Quang Sự là cái tên không còn xa lạ với những ai yêu thích phim truyền hình và điện ảnh Việt. Có ưu thế ngoại hình điển trai và lối diễn xuất đa dạng, Quang Sự luôn khiến khán giả phải ngạc nhiên với những lần anh quyết định trở lại màn ảnh.
Mới nhất, nam diễn viên góp mặt trong bộ phim Hoa hồng giấy được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình cùng tên của tác giả Lâm Địch Nhi. Bộ phim do Viettel Media sản xuất, Đặng Thái Huyền làm đạo diễn và phát sóng độc quyền trực tuyến trên Netflix.
Hoa hồng giấy khai thác chủ đề tình yêu, hôn nhân kết hợp yếu tố trả thù đầy hấp dẫn và mới lạ. Nội dung chính xoay quanh nữ y tá xinh đẹp Phong Linh (do Lê Hạ Anh thủ vai) và chàng Phó giám đốc đào hoa Nhật Khang (do Quang Sự thủ vai). Cả hai yêu và kết hôn chớp nhoáng, nhưng mục đích của cuộc hôn nhân này là để bắt đầu cho một màn báo thù của những 'ân oán' đời trước.
Quang Sự và Hạ Anh trong 1 cảnh phim của Hoa hồng giấy.
Cơ duyên nào đưa anh đến với vai Nhật Khang của Hoa hồng giấy?
Vào khoảng đầu năm 2021, khi đang có công việc ở Hà Nội thì tôi được bên nhà sản xuất liên hệ. Tôi hỏi thêm thông tin về ekip, đạo diễn và muốn được đọc kịch bản Hoa hồng giấy trước. Khi biết được ekip của phim là đạo diễn Đặng Thái Huyền, DOP Vũ Quốc Tuấn - những anh chị mà tôi từng có cơ duyên làm việc cùng - thì tôi lập tức cân nhắc việc sẽ tham gia.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất vẫn nằm ở chất lượng kịch bản. Hoa hồng giấy có kịch bản hay, thú vị, bản thân nhân vật Nhật Khang rất cuốn hút. Cơ duyên đưa tôi đến với phim và nhân vật này chỉ đơn giản thế thôi.
Anh có thể nói rõ hơn về những điểm thú vị nào của nhân vật Nhật Khang đã cuốn hút anh?
Thật ra khi đọc kịch bản, tôi cảm thấy Nhật Khang có khá nhiều điểm tương đồng với bản thân tôi ngoài đời thực. Nhiều người sẽ gọi Nhật Khang là nhân vật phản diện, nhưng tôi không nghĩ vậy. Đây là một nhân vật có rất nhiều 'tính người' và rất là 'con người'.
Khi đọc kịch bản, tôi cảm thấy mình giống như chạm đến cảm xúc của Nhật Khang, đồng cảm với quá khứ, với những khó khăn nhân vật này trải qua và trong tôi trỗi dậy mong muốn được trải nghiệm một phần cuộc đời của Khang.
Đó là điểm tương đồng, còn khác biệt của Nhật Khang với tôi thì đương nhiên rất nhiều. Từ công việc, địa vị của Khang trong phim đã khác so với tôi ngoài đời.
Về vấn đề tâm lý, nhân vật Nhật Khang có mạch cảm xúc, tâm lý phức tạp, nội tâm sâu sắc. Đó là nguyên nhân khiến Nhật Khang vừa khác biệt so với những vai diễn trước đây tôi từng đảm nhận, vừa mang sự mới lạ thu hút để tôi chọn vai diễn này.
Tôi không thích mình chỉ nhận những nhân vật với một màu duy nhất. Tôi nghĩ phải trải nghiệm các nhân vật đa dạng và khác biệt mới hay ho.
Có thể thấy Nhật Khang là một vai diễn nặng về phần diễn xuất tâm lý, không biết đó có phải là thử thách lớn nhất đối với anh không?
Chính sự mâu thuẫn sâu sắc trong tâm lý của nhân vật Nhật Khang là điều kích thích tôi. Ban đầu, Nhật Khang tiếp cận với Phong Linh là có mục đích, có lý do và dù nhìn nhận ở góc độ nào, điều đó đều khó có thể tha thứ cho anh ta.
Dù vậy, chúng ta cũng khó có thể phủ nhận rằng tình yêu của Nhật Khang dành cho mẹ quá lớn. Trong suốt quá trình trưởng thành của mình, Nhật Khang đã tận mắt chứng kiến những tổn thương và nỗi đau mà mẹ mình nhận được. Từ đó hình thành vết gai luôn đau đáu trong lòng của Nhật Khang và anh ta muốn làm điều gì đó để mẹ mình bớt đau khổ.
Vì sự cố chấp đó nên sau này Nhật Khang đã có những hành động mà mình tạm thời gọi là hơi mù quáng và lạ đời một chút - kết hôn với con gái kẻ thù của mẹ và tra tấn tinh thần cô ấy.
Theo phân tích của tôi, ban đầu Nhật Khang tiếp cận Phong Linh với mục đích trả thù cho mẹ. Nhưng trong quá trình sống cùng nhau, anh ấy mới dần phát hiện những điểm tốt ở Phong Linh và dần rung động trước người mà mình muốn trả thù. Đó cũng là lúc bi kịch của Nhật Khang bắt đầu.
Từ mục đích chỉ muốn để mẹ mình nguôi ngoai, hả giận mà giờ lại vướng vào lưới tình, Nhật Khang mâu thuẫn vì không biết nên chọn mẹ hay nên chọn tình yêu, cảm xúc cá nhân của anh ấy. Nói chung nhân vật Nhật Khang sẽ có một hành trình phát triển tâm lý khá phức tạp với nhiều sự rắc rối, đau khổ.
Có vẻ như anh đã dành rất nhiều tâm tư để nghiên cứu, ngẫm nghĩ về tâm lý của Nhật Khang, vậy anh có mất nhiều thời gian để thoát khỏi vai diễn hay không?
Không phải chỉ riêng Nhật Khang, với mọi vai diễn từ trước đến nay, nếu có điều kiện và thời gian, tôi đều dành một khoảng thời gian nhất định để phân tích nhân vật của mình, từ công việc, hoàn cảnh cá nhân, hoàn cảnh xã hội đến mối quan hệ với các nhân vật khác.
Còn về chuyện có khó khăn khi thoát vai hay không thì từ khi mới bắt đầu đi đóng phim, tôi đã chuẩn bị tinh thần rằng đây là đặc trưng của công việc diễn viên. Tôi sẽ không để bản thân bị cuốn vào cảm xúc hay cuộc sống của nhân vật để rồi mang điều đó ra đời thật.
Khi đã nhập vai thì không thể tránh khỏi việc bị vai diễn ảnh hưởng bởi mình phải sống trong nhân vật đó mỗi ngày. Nhất là với những đoạn diễn nặng tâm lý, đến khi đã đóng máy, cảm xúc của nhân vật vẫn sẽ vương vấn mình đến vài tiếng sau. Tuy nhiên, tôi luôn tự nhắc nhở bản thân rằng khi vào set quay thì mình mới là Nhật Khang, còn khi về nhà, tôi là Quang Sự.
Sau mỗi lần đóng máy phim, tôi luôn tìm cách để trở về thực tại như nghỉ ngơi, đi đây đi đó..., tìm cách để 'thải' nhân vật cũ, tái tạo năng lượng xây dựng nhân vật mới. Nói chung, việc thoát vai đối với tôi không quá khó khăn.
Hoa hồng giấy được chuyển thể từ tiểu thuyết ngôn tình nổi tiếng, vậy khi nhận vai diễn này, anh có tham khảo nhân vật trong nguyên tác và đặt tiêu chí bám sát bản gốc hay không?
Ban đầu tôi không biết đây là kịch bản được chuyển thể. Tôi chỉ biết điều này khi được ekip chia sẻ trên phim trường.
Vì vậy, có thể nói tôi tiếp cận nhân vật Nhật Khang với một góc nhìn thuần khiết, mới mẻ. Đây có lẽ là một cái hay, bởi tôi có thể tự phân tích, suy ngẫm về nhân vật này mà không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thuộc về bản gốc.
Là người làm việc trong ngành sáng tạo, tôi nghĩ việc bám sát bản gốc chưa hẳn là điều lúc nào cũng cần thiết. Tôi đang làm việc, đang xây dựng nhân vật dựa trên khung kịch bản chung cho phim và hoàn toàn có thể trao đổi cùng biên kịch, đạo diễn để có thể lột tả sát với nhân vật mà kịch bản muốn hướng đến nhất.
Không nói đến phim chuyển thể từ tiểu thuyết, kể cả với phim remake, tôi cũng sẽ không đặt tiêu chí bám sát bản gốc lên hàng đầu, trừ khi nhân vật tôi đảm nhận là người thật trong lịch sử. Việc thể hiện quá giống với bản gốc đôi khi lại là sự cản trở, khiến diễn viên khó sáng tạo và tự đóng khung vai diễn.
Cảm ơn anh về những chia sẻ!
Trailer phim Hoa hồng giấy
Bộ phim Hoa hồng giấy do Viettel Media sản xuất, độc quyền phát sóng trực tuyến trên Netfix từ ngày 24/10/2022, mỗi tuần 4 tập vào 19h45 thứ 2. Bộ phim được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nữ văn sĩ Lâm Địch Nhi. Netflix còn lựa chọn Hoa hồng giấy là bộ phim được công chiếu trên toàn Đông Nam Á trong năm 2022.