Dưới đây là 9 kỹ năng làm việc bạn đừng bỏ qua nếu muốn CV của mình trở nên nổi bật và thuyết phục được nhà tuyển dụng.
Kỹ năng giao tiếp
Tất cả chúng ta đều biết rằng, giao tiếp tốt luôn là một lợi thế khi bạn làm việc với đối tác, khách hàng và ngay cả với đồng nghiệp hoặc cấp trên. Kỹ năng giao tiếp xuất sắc cũng phần nào thể hiện bạn là người có chỉ số thông minh cảm xúc (EQ) cao.
Giao tiếp tốt với người khác giúp bạn cải thiện mối quan hệ, truyền đạt hiệu quả thông tin, thậm chí thuyết phục được họ khi cần.
Do đó, đây là kỹ năng quan trọng nên đưa vào CV dù bạn tìm việc làm ở thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Vũng Tàu… ở bất cứ lĩnh vực nào. Bạn có thể viết theo cách: Kỹ năng giao tiếp tốt - Từng tham gia nhóm tiếp thị sản phẩm, dẫn chương trình, thuyết trình trước đám đông…
Kỹ năng tổ chức
Đây là kỹ năng làm việc giúp chúng ta có thể quản lý thời gian, quản lý con người và tăng hiệu suất công việc. Nếu bạn ứng tuyển vào vị trí trưởng nhóm, kỹ năng này càng đặc biệt cần thiết. Nó giúp bạn phân bổ và ủy quyền công việc một cách hợp lý, hiệu quả. Ngay cả khi chỉ là một nhân viên bình thường, kỹ năng tổ chức sẽ giúp bạn sắp xếp các nhiệm vụ phải thực hiện một cách khoa học, hạn chế được sự trì hoãn, sai sót.
Biết lắng nghe
Lắng nghe có nghĩa là bạn dành toàn bộ sự chú ý cho người đang nói chuyện với bạn. Bất kỳ ai cũng yêu thích những người biết lắng nghe, và tất nhiên, các nhà tuyển dụng cũng vậy. Đừng nghĩ đây là kỹ năng đơn giản, thực tế nó quan trọng hơn bạn tưởng. Bởi vì, biết lắng nghe cho thấy bạn là người “hiểu chuyện”, dễ thích nghi với môi trường làm việc, có tinh thần học hỏi và đáp ứng tốt hơn với yêu cầu công việc.
Làm việc theo nhóm
Khi làm việc trong một tập thể, bạn phải có kỹ năng làm việc nhóm để có thể hỗ trợ và tương tác tốt hơn với các thành viên khác, nhằm thúc đẩy mục tiêu chung. Để làm việc nhóm tốt bạn phải biết tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ các thành viên trong nhóm; đồng thời phải có trách nhiệm với công việc của mình và tích cực tham gia đóng góp ý kiến, ý tưởng, phản hồi… để nhóm ngày càng hoạt động hiệu quả hơn.
Những ai thực sự có kỹ năng làm việc nhóm tốt sẽ thăng tiến nhanh hơn trong tổ chức và trở thành những người mà các nhân viên khác tìm đến để được hỗ trợ, hướng dẫn.
Kỹ năng xử lý tình huống
Đây là kỹ năng đối phó với những vấn đề phát sinh, thay vì hoảng sợ trước áp lực và bỏ cuộc. Trong quá trình làm việc, sẽ có nhiều lúc, bạn gặp phải những tình huống khó xử mà nếu không có kỹ năng xử lý một cách hiệu quả, bạn có thể gây ra những sai lầm. Khi một người có kỹ năng xử lý tình huống tốt, họ thường có tính chủ động cao và rất nhạy bén trong công việc. Do đó, các nhà tuyển dụng sẽ hài lòng khi ứng viên của mình sở hữu kỹ năng làm việc này và chứng minh nó một cách thuyết phục trong CV.
Ngoại ngữ
Khả năng sử dụng ngoại ngữ là một trong những điểm cộng giúp hồ sơ của ứng viên có cơ hội được lọt vào vòng phỏng vấn. Không chỉ như thế, trong nhiều ngành nghề, biết tiếng Anh được xem là yếu tố không thể thiếu ở ứng viên. Bởi vì ngày nay, đồng nghiệp hay khách hàng thậm chí là sếp của bạn đều có thể là người nước ngoài.
Bạn có thể mô tả khả năng ngoại ngữ của mình trong CV như “nghe, nói, đọc viết Tiếng Anh thành thạo”, đồng thời cung cấp các chứng chỉ, bằng cấp chứng minh cho trình độ của bạn.
Kỹ năng phục vụ khách hàng
Ngay cả khi bạn không phải là nhân viên bán hàng thì kỹ năng này luôn được đánh giá cao. Bởi vì, hầu hết các doanh nghiệp đều giao dịch với khách hàng tại một số thời điểm nhất định. Một khi làm việc tại doanh nghiệp, dù ở vị trí nào, bạn đều có phần tham dự vào việc chăm sóc, phục vụ khách hàng.
Nếu trong các công việc trước đây, bạn đã từng giải quyết thành công một tình huống khó liên quan đến khách hàng, nhớ đưa điều này vào CV của bạn.
Công nghệ
Ngày nay, hầu như tất cả các ngành nghề đều liên quan đến công nghệ thông tin. Do đó, đây là một kỹ năng cần thiết mà mọi doanh nghiệp đều yêu cầu ở phần lớn nhân viên của mình, tối thiểu là kỹ năng tin học văn phòng.
Ngoài ra, với nhiều công việc, nếu bạn có am hiểu sâu hơn về lĩnh vực công nghệ, đừng quên đưa vào CV. Chẳng hạn nếu bạn muốn trở thành một biên tập viên truyền hình trực tuyến, việc sở hữu các kỹ năng về photoshop, cắt dựng phim… chắc chắn sẽ giúp bạn giành được lợi thế hơn các ứng viên khác.
Kỹ năng cụ thể theo ngành
Đó là những kỹ năng cần thiết trong mỗi ngành nghề nhất định. Ví dụ, trong lĩnh vực tài chính và kế toán, khả năng tạo các báo cáo tài chính là một kỹ năng quan trọng. Nếu viết lách là nghề nghiệp của bạn, hãy liệt kê cụ thể kỹ năng viết báo, viết nội dung quảng cáo hay viết kịch bản phim tài liệu…
Đừng nghĩ rằng bạn chỉ việc nêu ngành học mà mình đã tốt nghiệp, nhà tuyển dụng tiềm năng sẽ biết rằng bạn sở hữu những kỹ năng làm việc này. Nếu bạn có các kỹ năng liên quan đến công việc mà mình đang nộp hồ sơ, hãy đảm bảo rằng chúng được đưa vào CV của bạn.