(Cảnh báo: Bài viết có tiết lộ một số chi tiết của phim)
Những cuộc tình gói gọn trong 90 phút
Trịnh Công Sơn là quyết định táo bạo của ekip làm phim khi tách một số phân cảnh vốn được chuẩn bị cho Em và Trịnh để xây dựng nên một bộ phim riêng có thời lượng 90 phút. Khác với Em và Trịnh tập trung vào giai đoạn trung niên của vị nhạc sĩ họ Trịnh, Trịnh Công Sơn là những thước phim lãng mạn nhưng không kém phần bi thương về những cuộc tình thời trẻ của người nhạc sĩ tài hoa này.
Không khó để nhận thấy, phim được chia thành ba phần, ứng với ba giai đoạn tình yêu của Trịnh Công Sơn. Phần đầu được dựng lên như một bức tranh thanh xuân ngây thơ, vụng dại nhưng không kém phần nồng nhiệt. Lúc này, Trịnh Công Sơn vẫn còn là chàng trai trẻ đa tình, dễ xiêu lòng trước những nàng thơ vô tình gặp trên phố.
Nhưng đây là phần phim thể hiện rõ nhất sự thiếu sót trong kịch bản. Những thước phim ở phần một 'chộp giật', không liền mạch, lướt qua các sự kiện rất nhanh mà không để lại nhiều ấn tượng. Không chỉ vậy, cách xây dựng tính cách và hành động của các nhân vật, bao gồm cả nhân vật chính và phụ, đều mang lại cảm giác bốc đồng và có phần hơi… sến.
Nói đi cũng phải nói lại, đây là điều người xem có thể đoán trước được, bởi lẽ, tác phẩm này vốn phải 'tranh giành' cảnh quay với chính người anh em của mình là Em và Trịnh. Đồng thời, việc gói gọn một thời trai trẻ của một người vào 30 phút là thử thách khó 'nhằn'.
Sau khi đi qua biến cố đầu tiên của tình cảm khi bị Diễm (Lan Thy) từ chối, cùng với tác động thời cuộc, phần hai của bộ phim được mở ra với sự tha thiết, nồng nhiệt trong tình yêu của người nhạc sĩ cùng với Dao Ánh (Hoàng Hà).
Khác với phần một, phần hai tuy vẫn nồng thắm nhưng tình yêu lúc này đã được thể hiện một cách có sức nặng và chiều sâu. Tuy vẫn để lại nhiều lấn cấn ở những phân cảnh quay chậm nhưng sự phân chia lớp lang giữa các khía cạnh trong cuộc đời người nhạc sĩ đã tái hiện được sự trưởng thành trong suy nghĩ và nhân sinh quan của Trịnh Công Sơn.
Phần ba của bộ phim, khi chuyện tình với Dao Ánh đã hạ màn trong bẽ bàng, bộ phim dần cởi bỏ lớp áo tình cảm để khai thác sâu hơn vào sự nghiệp âm nhạc cùng những hoạt động đấu tranh vì hòa bình thông qua nghệ thuật của Trịnh Công Sơn.
Nhịp phim ở hồi ba có thể xem là vừa phải nhất, làm sáng lên sự nghiệp âm nhạc trong giai đoạn rực rỡ nhất của ông. Việc tách biệt những câu chuyện tình vốn không được thể hiện tốt ra khỏi hồi này cũng giúp khán giả dễ xem hơn, dễ tiếp nhận và dễ đồng cảm hơn.
Một điều gây tiếc nuối nữa của Trịnh Công Sơn chính là một cái kết còn dang dở. Nhiều người nhận xét, cái kết của Trịnh Công Sơn được cắt ngang như vậy để tạo nên nhiều băn khoăn, tiếc nuối cho người xem. Tuy nhiên, có lẽ thiếu sót lớn nhất không phải là tạo nên một cái kết có hậu hay bi kịch, điều phim đáng ra nên bổ sung chính là một điểm nhấn để gây ấn tượng mạnh mẽ hơn đến với người xem ở phân đoạn này.
Những thước phim đẹp đến nao lòng
Không thể phủ nhận, Trịnh Công Sơn có những thước phim đẹp đến nao lòng. Từ những con đường mộng mơ xứ Huế, căn nhà có khung cửa sổ đầy chất thơ của gia đình họ Trịnh đến căn chòi nhỏ trên núi B'lao - nơi người nhạc sĩ dạy học cho đám trẻ, hay cả quán bar nơi ông gặp Khánh Ly (Bùi Lan Hương) đều được bộ phận thiết kế thực hiện vô cùng kì công và đẹp mắt. Mỗi thước phim đều đẹp đến mức, dù có vô tình dừng lại ở một phân đoạn nào, người xem vẫn sẽ có được khung cảnh nên thơ đầy chất trữ tình.
May mắn nhất của Trịnh Công Sơn phải kể đến vẻ đẹp mà âm thanh của bộ phim mang lại cho từng phân đoạn. Nhạc Trịnh từ lâu đã trở thành những tác phẩm kinh điển trong âm nhạc Việt Nam. Ở đây, nhạc Trịnh trở thành kho tàng quý giá mà ekip làm phim may mắn được tự do sử dụng và trên thực tế, họ đã sử dụng tốt.
Âm nhạc - qua bàn tay Đức Trí - đã thực sự hòa hợp với từng khung hình, lúc vang lên trực tiếp qua tiếng hát diễn viên, khi văng vẳng từ những đĩa than, đài radio. Và táo bạo nhất, nhưng cũng sáng giá nhất là khi chỉ có tiếng hát mộc vang đặt giữa cảnh chiến tranh loạn lạc bi ai, tạo nên cảm giác 'buồn một cách bình thản'.
Thế nhưng, dù phần hình ảnh rất đẹp, rất nên thơ, nhưng đôi khi khiến khán giả có cảm giác bị khai thác quá đà để làm mất đi sự mộc mạc của xứ Huế. Điều này thể hiện rõ trong hồi một của Trịnh Công Sơn. Để khắc họa mối tình thanh xuân của người nghệ sĩ, ekip đã sử dụng quá nhiều hiệu ứng slow motion, kết hợp với một số hành động mang tính gượng ép, từ đó tạo cảm giác khó chịu cho người xem.
Lời cảm ơn gửi đến những nàng thơ
Hai điểm sáng lớn nhất của Trịnh Công Sơn chính là hai nàng thơ Dao Ánh (Hoàng Hà) và Khánh Ly (Bùi Lan Hương). Tạo hình Dao Ánh của Hoàng Hà tạo thiện cảm với nụ cười có chiếc răng khểnh, vẻ ấp úng, ngại ngùng, đôi mắt ngây thơ to tròn. Cách nữ diễn viên trẻ thể hiện cảm xúc cũng mang lại sự tự nhiên, dễ chịu.
Hoàng Hà thể hiện rất tốt cả ba hình ảnh, bao gồm một cô bé ngây thơ, hồn nhiên nhưng bạo dạn trong chuyện tình cảm, nàng thiếu nữ hết lòng vì một tình yêu vụng trộm hay sự trưởng thành của người con gái bắt đầu lo toan cho một tương lai mù mờ. Thông qua diễn xuất, Hoàng Hà đã khiến người xem hiểu lý do vì sao Dao Ánh lại có thể khiến Trịnh Công Sơn si mê mà viết đến 300 bức thư tình.
Bùi Lan Hương dù chỉ mới chạm chân vào điện ảnh nhưng đã thể hiện hình ảnh Khánh Ly rất thực từ tạo hình tới tính cách. Nếu đã nhìn qua hình ảnh Khánh Ly ngoài đời, ai cũng đều phải thảng thốt khi thấy Bùi Lan Hương hóa thân sao giống thế, từ ngoại hình đến cả khí chất. Bùi Lan Hương có cái 'buồn thản nhiên', cái buồn mà Trịnh Công Sơn đã dùng để miêu tả Khánh Ly. Màn trình diễn của Bùi Lan Hương trong Trịnh Công Sơn ắt hẳn đã thuyết phục được những khán giả khó tính nhất, khiến họ quên đi xuất thân ca sĩ của cô.
Tuy là nhân vật chính nhưng Avin Lu thực sự không tỏa sáng trong vai diễn Trịnh Công Sơn. Có lẽ một phần là vì sự điển trai, khỏe khoắn của Avin Lu khiến người xem không thể tìm được sự đồng điệu với một Trịnh Công Sơn đi qua nhiều khắc khổ của cuộc sống. Phần còn lại hẳn là vì Avin Lu vẫn còn quá non trẻ trong việc thể hiện hình ảnh của một người nghệ sĩ kiệm lời nhưng đa cảm, yêu cầu diễn viên đảm nhận nhân vật phải thể hiện cảm xúc thông qua ánh mắt.
Một yếu tố khác mà Trịnh Công Sơn khiến khán giả lấn cấn khi xem chính là giọng Huế giả. Một phần ba bối cảnh của phim được đặt tại Huế, Trịnh Công Sơn và đa phần các nhân vật là người Huế, vì vậy dàn diễn viên vốn không phải là người Huế phải… tập nói giọng Huế trong vòng vài tháng. Điều này tạo nên nhiều phân cảnh vô duyên, đôi khi gây ức chế với những người hiểu rõ và nói thứ giọng vùng miền đặc biệt này.
Trịnh Công Sơn hiện đang được chiếu tại các rạp trên toàn quốc.