Tất cả mọi người trong giới giải trí đều công nhận mùa lễ trao giải Oscar lần thứ 94 này là mùa tranh cãi nhất. Điều dễ nhìn thấy nhất có lẽ chính là vụ việc Will Smith thẳng tay đánh Chris Rock ngay trên sân khấu, trực tiếp trên sóng truyền hình. Tuy nhiên, đây cũng không phải vụ lùm xùm duy nhất của Oscar năm nay. Trước đó, Viện Hàn lâm đã khiến giới chuyên môn cũng như nhiều khán giả ngao ngán với các quyết định của mình.
Sau khi lễ trao giải năm 2021 chứng kiến tỉ lệ người xem thấp nhất trong lịch sử - với chỉ 10,5 triệu người theo dõi - thì năm nay, ban tổ chức có vẻ mang theo nhiều gánh nặng hơn trong việc làm thế nào có thể thu hút khán giả. 'Được ăn cả, ngã về không' - đó chính là quyết định của Viện Hàn lâm cùng ban tổ chức khi đưa ra những quyết định đầy táo bạo đối với lễ trao giải lần này.
(Ảnh: Evan Agostini/Invision/AP)
Vậy sau cùng thì những động thái này (cùng với hành vi bạo lực bất ngờ của Will Smith trên sân khấu) có giúp Viện Hàn lâm đạt được mong muốn không? Thực tế là có, họ đã thành công trong việc thu hút thêm lượng khán giả theo dõi. Bằng chứng là lượng người xem năm nay đã tăng thêm 58% so với năm 2021, với 16,6 triệu người xem. Mặc dù con số này vẫn thua xa so với 25-30 triệu người xem của những năm trước đó nhưng sự thay đổi này vẫn có thể coi là sự thay đổi đáng mừng.
Nhiều người cho rằng vụ việc Will Smith tát thẳng tay đồng nghiệp trên sóng truyền hình chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến Oscar được theo dõi nhiều hơn. Tuy nhiên, cần phải nói rõ rằng nếu đây đúng là nguyên nhân thật thì cũng chỉ là 'ăn may'.
Nếu khoảnh khắc này là nguyên nhân khiến tỷ lệ người xem Oscar tăng cao thì Viện Hàn lâm cần tính đường đi khác lâu dài hơn. (Ảnh: Getty Images)
Hơn nữa, chiến lược gia Wynter Mitchell-Rohrbaugh lại cho rằng việc khán giả biết về sự kiện này thông qua mạng xã hội không có nghĩa họ cũng theo dõi giải Oscar: 'Nếu không thực sự nỗ lực để biến Oscar thành một chương trình tuyệt vời mà chỉ dựa vào những mánh khóe thì ai sẽ coi trọng chương trình này nữa?'. Thay vao đí, chiến lược gia cho rằng Viện Hàn lâm nên thay đổi và nên làm việc một cách toàn diện hơn để thu hút những người hâm mộ điện ảnh. 'Câu hỏi lớn nhất đặt ra ở đây chính là tìm ra một hoạt động ưa thích cho khán giả để họ muốn theo dõi chương trình', cô khẳng định.
Nhà báo Mark Harris thì gợi ý rằng Oscar nên thuê một nhà sản xuất với nhiều kinh nghiệm trong các sự kiện truyên hình trực tiếp. 'Nếu Oscar mỗi năm cố tái tạo lại để mới lạ thì lại càng tạo nên khủng hoảng như tình trạng hiện tại', ông nói, 'Một trong những lí do khiến Quả cầu vàng phát triển tốt trong 20 năm qua - trước khi tự thiêu - là nhờ tính nhất quán của lễ trao giải này. Khán giả hoàn toàn nắm rõ lễ trao giải Quả cầu vàng sẽ mang hơi hướng như thế nào, trong khi Oscar không có sự nhất quán trong thương hiệu'.
(Ảnh: Just Jared)
Ông cũng chỉ rõ lợi thế của Oscar chính là lịch sử của Viện Hàn lâm và cũng chính là cách để hàn gắn sự chia rẽ và tranh cãi đối với các hạng mục bị cắt sóng. 'Khi bạn được đề cử hoặc thắng giải Oscar, bạn cũng trở thành một phần của dòng thời gian đã tồn tại từ năm 1927', nhà báo tiếp tục, 'Tôi nghĩ Viện Hàn lâm nên bớt quan tâm đến việc theo đuổi những điều ngoài lề mà tập trung vào tầm quan trọng của lịch sử và cảm xúc. Điều đó phù hợp với tầm ảnh hưởng của Oscar hơn'.
Ông cũng khẳng định Oscar sẽ không bao giờ có thể trở thành show mới nhất hoặc nổi tiếng nhất nhưng nó sẽ luôn là giải thưởng nổi bật nhất, danh giá nhất. Thực tế rõ ràng trong suốt nhiều năm qua, việc giành được tượng vàng Oscar vẫn có ý nghĩa hơn rất nhiều so với việc giành được bất kỳ giải thưởng nào khác, đối với cả người trong ngành lẫn khán giả yêu điện ảnh.
Dù thế nào thì Oscar vẫn là lễ trao giải danh giá nhất của ngành công nghiệp điện ảnh thế giới. (Ảnh: Getty Images)
Nhiều người trong ngành công nghiệp điện ảnh cũng đồng tình rằng, việc tạo thêm 2 hạng mục cho người hâm mộ bình chọn trở nên thừa thãi. Oscar danh giá bởi nó được đánh giá bởi hàng loạt các chuyên gia và giới phê bình hàng đầu thế giới, việc nhận giải Oscar - dù cho lễ trao giải này có được xem nhiều hay không - vẫn là một vinh dự lớn. Thế nhưng, nếu như người hâm mộ có thể bình chọn cho bộ phim mà họ yêu thích (trong khi có thể họ còn chưa từng xem những bộ phim điện ảnh khác được đề cử) thì ý nghĩa ban đầu của Oscar đã không còn nữa.
Giải pháp tốt nhất có lẽ là: Nếu Oscar không thể là chương trình truyền hình được theo dõi nhiều nhất thì hãy cứ là lễ trao giải danh giá nhất trong ngành điện ảnh.