Từ trưa ngày 9/2, toàn bộ các hệ thống rạp phim tại TP. HCM sẽ tạm đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19 lây lan trong cộng đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các NSX phim, buộc họ phải đưa ra quyết định dời lịch chiếu 'đứa con tinh thần' của mình trong mùa Tết năm nay để tránh nguy cơ thua lỗ.
Theo dự kiến ban đầu, các phim chiếu Tết năm nay gồm có Gái già lắm chiêu V, Trạng Tí phiêu lưu ký, Bố già, Lật mặt: 48H. Do ảnh hưởng từ dịch bệnh, hơn nửa trong số những phim kể trên đã thông báo dời lịch chiếu vô thời hạn. Tuy nhiên, điều này vẫn khiến họ thua lỗ thua lỗ cả chục tỷ đồng vì chi phí quảng cáo, khâu chuẩn bị ra rạp trước đó đã tiến hành tươm tất nhưng phim chưa thể phát hành.
Theo ước tính, tổng chi phí PR phim Tết rơi vào khoảng 7-10 tỷ đồng. Để phim chiếu được tại 200 rạp cần các DCP (thiết bị lưu trữ bản phim) và KDM (mã hóa bản phim), chi phí cho một phim là 200-300 triệu đồng, bao gồm phí vận chuyển đi cả nước.
Bên cạnh đó, chi phí tổ chức Premiere (họp báo công chiếu) là 800 triệu - 1 tỷ đồng/ nơi, showcase (họp báo trước chiếu) là 150 -300 triệu đồng. Trung bình mỗi phim có 2 showcase và 2 buổi premiere tại TPHCM và Hà Nội, đặc biệt sự kiện tại Sài Thành luôn rầm rộ hoành tráng hơn hết. Khi dịch COVID-19, khâu tổ chức các buổi công chiếu gần như đã hoàn thành và huỷ vào phút cuối nên thiệt hại nghiêm trọng.
Chưa kể, chi phí in ấn, thiết kế posm, poster, tờ rơi, banner, băng rôn, standee quảng cáo cũng tiêu tốn một phần không nhỏ của nhà sản xuất phim, trên dưới 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, các booth (mô hình) quảng cáo đặt tại rạp có chi phí thi công từ 30-50 triệu đồng, mỗi phim thường có 30-40 booth đặt ở các cụm rạp lớn, đông khách nên kinh phí có thể lên đến 2 tỷ đồng.
Mặt khác, trong một thời gian dài trước công chiếu, phim còn được PR dưới hình thức online và offline. Các phương tiện quảng cáo online gồm có báo mạng, truyền hình, Youtube, Facebook và các nền tảng mạng xã hội, truyền thông đại chúng khác.
Về phần PR offline, các NSX đã thêm poster, trailer, thông tin về phim trong bảng quảng cáo ở thang máy, màn hình lớn tại các tòa nhà, đường phố, trung tâm thương mại,... hàng tháng trước khi phim ra mắt. Bảng giá mỗi billboard ở trung tâm TPHCM từ 30-80 triệu đồng trong 2 tuần tuỳ địa điểm, các phim dành 500-700 triệu đồng cho khoản này.
Bên cạnh các khoản chi phí thường thấy cho phim Tết kể trên, các NSX còn tổ chức một số showcase đặc biệt, hoạt động bên lề để diễn viên, ekip đến gần hơn với khán giả. Tiêu biểu, phim Lật mặt: 48H còn tổ chức hẳn show hành động đầu tiên tại Việt Nam để giao lưu với khán giả, quảng bá cho phim trước khi ra mắt.
Riêng với Gái già lắm chiêu V, đây có lẽ là 1 trong các phim tiêu tốn chi phí PR nhiều nhất khi truyền thông từ tháng 5/2020 đến nay, tổ chức nhiều hoạt động quảng bá tại trung tâm thương mại lớn trên cả nước với National Tour tặng vàng cho khán giả, vận chuyển cả lồng kính khổng lồ 'nhốt' diễn viên vào trong đấy để tạo sự thu hút với công chúng.
Cũng không phải ngẫu nhiên mà các phim Tết chi mạnh tay cho khâu PR, quảng cáo đến thế. Bởi lẽ, nếu tác phẩm được giới thiệu có đủ chất lượng, sở hữu dàn diễn viên nổi tiếng thì sẽ có cơ hội đem về doanh thu cao hơn rất nhiều so với phim chiếu trong giai đoạn bình thường hay các dịp lễ khác trong năm.
Cụ thể, phim chiếu Tết có lượng khán giả đông khoảng 200%-300% so với ngày thường và 130-150% so với các dịp lễ khác. Nhờ đó, phim dễ đem về doanh thu hơn 100 tỷ cho NSX thay vì giai đoạn thường chỉ kiếm được 50-60 tỷ đồng.
Tuy nhiên, đó là trong trường hợp NSX 'thuận buồm xuôi gió' trong việc ra mắt phim. Còn nếu không, một phim dự định chiếu Tết sẽ tiêu tốn một khoản chi phí PR lớn đến mức khó lòng trở lại chiếu vào dịp lễ hoặc ngày thường trong năm mà không gây thua lỗ.
Ngoài ra, phim chiếu Tết thường được đầu tư công phu với chi phí sản xuất lớn. Ví dụ như năm nay, Gái già lắm chiêu V thông báo kinh phí sản xuất lên đến 2 triệu USD. Khi ra mắt, phim phải chia 50% doanh thu bán vé cho rạp chiếu và NSX chỉ thu về 50%. Do đó, Gái già lắm chiêu V buộc phải chọn chiếu Tết để có doanh thu trên 100 tỷ mới đạt mức hòa vốn.
Một điều xui xẻo nữa là một số phim Tết năm nay đã phải dời lịch chiếu đến 2 lần như Trạng Tí, Lật mặt: 48H, số khác hủy họp báo công chiếu khi mọi thứ đã chuẩn bị xong xuôi như Gái già lắm chiêu V, Bố già, tiêu tốn tiền bạc và công sức của cả ekip. Trong lúc thông báo dời lịch, dạo diễn Lý Hải cũng đã thẳng thắn tiết lộ ekip Lật mặt: 48H lỗ gần 10 tỷ đồng cho toàn bộ quá trình PR, quảng bá bộ phim trước khi ra mắt.
Với việc phim Tết phải chịu thiệt hại lớn khi không được ra mắt đúng hẹn, một điều đáng lo lắng nữa là các NSX sẽ dời lịch chiếu đến ngày nào cho phù hợp? Bởi lẽ như phân tích kể trên, phim chỉ chiêu Tết mới có thể thu được doanh thu cao như mong đợi, bù lỗ cho các chi phí đã bỏ ra. Nhưng nếu phải đợi đến tận Tết 2022 để ra mắt bộ phim thì có phải thời gian chờ đợi đã quá dài?