Xem tất cả thông tin phim Hoa hồng giấy TẠI ĐÂY
Ngoài những bộ phim về đề tài chiến tranh, hậu chiến tranh, Đặng Thái Huyền là nữ đạo diễn ghi đậm dấu ấn cá nhân với những bộ phim về hôn nhân, gia đình. Các tác phẩm của chị nhận về nhiều giải thưởng lớn.
Hiện nay, Đặng Thái Huyền trở lại cùng khán giả với Hoa hồng giấy - bộ phim truyền hình do Viettel Media sản xuất và đang được phát sóng độc quyền trực tuyến trên Netflix.
Đạo diễn Đặng Thái Huyền trên trường quay Hoa hồng giấy.
Hoa hồng giấy chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của nữ văn sĩ Lâm Địch Nhi, tập trung khai thác câu chuyện tình yêu, hôn nhân đầy trắc trở của nữ chính Phong Linh với 2 chàng trai Nhật Khang và Trung Kiên.
Là Phó Giám đốc của Điện ảnh Quân đội nên quỹ thời gian của Đặng Thái Huyền dành cho việc làm đạo diễn bị co hẹp lại, chị từng phải từ chối nhiều lời mời từ các đoàn phim.
Thế nhưng, khi đọc xong kịch bản Hoa hồng giấy, Đặng Thái Huyền chia sẻ, chị đã nhận lời tham gia ngay.
Hoa hồng giấy là tác phẩm ngôn tình, có thể nói đây là thể loại mới mẻ trong sự nghiệp làm phim của chị. Điều này có khiến chị thấy thử thách?
Với tôi, khi nhận bất cứ dự án phim nào tôi cũng đều coi đó là thử thách. Thử thách không phải vì bản thân tôi thấy mình không làm được mà tôi luôn đặt ra mong muốn là làm được những điều mới mẻ, mang lại góc nhìn mới cho khán giả.
Những khán giả đã từng theo dõi các bộ phim tôi làm có thể thấy dù ít hay nhiều tôi đều chuyển tải một chút ngôn tình vào trong các tác phẩm đó.
Bởi vì ở mỗi bộ phim khi lên sóng, tôi mong các khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đón nhận tác phẩm với một tâm thế hoàn toàn tươi trẻ. Họ như được bước vào thế giới mộng mơ, một thế giới mà họ thấy mình được gửi gắm vào đó rất nhiều mong ước về cuộc sống, về tương lai, về người bạn đời.
Đối với Hoa hồng giấy, đầu tiên khán giả sẽ nghĩ đây là bộ phim có đề tài hôn nhân gia đình quen thuộc. Nhưng Hoa hồng giấy mang lại cho tôi cảm giác khác, mỗi nhân vật khi xuất hiện đều có cá tính, đời sống đặc biệt, thú vị, có thể khai thác theo những góc mới mẻ.
Vì thế, dù rất bận khi ở cương vị quản lý và từ chối nhiều dự án phim khác nhưng khi đọc xong kịch bản Hoa hồng giấy tôi bị thuyết phục hoàn toàn và nhận lời ngay.
Tôi tin sự lựa chọn của mình là hoàn toàn đúng đắn. Làm xong 40 tập phim tôi rất xúc động khi nhìn thành quả của mình và ekip.
Hình ảnh người phụ nữ trong Hoa hồng giấy được chị xây dựng có gì đặc biệt?
Các nhân vật nữ trong phim của tôi ít nhiều đều có đời sống nội tâm trăn trở nhưng bên cạnh đó họ thường có chút gì đó nhẫn nhịn, chịu đựng.
Nhưng ở Hoa hồng giấy, các nhân vật nữ đều có cá tính mạnh. Họ nhẫn nhịn ở mức độ nào đó và có sự bung tỏa khi cần thiết. Điều quan trọng hơn là họ biết bảo vệ bản thân mình, bảo vệ giá trị hạnh phúc, bảo vệ sự tự tôn của mình.
Đó là điều khiến tôi rất thích, qua đó gửi gắm những điều mà phụ nữ hiện nay rất cần: họ có thể hy sinh cho gia đình nhưng không có nghĩa họ hy sinh tất cả bản thân mình nếu họ không được trân trọng.
Phim được chuyển thể từ tiểu thuyết của tác giả Lâm Địch Nhi, chị và ekip làm thế nào để tác phẩm trở nên gần gũi với khán giả trong nước?
Khi nhận bất cứ tác phẩm nào, không chỉ là tác phẩm chuyển thể, tôi luôn cố gắng tìm ra điểm nhấn trong kịch bản.
Trong 40 tập của Hoa hồng giấy, các bạn có thể hiểu tình tiết trải dài, số phận nhân vật trải dài, tính cách nhân vật trải dài, câu chuyện trải dài, nhưng là đạo diễn, tôi cố gắng tìm ra những điểm nhấn, những điểm mấu chốt trong đời sống nội tâm của nhân vật trong từng phân đoạn và thể hiện để làm sao ở phân đoạn đấy họ nổi bật lên, có đất diễn.
Không chỉ có diễn viên mà quay phim và các bộ phận khác của đoàn phim cũng có đất để thể hiện.
Tôi muốn khi xem phim, khán giả sẽ thấy được những nốt thăng trầm của nhân vật, thăng trầm của câu chuyện và đôi khi họ nhận ra sự 'feeling' của đoàn phim.
Dàn diễn viên trong Hoa hồng giấy được quy tụ từ 2 miền Nam - Bắc. Điều này có phải là sự tính toán có chủ đích của chị và ekip?
Diễn viên là linh hồn của mỗi bộ phim. Bao giờ cũng thế, khi lựa chọn diễn viên cho bất cứ bộ phim nào thì tôi và nhà sản xuất đều cùng ngồi lại với nhau để bàn bạc và đi đến thống nhất.
Tôi rất hạnh phúc khi nhà sản xuất của Hoa hồng giấy là Viettel Media tôn trọng đạo diễn trong việc lựa chọn diễn viên. Gần như họ đều chiều tôi khi tôi đề xuất một diễn viên nào cho vai diễn mà tôi thấy họ hợp vai, tôi nghĩ họ chính là nhân vật bước ra từ trang giấy để bước lên màn hình và sẽ thành công.
Việc chọn dàn diễn viên 2 miền Nam - Bắc cho Hoa hồng giấy là sự chủ động từ đầu. Tôi mong muốn khi phim trình chiếu thì sẽ không có yếu tố vùng miền, khán giả các vùng miền đều thấy có hình bóng của mình trong đó.
Tôi cũng mong sự giao lưu, hòa hợp trong cách diễn của các diễn viên 2 miền mang lại cho khán giả sự thú vị, tươi mới.
Diễn viên nào của Hoa hồng giấy là cái tên khiến chị bất ngờ nhất?
Tôi đánh giá các diễn viên đều hợp vai và họ đều yêu thích nhân vật của mình. Khi họ diễn tôi đều phải thốt lên rằng đây đúng là hình mẫu nhân vật mà mình tưởng tượng ra, hình dung từ trang giấy bước ra màn hình và tôi yêu thích tất cả các diễn viên.
Nhưng con người mà, đôi khi có sự ưu ái nhất định, đó là lý do tôi đặc biệt đánh giá cao bộ 3 diễn viên chính.
Hạ Anh trong vai Phong Linh là cô gái thông minh, diễn và cảm nhận nhân vật rất tốt, biết lắng nghe ý kiến của đạo diễn để có thể thực hiện tốt nhất.
Quang Sự trong vai Nhật Khang đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề, đóng rất chỉn chu, cầu toàn. Có những đúp quay tôi đã 'ok' nhưng Sự vẫn muốn được quay lại. Tôi trân trọng tình yêu nghề đấy của Sự.
Samuel An trong vai Trung Kiên là lính mới, chưa tham gia đóng nhiều phim, Hoa hồng giấy là phim truyền hình đầu tiên của bạn. Bạn ấy vừa từ Thụy Sĩ trở về chưa lâu, lại bay từ miền Nam ra miền Bắc nhưng bạn chỉ bỡ ngỡ trong 1 đến 2 ngày đầu, sau đó vào guống rất nhanh, thể hiện tốt thần thái nhân vật.
Tôi cũng thực sự xúc động với chị Mỹ Uyên. Chị Mỹ Uyên đã hoạt động lâu năm trong nghề, đã có tên tuổi nhưng chưa bao giờ chị ấy cho mình là diễn viên tên tuổi, khi ra diễn chị ấy diễn rất lăn xả, có sự cộng hưởng, năng đỡ các diễn viên trẻ diễn cùng để họ không bị khớp, cùng nhau ăn nhập.
Đặc biệt những cảnh cần sự hy sinh, cống hiến của diễn viên về dung mạo, thể chất, cần nóng bỏng, nhạy cảm, chị Mỹ Uyên hiểu điều đó là cần thiết chứ không phải do đạo diễn, nhà sản xuất cố tình câu 'view'.
Hoa hồng giấy được chiếu trên Netflix, nền tảng xem phim phủ sóng ở nhiều nước trên thế giới, điều này có khiến chị bất ngờ và lo lắng?
Phải nói thật là khi tôi và ekip làm phim chưa bao giờ chúng tôi đặt ra mục tiêu nếu phim chiếu ở kênh nào thì chúng tôi làm thế nào. Chúng tôi luôn lăn xả, tận hiến hết mình. Tôi luôn nói đùa cùng mọi người là riêng với tôi, mỗi khi ra trường quay, mỗi khi bắt đầu một tác phẩm nào thì tôi coi đó như là tác phẩm cuối cùng của mình.
Việc Hoa hồng giấy được chiếu trên Netflix là niềm vui, là sự khích lệ rất lớn với chúng tôi. Chúng tôi biết để phim được chiếu trên nền tảng lớn này thì chất lượng phim phải đảm bảo.
Tiếp theo đó, đương nhiên rồi, đó là niềm vui, niềm tự hào khi chúng tôi đã góp một tiếng nói và góp một phần công sức nho nhỏ để đưa phim truyền hình Việt, điện ảnh Việt sánh vai với các nền điện ảnh khác đang làm mưa làm gió trên nền tảng số như Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ...
Và lời đánh giá công tâm, khách quan nhất thì tôi nghĩ tốt nhất nên để dành cho khán giả. Nhưng chúng tôi tin những câu chuyện mang những thông điệp nhân văn của phim sẽ chạm đến cảm xúc, trái tim của khán giả, hy vọng khán giả sẽ đồng cảm, ủng hộ.
Làm phim vất vả, đạo diễn nữ làm phim càng vất vả hơn, vậy chị có điều gì muốn nhắn nhủ tới các nữ đạo diễn trẻ không?
Tôi không dám gọi là nhắn nhủ. Tôi vẫn hay nói vui với mọi người là khi làm công việc mình yêu thích giống như được sống mỗi ngày trong hạnh phúc và tình yêu.
Không riêng gì đạo diễn nữ mà các bạn theo nghệ thuật cũng vậy, nếu các bạn có đủ tình yêu thì các bạn sẽ không hối hận về lựa chọn của mình, sẽ vượt qua nếu gặp khó khăn, vất vả.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!
Bộ phim Hoa hồng giấy do Viettel Media sản xuất, độc quyền phát sóng trực tuyến trên Netfix từ ngày 24/10/2022, mỗi tuần 4 tập vào 19h45 thứ 2. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Lâm Địch Nhi. Netflix còn lựa chọn Hoa hồng giấy là bộ phim được công chiếu trên toàn Đông Nam Á trong năm 2022