'The Glory 2': Song Hye Kyo thăng hoa diễn xuất, Lee Do Hyun mờ nhạt trước 'daddy' tài phiệt; liệu có điểm trừ?
Nếu 'The Glory' phần đầu được gọi là 'đầu voi', thì phần tiếp theo xứng đáng là 'đuôi khủng long'. Đây đúng là bộ phim về đề tài trả thù xuất sắc nhất trong nhiều năm trở lại đây của Hàn Quốc.
13/03/2023 14:08
Vui lòng xác nhận bạn đã đủ 18 tuổi để đọc tiếp
Bằng cách nhấp vào xác nhận “Tôi đã đủ 18 tuổi” là bạn đồng ý với các điều khoản của bài viết này.
The Glory 2 (Vinh quang trong thù hận) bắt đầu với những nghi vấn xoay quanh cái chết của Myeong Oh (Kim Gun Woo) và Park Yeon Jin (Lim Ji Yeon) bị nghi là người có liên quan nhiều nhất. Mặt khác, trước khi chính thức đi vào giai đoạn trả thù 'đặc sắc' nhất, Moon Dong Eun (Song Hye Kyo) đã đến gặp kẻ đầu têu bắt nạt cô ngày trước để cho cô ta một cơ hội tự thú và hối cải. Tất nhiên, Yeon Jin chẳng những không lo sợ mà còn thấy nực cười trước điều đó.
Tuy nhiên, Yeon Jin đã bắt đầu điều tra về cuộc sống của kẻ thù, thậm chí còn tạo sức ép khiến Dong Eun mất việc, bị mẹ ruột bán đứng lần nữa.
Những điều này tuy thành cản trở cho Dong Eun, nhưng không khiến cô e ngại hay lùi bước. Trái lại, với sự giúp đỡ của 'đao phủ' Joo Yeo Jeong (Lee Do Hyun), Dong Eun từng bước dồn Yeon Jin vào đường cùng và buộc cô ta phải xuống địa ngục. Những kẻ từng tham gia vào vụ bắt nạt Dong Eun, So Hee cùng nhiều học sinh khác năm xưa cũng lần lượt phải đền tội xứng đáng.
Một bộ phim về trả thù với sự trả thù 'quá đã'
The Glory đã luôn dùng từ 'trả thù' trong những lần giới thiệu, quảng bá về phim và quả thật tác phẩm cần được sự công nhận về cốt truyện với một màn trả thù quá tuyệt vời và thỏa mãn. Ai nói rằng kết có hậu, kẻ ác phải trả giá còn người tốt được an lành thì không gây ấn tượng? The Glory2 đã chứng minh chỉ cần làm đủ tốt thì khán giả sẽ đền đáp lại mà nhớ mãi không quên bộ phim cũng như những tràng vỗ tay vang dội cho màn trình diễn của các nhân vật.
Phần 2 đã mang đến 'báo ứng' đáng sợ cho những nhân vật từ xấu xa 'nhiều nhất' đến xấu xa 'ít nhất'. Không cần vi phạm pháp luật, chỉ cần nhân vật đó từng làm sai, từng làm tổn thương người khác thì họ sẽ phải trả giá bằng đúng những gì họ đã gây ra.
Thú vị nhất chính là từng người đều sẽ phải trả 'quả' tương ứng với 'nghiệp' mà họ đã tạo. Như Hye Jeong luôn mồm nịnh nọt người khác thì không thể nói chuyện được nữa, Jae Jun vì nỗi tự ti mù màu sâu thẳm bên trong nên lúc nào cũng muốn thể hiện mình hơn người khác, cuối cùng thì chết ở đâu cũng không ai biết, không ai quan tâm. Yeon Jin từng khiến cả thế giới quay lưng cô lập với Dong Eun, giờ thì đến con gái cũng bị chồng cũ giành quyền nuôi dưỡng dù điều thiện duy nhất trong tâm cô ta chính là làm một người mẹ yêu thương con.
Ấn tượng nhất là kẻ đã từng quay và tung đoạn băng nhạy cảm của Dong Eun cũng như nhiều học sinh bị bắt nạt khác lên mạng, bây giờ cũng tủi nhục chịu cảnh tương tự. The Glory mang đến 1 thông điệp trả thù thật thô bạo, không hề có chỗ cho sự 'bao dung', 'tha thứ' nhưng càng vì thế càng khiến người xem 'sướng' hơn. Đúng là đôi khi, chúng ta cần phải dùng bạo lực chế ngự bạo lực, để những kẻ khác có thể nhìn gương kẻ đi trước đã trả giá cho hành động của mình như thế nào mà đừng tái phạm nữa.
Không có sự dây dưa tình cảmgiữa Dong Eun và Do Yeong
Ở phần đầu tiên, sự chú ý bất thường mà 'daddy' Do Yeong dành cho Dong Eun đã làm dấy lên những nghi ngờ về tuyến tình cảm giữa 2 nhân vật này. Chồng của kẻ thù - kẻ thù của vợ đúng là mối quan hệ 'cẩu huyết' mà các biên kịch Hàn... rất thích. Tuy rằng không phủ nhận được 'chemistry' giữa Dong Eun - Do Yeong 'cuốn' hơn nhiều so với Dong Eun - Yeo Jeong, nhưng đồng thời The Glory cũng sẽ bớt đi phần thuyết phục nếu đưa tuyến tình cảm của 2 nhân vật này vào.
May mắn là điều đó đã không xảy ra. Dong Eun chẳng cần phải lợi dụng tình cảm của ai khác để trả thù, cũng chẳng cần vì trả thù mà hy sinh bất chấp thân thể lẫn lý tưởng của chính mình - điều mà cô đã kiên cường giữ lại sau những năm tháng tăm tối của cuộc đời. Thậm chí cô ấy còn chẳng để tay mình dính máu dù kẻ thù đã phải trả giá đến tận cùng!
Dong Eun đích thực là mẫu nhân vật mà khán giả luôn cần trong những bộ phim về đề tài trả thù. Làm ơn đi, sao một câu chuyện về trả thù có thể thuyết phục nếu nhân vật chính lại đi yêu kẻ thù, hay người đã chung giường, đầu gối tay ấp với kẻ thù của mình suốt bao nhiêu năm cơ chứ?
Dong Eun - Do Yeong - Yeon Jin, những tuyến nhân vật hay ho và mới mẻ
Đi cùng quá trình Dong Eun trưởng thành và hoàn thành mục tiêu báo thù của mình một cách logic, chặt chẽ còn là lý trí, không mờ mắt, lấy sự sa đọa của bản thân để trả thù những kẻ đã khiến cuộc đời cô ấy như bị phá hủy. Phải chi mọi bộ phim Hàn về đề tài trả thù đều có 1 nhân vật chính kiên định với mục tiêu của mình và thông minh, tỉnh táo như Dong Eun thì tốt biết mấy.
Ngoài nữ chính, 'daddy' Do Yeong cũng không hề khiến dân tình thất vọng. Biên kịch đã khiến mọi suy đoán xung quanh nhân vật này trở nên vô nghĩa khi đưa ra 1 con đường khác biệt cho Do Yeong.
Anh có thương tiếc, có thấy áy náy trước những tổn thương mà Dong Eun phải chịu vì sai lầm của vợ mình ngày trước. Cũng có thể Do Yeong sẽ yêu thích Dong Eun nếu như anh không có vợ, có con khi gặp cô. Tuy nhiên, Do Yeong thông minh, sắc bén và giữ đạo đức vừa đủ để không biến mình thành một kẻ ngoại tình đầy tồi tệ - điều trực tiếp làm tổn thương đến 'bảo bối' của Do Yeong, là con gái Ye Sol của anh.
Do Yeong vẫn chọn tha thứ cho Yeon Jin sau khi biết được những việc cô đã làm, kể cả ngoại tình với Jae Jun và sinh ra Ye Sol cho anh 'nuôi giùm'. Tất cả những điều Do Yeong làm là để bảo vệ Ye Sol và công ty. Mặc dù vậy, khi Yeon Jin điên cuồng đến 'hết thuốc chữa', Do Yeong đã lý trí quyết định dứt khoát từ bỏ người vợ này bởi anh biết điều đó cũng chẳng đem lại gì tốt lành cho gia đình và cả cuộc sống của mình sau này.
Đối với Yeon Jin và Dong Eun, có lẽ Do Yeong là con người máu lạnh nhiều hơn tình cảm, nhưng người đàn ông này lại dành rất nhiều yêu thương cho Ye Sol, kể cả khi biết đây không phải con gái mình. Khoảnh khắc hiếm hoi Do Yeong nổi điên và vi phạm nguyên tắc của mình trong The Glory, là khi Ye Sol có thể rơi vào tay bố ruột cô bé. Tình tiết này đã tạo ra ấn tượng mạnh mẽ đến mức khiến nhân vật lấn át hoàn toàn chàng 'đao phủ' thánh thiện Yeo Jeong, trở thành nam diễn viên được dân tình bàn tán, thảo luận và yêu thích nhiều nhất của The Glory.
Yeon Jin cũng là nhân vật khá thú vị và 'ác ra hình ra dáng', đã ác là ác đến cuối chứ không có chuyện quay đầu. Điều này càng thể hiện rõ rằng những đứa trẻ ở độ tuổi còn ngây thơ, chưa trưởng thành mà có thể bạo lực học đường, hành hạ bạn bè từ thể xác đến tinh thần thì sau này sẽ là một mối nguy hại lớn về cả nhân cách lẫn đạo đức.
Biên kịch cũng đã phát triển nhân vật này khá hợp lý: vì chỉ biết dựa dẫm vào gia đình, kiêu ngạo rằng mình là con nhà giàu nên đi bắt nạt những đứa trẻ có gia cảnh khó khăn hơn nên Yeon Jin khó có thể thông minh, sắc bén như Do Yeong - 1 người có xuất thân giàu có khác.
Chi tiết mẹ Do Yeong tặng bộ quần áo Gucci cho cháu gái Ye Sol nhân lúc đầy tháng như đang ngầm vạch ra một ranh giới khác biệt giữa Do Yeong và Yeon Jin dù cả 2 người này khá giống nhau về nhiều khía cạnh: Cùng là con nhà giàu, cùng có tính cách nghiêng về hướng thực dụng và có phần không coi pháp luật ra gì, nhưng Do Yeong hiểu rõ điều gì nên làm và không nên làm trong giới hạn cho phép, còn Yeon Jin thì cho đến khi đã lấy chồng, sinh con thì vẫn cho rằng chỉ cần có gia thế là được, không cần phải cố gắng gì cả và mọi thứ đều có thể dùng tiền, quyền để giải quyết.
Khác nhau trong tư tưởng như vậy nên khi Do Yeong nhận ra đã đến lúc Yeon Jin nên dừng lại và sám hối cho những tội lỗi của mình trước khi quá muộn thì cô ta vẫn tin rằng Dong Eun chỉ là 1 con kiến có thể nghiền nát bất cứ lúc nào.
Một người mà ngay đến cả con gái là con của ai cũng không biết như Yeon Jin thì quả thật chẳng thể... thông minh được, nên chuyện hay ho nhất cô ta từng làm khi đối đầu với kế hoạch trả thù của Dong Eun chính là bức bách kẻ thù nghỉ việc và lôi kéo mẹ Dong Eun về phe mình. Bộ phim cũng thêm phần hợp lý vì một thân một mình, không nơi nương tựa và làm chỗ dựa như Dong Eun thì không thể nào đấu đá lại nếu Yeon Jin có trí óc thông minh, sắc bén được.
Lời thoại sâu sắc, gài gắm nhiều ẩn ý phát huy tối đa sức mạnh của từng khung hình
Khoảnh khắc cô bé Ye Sol bật khóc và chạy về phía Do Yeong, miệng nói 'Con xin lỗi' chính là ví dụ rõ ràng nhất chứng minh cho phần lời thoại sâu sắc, mang tính ẩn dụ cao khi được kết hợp cùng những khung hình gọn sẽ tạo nên cảm xúc mạnh mẽ như thế nào. Chẳng cần dùng nhiều câu từ diễn tả, khung cảnh này vẫn cho thấy nhiều cung bậc cảm xúc và nhiều tầng ý nghĩa. Đó vừa là sự yêu thương kính trọng của Ye Sol cho bố, vừa giải thích lý do vì sao một người như Do Yeong lại có thể đặt một cô bé không phải máu mủ lên trên cả công ty, cả địa vị xã hội anh luôn coi trọng. Câu thoại như thể hiện một sự 'thay mặt mẹ' để gửi lời xin lỗi đến Do Yeong.
Hay khi Dong Eun nói rằng 'Người ta thường nói vấn đề gia đình khó giải quyết, bởi đó là thứ ông trời đã sắp đặt' và nhận được sự hồi đáp 'Đôi khi đến cả ông trời cũng phạm sai lầm mà'. Một câu trả lời rõ ràng và súc tích để nói rằng một gia đình xấu xa và tội lỗi không phải, cũng không nên là thứ mà những đứa trẻ ngây thơ phải chịu.
So Hee, trước lúc chết đã từng nói với Yeon Jin rằng 'Tôi không sợ cậu nữa, thứ tôi sợ là tiền của cậu, còn lúc cậu một thân một mình thì chẳng có gì để phải sợ cả'. Lời thoại đã vạch trần bản chất của những đứa trẻ giống như Yeon Jin và hội bạn của cô ta - những kẻ chỉ biết dựa dẫm, ăn bám vào gia đình và thứ bọn họ lo sợ nhất chính là mất đi hậu thuẫn ấy.
Câu thoại diễn tả giọt nước làm tràn ly, khiến Dong Eun hoàn toàn tuyệt vọng với mẹ mình cũng phần nào cho thấy ranh giới cuối cùng mà thân làm cha mẹ thì không nên phạm phải, dù nhân phẩm của họ có tệ hại cỡ nào: 'Bà có thể truy tìm tung tích của tôi và vẫn làm một kẻ vô liêm sỉ, nhưng sao bà có thể theo phe ả khốn đã phá nát đời con mình! Sao bà nỡ bỏ rơi tôi lần nữa? Sao bà có thể bỏ rơi tôi lần nữa như thế? Đó chính là… điều duy nhất bà không nên làm dù cho có phải chết!'.
Một bộ phim trả thù nhưng không thiếu chi tiết chữa lành
Mặc dù phần lớn nội dung của The Glory đều xoay quanh kế hoạch từng bước đưa những kẻ đã hại mình vào tròng của Dong Eun nhưng The Glory không phải chỉ toàn một màu đen kịt tăm tối. Bộ phim đã lồng ghép nhiều chi tiết chữa lành thú vị, vừa là khoảng nghỉ để người xem thả lỏng sau những giây phút căng thẳng đến nghẹt thở, vừa truyền tải thông điệp nhân văn và hy vọng về tương lai tươi sáng dù đã trải qua nhiều khổ đau như Dong Eun.
Những chi tiết đó, là khi Dong Eun dù bị mẹ vứt bỏ, mặc kệ cô ấy vùng vẫy giữa đau thương, nhưng vẫn được bà chủ nhà 'cứu vớt' để cô ấy không còn nghĩ quẩn.
Là khi Dong Eun đến thăm So Hee và chúc mừng cả hai 'đã lên 19 tuổi', thể hiện rằng cuối cùng cô ấy đã có thể để lại quá khứ phía sau và sẵn sàng bước khỏi căn nhà thể chất ám ảnh năm nào, rằng cuộc sống của cô ấy hiện tại chỉ mới bắt đầu, bởi nó đã không còn dây dưa gì với những kẻ thảm bại kia nữa.
Màn trình diễn xuất sắc với sự đóng góp của toàn bộ dàn diễn viên, dù vẫn có điểm trừ
Hiếm có 1 bộ phim nào như The Glory, khi mọi nhân vật lớn và bé đều thể hiện tốt nhiệm vụ của mình và để lại dấu ấn riêng. Dàn cast chính bao gồm Song Hye Kyo, Lim Ji Yeon, Jung Sung Il, Park Sung Hoon dù được trao những vai diễn nặng về tâm lý hoặc khó về cách thể hiện từ bên ngoài thì đều dùng năng lực diễn xuất thượng thừa để mang về hiệu quả vượt xa mong đợi của người xem.
Đặc biệt, phải dành lời khen cho Song Hye Kyo và Jung Sung Il khi khắc họa rõ nét tính cách lẫn thiết lập nhân vật của mình. The Glory có thể sẽ không phải bộ phim thành công nhất sự nghiệp của mỹ nhân họ Song, nhưng Moon Dong Eun thì chắc chắn là vai diễn ghi dấu ấn khó quên nhất của cô.
Tuy nhiên, The Glory vẫn có vài điểm trừ 'nhẹ', dù không quá đáng kể. Diễn xuất của Lee Do Hyun bình thường khá ổn áp, nhưng khi 'ráp' vào tuyến nội dung kịch tính và đặt cạnh những đàn anh xuất sắc như Jung Sung Il, Park Sung Hoon thì thể hiện rõ sự lép vế hơn hẳn.
Yoo Yeo Jeong qua sự thể hiện của Do Hyun khá nhạt nhòa dù là nhân vật nam chính diện hiếm hoi trong phim. Hầu hết các cảnh Yeo Jeong để lại ấn tượng thì đều cần có sự phụ trợ mạnh mẽ từ bạn diễn, như cảnh 'bắt cóc để khen nấu mì ngon' bởi Dong Eun, hay cảnh bị khiêu khích bởi tên sát nhân trong nhà tù.
Một điểm trừ 'nhẹ' khác là lối thể hiện nhân vật khác biệt của Yeon Jin thời học sinh và Yeon Jin khi trưởng thành. Nếu cách diễn của Shin Ye Eun tạo ra một Yeon Jin điên từ bản chất và toát ra từ ánh mắt, nụ cười thì Lim Ji Yeon lại tạo cảm giác hơi 'gồng'. Không hẳn là do Lim Ji Yeon diễn không tốt, chỉ là Shin Ye Eun đã tạo ra một Yeon Jin ấn tượng hơn bởi chất 'điên' của mình, bản thân Yeon Jin của Lim Ji Yeon cũng không cuốn hút bằng nên vừa có sự chênh lệch giữa 2 phiên bản nhỏ và lớn, vừa vô tình khiến Yeon Jin của Lim Ji Yeon bị lấn át nhẹ.
Shin Ye Eun
Lim Ji Yeon
Sau tất cả, không hề nói quá khi nhận xét The Glory là 1 bộ phim hoàn hảo nếu xét trên tổng thể từ cốt truyện, cách khai triển nội dung và tình tiết hợp lý, cài cắm khéo léo, xây dựng nhân vật dựa trên những công thức bình thường nhưng vẫn có sự khác biệt, kết hợp lời thoại và khung hình đầy đắt giá cũng như màn trình diễn diễn xuất mãn nhãn của các diễn viên từ chính đến phụ.
The Glory đúng là một sự lột xác ngoạn mục của Song Hye Kyo và xứng đáng là 'tiêu chuẩn' để những bộ phim Hàn Quốc sau này đặt mục tiêu đạt được mức độ hoàn thiện về mặt sản xuất, chế tác, chỉ đạo nội dung và diễn xuất ngang tầm.