Money Heist có xuất xứ từ Tây Ban Nha, ban đầu vốn là 1 bộ phim không được đầu tư nhưng sau đó đã nhanh chóng trở thành hiện tượng toàn cầu, nằm trong danh sách những series có lượt xem cao nhất của Netflix. Đến năm 2021, Netflix xác nhận sản xuất bản remake của Money Heist với ekip từ Hàn Quốc, quy tụ hơn 10 ngôi sao đình đám thuộc nhiều thế hệ của điện ảnh và truyền hình Hàn.
Phim lấy bối cảnh giả tưởng, khi Triều Tiên và Hàn Quốc được thống nhất, cô gái Tokyo (Jeon Jong Seo) vật lộn với thực tế đầy cay đắng của chủ nghĩa tư bản đã được Giáo sư (Yoo Ji Tae) tiếp cận để mời tham gia kế hoạch đánh cắp 4.000 tỷ won từ Xưởng đúc tiền Hàn Quốc Thống nhất. Không chỉ Tokyo, Giáo sư còn tập hợp thêm nhiều thành viên khác cho băng nhóm, bất kể họ là công tử chán đời hay gã nguy hiểm đi tù nhiều lần, để hiện thực hóa kế hoạch 'cướp tiền'.
Một phần phim chỉ có 'copy' và 'paste' bản gốc?
Có nhiều chỉ trích cho rằng Money Heist bản Hàn như một bản 'copy và paste' với kinh phí thấp hơn của bản gốc đến từ Tây Ban Nha. Vậy, đầu tiên, hãy cùng nhau xem lại nội dung của bản gốc.
Money Heist có đề tài trộm cướp, xoay quanh vụ cướp ở Xưởng in tiền Hoàng gia Tây Ban Nha và ở Ngân hàng Tây Ban Nha. Chủ mưu của vụ cướp là một người bí ẩn có biệt danh Giáo Sư. Chính ông ta đã vạch lên toàn bộ kế hoạch, tìm kiếm từng thành viên cho băng cướp và đứng chỉ đạo mọi người từ bên ngoài hiện trường.
Về cơ bản cốt truyện, Money Heist bản Hàn 'góp nhặt' tất cả mọi điều có thể ở bản gốc và đó là lý do vì sao phần đông người xem đều cho rằng đây là một bản phim 'copy paste' không hơn không kém.
Kể cả khi đây là một bộ phim remake thì người xem vẫn chờ đợi nhiều hơn ở sự thay đổi so với bản gốc. Thực tế là vẫn có những tình tiết được thay đổi, như cách phát triển loveline của các cặp đôi Giáo sư - Thanh tra hay Tokyo (Jeon Jong Seo) và Rio (Lee Hyun Woo) cũng như 'chuyện xưa' của các nhân vật. Tuy nhiên, những thay đổi này không quá lớn để tạo nên điểm khác biệt đặc sắc cho Money Heist bản Hàn.
Hiển nhiên, khi một bộ phim không thể thay đổi đủ để bước ra cái bóng của bản gốc thì việc khán giả vừa xem, vừa tự động so sánh, liên hệ với bản gốc là điều không tránh được, mà chẳng có bộ phim remake nào có thể so sánh với bản gốc nếu xét trên những tình tiết giống hệt nhau ở bản gốc được.
Bên cạnh đó không thể không nhắc đến mạch phim có phần lan man và dài dòng của phim. Ở các tập đầu, Money Heist bản Hàn sa đà vào việc khắc họa bối cảnh lẫn thân thế của các nhân vật nên khiến nhịp phim bị kéo dài, gây buồn ngủ hẳn. Đến khi nhóm cướp 'vào việc chính' thì mạch phim mới bắt đầu lôi cuốn hơn.
Money Heist bản Hàn: Park Hae Soo là điểm sáng duy nhất giữa mớ hỗn độn
Khi mới có thông báo Money Heist sẽ được remake, nhiều người lo ngại diễn viên Hàn sẽ không thể lột tả được cái chất riêng của nhân vật Berlin - nhân vật được yêu thích nhất trong bản gốc, cũng là một trong những nhân tố chính làm nên thành công toàn cầu cho series Money Heist. Tuy nhiên, Park Hae Soo - với tài hoa và năng lực diễn xuất xuất thần của mình - đã thay đổi những quan ngại đó.
Khả năng diễn của Park Hae Soo thì không phải bàn, nhưng bên cạnh đó anh còn biến tấu để Berlin do mình thể hiện có những điểm khác so với trong bản gốc và không khiến người xem cảm thấy phản cảm. Thực tế mà nói thì việc diễn viên thay đổi 'hồn' của nhân vật trong bản remake chưa bao giờ thiếu, nhưng để được sự yêu thích của người xem lần đầu lẫn những người đã xem cả bản gốc lẫn bản remake thì đúng là không nhiều.
Park Hae Soo quá tỏa sáng trong vai Berlin nhưng ở một hướng khác, Yoo Ji Tae khiến khá nhiều người thất vọng khi mang đến hình ảnh một Giáo sư nhạt nhòa, thậm chí lu mờ trong cả chính dàn cast Hàn không thể nào so sánh với Giáo sư bản gốc được. Đặc biệt ở một số phân cảnh, dù chỉ là trao đổi qua điện thoại nhưng người xem có thể cảm nhận được Giáo sư yếu hơn Berlin về khí thế lẫn đầu óc lãnh đạo. Nếu nói sự biến tấu Giáo sư là ý đồ của Yoo Ji Tae thì chỉ có thể an ủi anh bởi ý đồ này đã thất bại.
Jeon Jong Seo với Tokyo cũng chung số phận với Yoo Ji Tae. Tokyo bản gốc là nhân vật hầu hết người xem đều thấy căm ghét (cho đến season 5 mới thay đổi) vì liên tục phá hoại các kế hoạch của cả nhóm. Tokyo ở Money Heist bản Hàn thì ít pha 'phá game' hơn, tuy nhiên cũng chỉ đến thế mà thôi. Và điều đó lại khiến Tokyo trở nên mờ nhạt hơn hẳn. Với một diễn viên luôn được khen ngợi về diễn xuất như Jeon Jong Seo, bản thân vai Tokyo đã đáng để thất vọng chứ chẳng cần so sánh với bản gốc.
Rio (Lee Hyun Woo), Denver (Kim Ji Hoon), Cha Moo Hyuk (Kim Sung Oh), Yoon Mi Seon (Lee Joo Bin) hay Cho Young Min (Park Myung Hoon), Anne Kim (Lee Si Woo) là những nhân vật được ưu ái nhiều thời gian lên hình nhưng hầu hết đều không nổi bật, một số cá biệt còn khiến khán giả mệt mỏi bởi lối diễn 'nghìn cảnh như một', như Park Myung Hoon hay Lee Si Woo. Trong khi đó, Nairobi thể hiện bởi diễn viên Jang Yoon Ju cũng gây thất vọng bởi không ấn tượng được như bản gốc, về cả khí chất, ngoại hình lẫn cách diễn.
Nairobi, Rio, Denver, Olso... đều chỉ ổn, không tệ cũng không xuất sắc.
Park Myung Hoon gây khó chịu với lối diễn thường mở to mắt một cách cường điệu.
Mi Seon để lại ấn tượng là một nhân vật xinh đẹp.
Nếu phải chọn người làm tốt nhất sau Park Hae Soo thì có lẽ đó sẽ là nữ diễn viên Kim Yun Jin thủ vai Thanh tra Yoon Mi Seon. Cô đã làm rất tốt khi khắc họa 1 nhân vật Thanh tra tài giỏi, điềm tĩnh nhưng cũng có những giây phút nữ tính, yếu lòng.
Kim Yun Jin nổi bật giữa dàn diễn viên nữ.
Tương tác giữa các cặp đôi chưa thật sự tốt
Trong 6 tập Money Heist bản Hàn có 3 cặp đôi chính và cách phát triển tình cảm của họ đều có sự thay đổi so với bản gốc. Tuy nhiên không rõ vì sao mà cả 3 cặp đôi đều chẳng có tương tác bốc lửa như bản gốc đã làm được, kể cả khi họ đóng với nhau những cảnh 18+.
Đây đúng là một điểm trừ 'to bự' dành cho Money Heist bản Hàn, bởi trong số các yếu tố được yêu thích ở bản gốc thì loveline là yếu tố quan trọng không kém thiết lập nhân vật hay cốt truyện nhiều 'plot twist'. Vì Money Heist vẫn còn 6 tập nữa nên hy vọng rằng diễn biến tình cảm của các cặp đôi sẽ có thể cải thiện, tăng mức độ hấp dẫn và lôi cuốn cho phim.
Tổng kết: Một bản remake ổn chứ chưa xuất sắc
Việc Money Heist bản Hàn được thực hiện ngay từ khi bản gốc còn chưa kết thúc là một nước đi có phần vội vàng và khó lường của nhà sản xuất. Bản gốc đảm bảo được từ chất lượng kịch bản cho đến dàn diễn viên xuất sắc nên việc remake quá sớm - khi khán giả vẫn chưa thể quên được những ấn tượng bản gốc để lại - đẩy bản Hàn vào tình thế không thể không bị so sánh.
Đối với những khán giả chưa từng xem bản gốc Money Heist, có lẽ Money Heist bản Hàn là một bộ phim vừa đủ ổn, trên mức trung bình khá và có phần mới mẻ. Còn với ai đã xem Money Heist bản gốc, có lẽ phiên bản do Hàn Quốc làm lại sẽ khiến họ thấy thất vọng và nhàm chán nhiều hơn, như một sự lặp lại của phiên bản trước đó, ít sáng tạo và chỗ được sáng tạo thì chưa 'tới'.
Ngoài những yếu tố chính như cốt truyện, diễn xuất, phản ứng hoá học thì các yếu tố phụ như nhạc nền và âm thanh, ánh sáng, set up góc quay, độ logic của kịch bản... của Money Heist bản Hàn cũng không hề tốt, cá biệt là phần âm nhạc 'nghèo nàn' đến đáng thương, trong khi bản gốc đã có 1 bài chủ đề Bella Ciao gần như trở thành huyền thoại.