Luật Điện ảnh (sửa đổi) đã được thông qua ngày 15-6 với 8 chương, 50 điều, quy định về hoạt động điện ảnh; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh… và có hiệu lực từ ngày 1-1-2023. Trong đó, điều 31 và 32 quy định về Hội đồng thẩm định và phân loại phim có nhiều yếu tố đổi mới.
Những bất cập, hạn chế
Ngoài Hội đồng thẩm định và phân loại phim do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch thành lập, có quyền phân loại, cấp phép cho phim thì trong điều 31 còn có Hội đồng thẩm định và phân loại phim do chủ tịch UBND cấp tỉnh thành lập để phân loại phim của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Hệ thống phân loại phim cũng đổi mới so với hiện hành trong điều 32 với việc có thêm loại K - phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ.
Trong dự thảo 5 (mới nhất) của thông tư, bảng tiêu chí phân loại tập trung xem xét mức độ chênh lệch xoay quanh 7 yếu tố chính gồm: chủ đề - nội dung, bạo lực, khỏa thân - tình dục, ma túy - các chất kích thích - gây nghiện, kinh dị, hình ảnh - âm thanh - ngôn ngữ thô tục, hình ảnh nguy hiểm dễ bắt chước, yếu tố khác.
Cảnh trong phim 'Bẫy ngọt ngào' - phim phân loại C18 trên màn ảnh rộng. (Ảnh do nhà phát hành cung cấp)
Người trong giới cho rằng tiêu chí càng rõ ràng, cụ thể không chỉ giúp thuận lợi trong sáng tạo, mà còn là cơ sở để Hội đồng thẩm định, phân loại phim dễ dàng kiểm duyệt.
Trong đó, ở mức phân loại T16 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên có quy định chấp nhận cảnh khỏa thân toàn bộ từ phía trước với thời lượng trung bình, không thường xuyên, không cận cảnh bộ phận sinh dục nhưng phải phù hợp với nội dung phim và không kích động tình dục; không có hình xăm phản cảm. Tuy nhiên, tiêu chí lại chưa nêu rõ thời lượng trung bình, không thường xuyên là bao nhiêu % và hình xăm cụ thể như thế nào mới gọi là phản cảm.
Ở mức phân loại T18 - phim được phép phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên, cảnh khỏa thân được quy định là mô tả một cách không lạm dụng cảnh khỏa thân toàn bộ phía trước nhưng phải phù hợp với nội dung phim; không miêu tả chi tiết các bộ phận sinh dục, không có hình xăm phản cảm, không có thời lượng kéo dài.
Có thể thấy, mức phân loại yếu tố khỏa thân giữa T16 và T18 không nhiều sự khác biệt vì chưa định lượng cụ thể, rất khó phân biệt. Nếu không làm rõ, Hội đồng thẩm định khó phân loại mà cũng dễ gây ra bất cập, tranh cãi khi nhà làm phim dự trù tác phẩm của mình ở T16 nhưng kết quả phân loại thuộc T18.
Càng cụ thể càng tốt
Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho rằng tiêu chí càng minh bạch, cụ thể thì càng dễ làm việc. Điều này nhận được nhiều sự tán thành vì trước đây, Hội đồng thẩm định và phân loại phim chỉ có một đơn vị nhưng sắp tới sẽ có những địa phương đủ khả năng, cơ sở pháp lý thành lập Hội đồng thẩm định và phân loại phim riêng.
Việc định lượng rõ ràng, cụ thể từng tiêu chí còn giúp nhà làm phim thoải mái sáng tạo với đối tượng khán giả được chọn lựa hướng đến ngay từ đầu. Họ có thể biết mức phân loại của phim mà không cần phải lo lắng chờ đợi kết quả từ cơ quan quản lý. Nếu tiêu chí phân loại chưa rõ ràng, nhà sản xuất phim chiếu trên mạng cũng rất khó để tự dán nhãn cho sản phẩm của mình.
'Cần định lượng rõ hơn như bao nhiêu lần thì được tính là diễn ra thường xuyên? Bao nhiêu lâu thì được xem là thời lượng kéo dài? Những cảnh khỏa thân trong phim hoạt hình thì quy định cụ thể như thế nào, có ngoại lệ hay tuân theo tiêu chí như các phim khác' - ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc điều hành V Pictures (công ty do CJ CGV Việt Nam vận hành và phát triển) kiêm Giám đốc nội dung CJ CGV Việt Nam, góp ý.
Ban soạn thảo cũng cần lưu ý đến các phim về giới LGBT (cộng đồng người đồng tính nam, đồng tính nữ, người chuyển giới…), nhất là yếu tố tình dục, để đưa ra những tiêu chí phân loại phù hợp. Tiến sĩ Phan Bích Hà, nguyên Hiệu trưởng ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM, cho rằng cần tránh những từ ngữ trừu tượng, chung chung trong tiêu chí. Việc rõ ràng, cụ thể sẽ giúp sinh viên biết rõ cái gì làm được và không được trong quá trình học, làm nghề sau này.
Ngoài phim rạp, phim truyền hình và phim chiếu trên mạng cũng cùng áp dụng các tiêu chí phân loại mới nên cần được ban soạn thảo chú ý để có quy định hợp lý chung. NSƯT Lê Mạnh, Phó Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình Việt Nam (VFC), cho hay phim truyền hình khi được duyệt phát sóng cho khán giả xem đều ở loại P - phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi.
'Nhưng loại P lại có tiêu chí không có hình ảnh, âm thanh, ngôn ngữ thể hiện việc sử dụng ma túy và các chất kích thích, gây nghiện. Đây là điều khó khăn với những phim truyền hình chủ đề về hình sự, tội phạm…' - NSƯT Lê Mạnh băn khoăn.