*** Xem tất cả các thông tin về phim Thương ngày nắng về
Thương ngày nắng về là bộ phim truyền hình về đề tài tình cảm gia đình được Việt hóa từ tác phẩm ăn khách của Hàn Quốc Mother of mine. Phim kể về bà Nga - người phụ nữ có số phận truân chuyên nhưng mạnh mẽ và giàu lòng thương người. Chồng mất sớm, bà Nga phải một mình sớm hôm lăn lộn với hàng bún riêu nuôi lớn ba cô con gái. Dù Vân Trang (Phan Minh Huyền) là con gái nuôi nhưng bà Nga vẫn luôn yêu thương cô như con gái ruột.
NSƯT Thanh Quý trong vai bà Nga của Thương ngày nắng về.
Đảm nhận vai bà Nga là NSƯT Thanh Quý. Với diễn xuất tự nhiên, giàu cảm xúc của một nghệ sĩ gạo cội, NSƯT Thanh Quý đã chinh phục được đông đảo người xem. Xem phim, nhiều khán giả nhìn thấy mẹ mình trong hình ảnh bà Nga và cùng khóc, cùng cười với nhân vật.
Bộ phim dài tập Thương ngày nắng về trải qua quá trình quay phim dài ngày. Cô có thể chia sẻ về những khó khăn đoàn phim gặp phải?
Bộ phim Thương ngày nắng về bắt đầu quay từ tháng 6/2021. Như các bạn cũng biết đó là thời điểm tình hình dịch Covid-1t9 căng thẳng nên đoàn làm phim gặp rất nhiều khó khăn. Nếu không có dịch thì công việc sẽ suôn sẻ hơn, vì dịch nên thời gian quay phim bị kéo dài hơn.
Nhưng cũng may là dù dịch như vậy nhưng anh em đoàn làm phim luôn nỗ lực hết mình, vượt qua khó khăn để làm việc. Mong mọi việc sắp tới tiếp tục suôn sẻ như lời các cụ nói 'đầu xuôi thì đuôi lọt' (cười).
Cô đã trải qua nhiều vai diễn khác nhau trong sự nghiệp. Vậy khi đọc kịch bản Thương ngày nắng về, cô có ấn tượng gì với nhân vật bà Nga?
Đầu tiên khi tiếp xúc với kịch bản thì phải nói tôi rất là thích và thực sự rất cảm động. Tôi cảm thấy cảm xúc của mình bắt nhịp ngay được với nhân vật, gần như cảm thấy không có cái gì trắc trở, cản trở cả.
Trong phim, bà Nga có những câu thoại rất hay gây ấn tượng mạnh với khán giả, cô ấn tượng nhất với câu thoại nào?
Còn nhiều câu lắm, cuối phim thì mới tổng kết được (cười), Tạm thời bây giờ thì tôi rất thích câu 'Có mẹ đây rồi, con cứ yên tâm!'. Câu này tôi rất thích bởi nó nói lên được tình yêu thương cũng như là sự mạnh mẽ của người mẹ, để trong những lúc khó khăn, những khi gặp trắc trở trong cuộc sống, những đứa con luôn có mẹ để dựa vào.
Nhiều khán giả chia sẻ họ tìm thấy chính mình trong các nhân vật của phim, cô nghĩ thế nào về điều này?
Đúng rồi, tôi rất mừng khi bộ phim được chiếu ra, khi đi ra ngoài, đi chỗ nọ chỗ kia thì không chỉ có những khán giả lớn tuổi mà rất nhiều các bạn trẻ cũng xem phim và nói chuyện với tôi. Có lần tôi gặp một bạn khán giả trẻ, bạn ý xăm đầy mình, trông rất mạnh mẽ, thế mà bạn bảo là con xem phim con xúc động lắm, con nhớ mẹ con lắm. Lúc đó, tôi có hỏi 'Thế con có thương mẹ còn hơn không?' thì bạn ấy bảo mẹ con mất rồi và con nhớ mẹ con lắm!
Khi làm bộ phim này, tôi chỉ mong những người làm cha làm mẹ khi xem phim sẽ thêm hiểu con mình và chia sẻ với những mong muốn của con, nhưng đồng thời cũng mong rằng những người con cũng sẽ thương yêu cha mẹ của mình hơn, hiểu cho những mong muốn, những khó khăn của bố mẹ khi đặt mong muốn, niềm tin vào các con. Những mong muốn của bố mẹ cũng không phải là những gì quá cao xa đâu mà chỉ mong muốn các con mình có công ăn việc làm tốt, khỏe mạnh, bình yên.
Nhiều khán giả nhận xét bà Nga lúc trẻ thì hiền mà về già lại ghê gớm. Theo cô vì sao lại như vậy?
Trong cuộc sống, giữa con người với con người, chúng ta nên cố gắng mang đến cho nhau sự thông cảm, đồng cảm. Đối với những người làm phim, ngoài việc đem đến tác phẩm giải trí cho khán giả thì còn phải mang đến sự thấu hiểu, mang đến những góc khuất trong cuộc đời của mỗi nhân vật, qua đó người xem có thể thấy và rút ra được những bài học, tự rút kinh nghiệm cho bản thân.
Đối với nhân vật bà Nga thì tôi cũng thấy đây là một người phụ nữ rất khổ. Bà ấy như là một sợi tơ khi mà cơn gió mạnh hay thậm chí chỉ là một cơn gió nhẹ cũng có thể đã làm cho sợi tơ ấy rung lên. Đó là một người mẹ vì yêu thương các con quá, vì cá nhân mình khổ cực quá nên lúc nào cũng như con gà mái mẹ muốn che chở cho đàn con, che chở cho những đứa cháu, cho những đứa em của mình. Còn bản thân bà ấy thì nhận về những khó khăn, vất vả mà cũng không kêu ca gì cả.
Tất nhiên khi các bạn xem phim cũng thấy là nhiều khi bà Nga nói năng không dịu ngọt mà khùng lên. Đó cũng là do xuất xứ, tính cách của nhân vật nhưng mà tôi cho rằng bà Nga là nhân vật khổ, khổ vô cùng!
Tại sao có lúc bà ấy điên lên như thế, vật vã đau khổ như thế? Bởi vì đó là bi kịch của sự tử tế, bi kịch của sự yêu thương. Vì yêu thương đứa con nuôi quá mà bà đau khổ chấp nhận con gái nuôi nhận lại mẹ đẻ. Nếu yêu ít thì không sao, càng yêu nhiều thì càng đau đớn.
Cô có thể chia sẻ một chút về số phận nhân vật bà Nga ở kết cục phim?
Không biết cuộc sống của bà Nga sẽ sao vì 'mưa thì rõ lắm mà nắng thì ít thật' (cười), như tên phim Thương ngày nắng về, thỉnh thoảng thấy một chút nắng thôi, còn cứ mưa suốt! Mong là cuối phim sẽ nắng thật nhiều, nắng thật to!
Cảm ơn cô về những chia sẻ!