Pachinko... thu hút sự quan tâm của khán giả trên toàn thế giới.
Dàn diễn viên của bộ phim như Jung Ho Yeon, Lee Jung Jae, Oh Young Soo, Park Hae Soo, Lee Yoo Mi, Wi Ha Joon... cũng nhận được sự chú ý trên toàn cầu và được nhiều công ty sản xuất tìm tới với những dự án phim tầm cỡ.
Thành công của Hàn Quốc hay sự thụt lùi của Emmy?
Chiến thắng của Squid Game tại Emmy mang về niềm tự hào cho Hàn Quốc, nhưng đồng thời người ta cũng đặt ra dấu hỏi về sự uy tín của Lễ trao giải này. Có nhiều ý kiến cho rằng, Squid Game chỉ đơn thuần là một bộ phim giải trí với nội dung có phần đơn giản, sáo rỗng, chưa đủ tầm để nhận giải. Đó là còn chưa kể đến việc kịch bản phim từng nhiều lần bị chỉ trích là 'học hỏi' quá đà từ dòng phim sống còn của Nhật. Từ diễn xuất đến nội dung, Squid Game chẳng có gì nổi bật hơn những đại diện đến từ Hollywood. Thứ duy nhất mà bộ phim hơn được các 'đối thủ' của mình là thành công 'cực khủng' về mặt thương mại.
Nhưng liệu mọi người có đang quá khắt khe với đại diện đến từ Hàn Quốc? Squid Game là một bộ phim sinh ra với mục đích giải trí, và nó đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Nội dung phim có thể không mang nhiều giá trị, nhưng ít nhất, nó đủ hấp dẫn để cuốn hút khán giả dõi theo từng tập phát sóng. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần truyền tải văn hóa Hàn Quốc lan rộng ra khắp thế giới. Điều quan trọng nhất là việc bộ phim đã tạo ra một 'cơn sốt' trên toàn cầu, điều mà những 'đối thủ' của nó không làm được. Chừng đó là đủ để phim xứng đáng nhận thành tích tốt tại Lễ trao giải Emmy.
Rõ ràng, khó bộ phim nào hiện nay mang tầm ảnh hưởng như Squid Game.
Đến thời điểm hiện tại, những chỉ trích liên quan đến giải thưởng của Squid Game chủ yếu tập trung vào việc nó chỉ là một bộ phim giải trí và thiếu đi chất 'nghệ thuật' bên trong. Nhưng suy cho cùng, mục đích chính của khán giả khi tìm đến phim ảnh cũng là để thư giãn và trong trường hợp này, một bộ phim 'hàn lâm' nhồi nhét quá nhiều dụng ý nghệ thuật chỉ tổ khiến họ đau đầu?
Quay ngược trở lại năm 2019, bom tấn siêu anh hùng Black Panther từng nhận về vô vàn lời chê bai 'mua giải' khi có cú ăn ba lịch sử tại lễ trao giải Oscar. Dù không nhận về tượng vàng cho những giải quan trọng, chiến thắng của Black Panther đã mở ra cánh cửa cho dòng phim siêu anh hùng đến với lễ trao giải danh giá. Cũng như Squid Game, người ta chỉ trích bom tấn Marvel chỉ là phim giải trí, đâu xứng được giải Oscar.
Nhưng rõ ràng, trong số những đề cử ở cùng hạng mục, đâu có bộ phim nào tạo ra được ảnh hưởng sâu rộng, khơi dậy niềm tự hào của một nền văn hóa như châu Phi ra toàn thế giới như Black Panther. Trường hợp của Squid Game cũng vậy, nó có thể chưa phải là một bộ phim hoàn hảo, nhưng chắc chắn là bộ phim tác động sâu rộng đến văn hóa đại chúng, mà thời đại này làm được như vậy là rất hiếm, nhất là với 1 phim châu Á.
Câu chuyện của Black Panther cũng tương tự.
Một số người có thể cảm thấy Emmy 'mất chất' khi trao tượng vàng cho Squid Game, nhưng lễ trao giải chỉ đang tự làm mới mình theo dòng chảy của thị trường. Có lẽ với Emmy bây giờ, giá trị nghệ thuật không còn là yếu tố cốt lõi trong việc trao giải, mà khả năng tạo hiệu ứng bùng nổ cũng nên được xét đến.
Thật ra, người ta khá tiếc cho Better Call Saul - một phần ngoại truyện của loạt phim danh tiếng Breaking Bad. Từ năm 2015, ước tính Better Call Saul nhận về 46 đề cử giải Emmy, tính cả năm 2022 nhưng không có bất cứ lần nào series này mang về một giải Emmy, dù chỉ là một hạng mục.
Series này được nhiều nhà phê bình ca ngợi với một loạt những từ ngữ mỹ miều nhất, như là kiệt tác cho những người thích những câu chuyện có chiều sâu, và muốn thưởng thức vẻ đẹp tinh tế của điện ảnh. Dĩ nhiên, rất nhiều người đã nghĩ Better Call Saul hoàn toàn có thể vượt qua được Squid Game tại Emmy 2022. Kể cả vậy như đã nói trên, nếu một giải thưởng về phim chỉ dừng lại ở việc tôn vinh những tác phẩm hàn lâm mà quên đi những yếu tố khác, ví dụ như sức ảnh hưởng tới văn hóa đại chúng, có lẽ điện ảnh sẽ chỉ là một điều gì đó cao sang và quá khó để tiếp cận với mọi người.
Tại lễ trao giải Oscar 2021, ban tổ chức cũng đưa thêm 2 hạng mục mới là Phim do khán giả bình chọn và Khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong phim. Justice League của Zack Snyder đã giành được giải cả hai giải thưởng này, mặc dù nó cũng nhận về không ít lời chê bai của giới phê bình. Động thái này phần nào cho thấy ngoài mục đích muốn câu kéo rating, ban tổ chức Oscar cũng muốn điện ảnh tới gần hơn với tất cả mọi người.
Tuy nhiên, chúng ta cũng nên tính đến nhiều khía cạnh khác nữa, giả dụ như không ngoại trừ trường hợp nhiều lễ trao giải luôn có những mặt tối đằng sau mà chẳng thể nào ai biết. Việc sắp xếp hay dàn dựng kết quả để tăng độ kịch tính vẫn là chiêu trò không lạ gì. Nhưng dù thế nào, chiến thắng của Squid Game xét theo phương diện nêu trên vẫn là rất xứng đáng!