Nếu nghệ sĩ được quan tâm thì đã không có chuyện ồn ào vừa qua
Vốn dĩ tôi không định phát biểu vì bao nhiêu nghệ sĩ bức xúc nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Tôi có góp tiếng nói rồi cũng sẽ như gió vào nhà trống, không ai để ý. Tranh cãi về Hãng phim truyện, tôi nghe mà buồn quá, đau thót cả ngực.
Bản thân tôi là một nghệ sĩ nhỏ bé. Tôi chỉ có khoảng 100 phim điện ảnh và 100 vai diễn trên sân khấu, khắp 4 tầng lầu trong nhà treo đầy kỷ vật, tranh ảnh của hơn 50 năm tôi cống hiến cho nghệ thuật, cho sáng tạo.
Nhiều người nói tôi thần kinh, treo bày những thứ đó để làm gì, sao không cho người ta thuê mặt bằng, mỗi tháng kiếm 40-50 triệu tiêu xài.
Nhưng đó là tư duy của người làm kinh doanh còn với người nghệ sĩ như tôi thì đó là một gia tài vô giá. Tôi nói thật, ai động vào những kỷ vật đó, tôi đánh liền.
Với tôi đã thế thì huống chi là cả một hãng phim truyện từng làm bao nhiêu bộ phim để đời, ghi dấu ấn lịch sử của dân tộc, gắn bó với rất nhiều thế hệ nghệ sĩ diễn viên.
Với những người không biết gì về điện ảnh như ông Thủy Nguyên thì cái máy đánh chữ cũ kỹ kia, cái mũ áo nổi mốc kia chẳng có giá trị gì, chỉ đáng bỏ sọt rác nhưng với điện ảnh nước nhà, đó là tài sản văn hóa có giá trị quốc gia.
Tôi nhìn cách ông chủ mới của Hãng phim đối xử với những thứ đó mà xót xa.
Ông Nguyên sẽ không bao giờ hiểu được rằng, một bộ phim sẽ để lại từ đời này qua đời khác. Làm sao có được một 'Em bé Hà Nội' thứ hai?
Khi quay phim 'Em bé Hà Nội' ở Gia Lâm, loa đài liên tục thông báo: 'Đồng bào chú ý, đồng bào chú ý, máy bay địch cách Hà Nội...'. Đó là dấu mốc lịch sử không thể dựng lại được.
Hay như phim 'Đường về quê mẹ', nhà nước cho 2 tấn thuốc nổ để làm bãi bom B52 ở Hòa Bình. Nhà nước điều không biết bao nhiêu chiếc máy bay xuống cho ông Hồng Sến làm 'Cánh đồng hoang'.
Nhà nước tài trợ như thế thì mới có được những bộ phim để đời, đi vào lịch sử.
Điện ảnh hay nghệ thuật thì người nghệ sĩ phải được trân trọng. Người nghệ sĩ cũng như những con chim họa mi, con chim vành khuyên phải được chăm bẵm, ăn uống, tắm rửa thì mới hót hay được.
Chúng tôi là những con chim họa mi của Nhà nước, được nuôi dưỡng, được quan tâm thì hót hay và làm ra được: 'Em bé Hà Nội', 'Đường về quê mẹ', 'Vĩ tuyến 17 ngày và đêm', 'Đêm hội Long Trì', 'Cánh đồng hoang', 'Chị Tư Hậu', 'Con chim vành khuyên'...
Nhưng thử nhìn lại, hiện nay diễn viên của hãng đều phải lăn lộn kiếm sống ở ngoài. Đám ma cũng làm, đám cưới cũng làm. Họ phải làm bất cứ thứ gì để có tiền về nuôi vợ con.
Ngay như tôi, mang danh là Nghệ sĩ nhân dân nhưng nếu không có ông bố và thằng con trai đang ở nước ngoài thì tôi cũng ra đường vá xe lâu rồi chứ không được cơ ngơi như thế này.
Anh em Hãng phim truyện bị bỏ rơi, không ai quan tâm nhưng lại bị trách cả năm không làm gì. Cả Hãng phim được báo giá 0 đồng như vậy là phủi sạch hết những gì đã có trong lịch sử điện ảnh nước nhà.
Tôi nói thật, nếu anh em nghệ sĩ được quan tâm thì đã không xảy ra cơ sự như ở Hãng phim truyện Việt Nam.
Xin Nhà nước hãy giữ lại Hãng phim truyện Việt Nam
Tôi cho rằng đã đến lúc ngừng tranh cãi để những lãnh đạo cấp cao vào cuộc thì mới mong cứu được Hãng phim truyện. Cần trả lại 'thánh địa điện ảnh' để chúng ta làm lại từ đầu.
Tôi là người trong nghề nên biết, trong lúc điện ảnh đang nát bét như thế này, khán giả không thích phim Việt thì mình phải cứu chứ không phải giết nó. Điện ảnh Việt Nam đã đang ở đáy rồi, thêm cái này nữa là kéo chìm luôn.
Nhà nước rót tiền xuống cho làm phim. Nghệ sĩ có trách nhiệm trả lại những tác phẩm hay, chỉnh chu và đàng hoàng. Ai không làm được thì tự thấy xấu hổ mà rút để người giỏi lên làm.
Để một người không biết gì về điện ảnh như ông Thủy Nguyên làm chủ, làm quản lý Hãng phim là giết chết nghệ thuật.
Một người lãnh đạo văn hóa mà không có văn hóa thì làm sao ổn định được trật tự và khiến người khác nể phục. Ông Thủy Nguyên chỉ mạnh về gạo bạo về tiền thôi.
Tôi cho rằng, việc ông Nguyên đầu tư vào Hãng phim vì nhìn thấy mảnh đất này là món hời lớn chứ không quan tâm đến phim ảnh.
Khi nghe tin ông Thủy Nguyên đòi chấm công nghệ sĩ bằng máy vân tay là tôi rất bức xúc. Đó là sự xúc phạm nặng nề với nghệ sĩ.
Ông Thủy Nguyên không làm nghệ thuật nên mới có suy nghĩ đó. Có những vai diễn chúng tôi trằn trọc hàng đêm, thức 3, 4 giờ sáng làm việc thì ai chấm công? Đó là đặc trưng của nghệ thuật. Họ phải tự do thì mới sáng tạo được.
Làm sao bắt họ phải mặc đồng phục, đúng 8 giờ có mặt ở cơ quan, 5 giờ về. Giờ giấc đó thì nghệ sĩ làm việc kiểu gì. Tôi nghe mà đau thót tim.
Đối thoại căng thẳng của nghệ sỹ và nhà đầu tư hãng phim truyện