Cô Nguyễn Thị Bích Trâm hay được mọi người biết đến qua tên gọi Ms. Tram Nguyen English. Hoàn thành khóa học Thạc sĩ giảng dạy Tiếng Anh tại ĐH Huddersfield, Anh quốc với tấm bằng xuất sắc, Bích Trâm quay trở về Việt Nam, trở thành giảng viên Đại học Thăng Long Hà Nội.
Cô được biết đến với vai trò phó ban thư ký phân hội VietTESOL (trực thuộc Hội ngôn ngữ học Việt Nam), đồng thời là nhà sáng lập Hệ thống Anh ngữ trực tuyến Talking English. Mới đây, nữ giáo viên 9x đã có những chia sẻ xung quanh câu chuyện dạy và học tiếng Anh cho các bạn trẻ.
Giáo viên cần có sự đam mê và tư duy không ngừng học hỏi
Hiện nay có rất nhiều giáo viên, trung tâm giảng dạy tiếng Anh. Theo chị, thế nào là một giáo viên tiếng Anh giỏi?
- Giáo viên trước hết cần phải có nền tảng vững chắc về ngôn ngữ cũng như chuyên môn giảng dạy. Điều này thể hiện qua một số chứng chỉ về năng lực Anh ngữ và chứng nhận về chuyên môn như chứng chỉ IELTS, TOEIC, TESOL, bằng đại học/ thạc sĩ... Tuy nhiên, đây mới chỉ là điều kiện cơ bản cần phải đáp ứng.
Ngoài chuyên môn về ngoại ngữ, giáo viên cần hiểu được tính cách của người học. Điều quan trọng hơn cả, là phải biết tạo động lực cho họ.
Chúng ta cần giúp học viên tiến bộ và phát huy được điểm mạnh của mình. Thay vì cầm tay chỉ việc, giáo viên nên là một người bạn đồng hành, hướng dẫn người học trên con đường chinh phục ngôn ngữ.
Khi trở thành giảng viên ngoại ngữ, chị đã gặp những khó khăn nào khi bắt đầu dạy học?
Khó khăn thì nhiều lắm. Cái khó đầu tiên mình gặp phải khi mới bắt đầu giảng dạy là không xác định được đối tượng người học cũng như nội dung mà muốn tập trung giảng dạy.
Mình mất rất nhiều đêm suy nghĩ xem nên dạy Luyện Thi Đại Học hay dạy TOEIC, dạy Giao Tiếp người lớn hay dạy trẻ em.
Sau đó chị đã lựa chọn thế nào?
Mình suy nghĩ rất lâu. Và cuối cùng, mình dành 1 ngày nghỉ ngơi thoải mái nhất, sau đó tự đặt ra cho mình câu hỏi: "Mục đích của mình là gì?".
Câu trả lời của mình là khi dạy học, điều quan trọng nhất mình muốn đem lại cho người học là kiến thức và kỹ năng. Vì vậy mình đã chọn dạy giao tiếp và tiếng Anh tích hợp 4 kỹ năng.
Chị đã trau dồi chuyên môn và kỹ năng về tiếng Anh của mình như thế nào?
Là một thành viên chính thức của VietTESOL cũng như hiệp hội TESOL Quốc tế, mình thường xuyên cập nhật các khóa học, sự kiện phát triển chuyên môn của hai tổ chức này. Có rất nhiều các sự kiện miễn phí hoặc được phát sóng trực tiếp trên Facebook, giáo viên có thể dễ dàng tiếp cận và học theo.
Mình cũng hay tham gia các hội thảo chuyên môn quốc tế tại Việt Nam và khu vực như Hội thảo Quốc tế VietTESOL, Hội thảo Quốc tế CamTESOL… Đây là cơ hội rất tốt để có thể tiếp cận với các chuyên gia hàng đầu thế giới, cũng như lắng nghe các giáo viên khác chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy của bản thân để nâng cao kỹ năng của mình.
Một mẹo nhỏ nữa là giáo viên có thể theo dõi các trang web, facebook của các nhà xuất bản lớn như Oxford, Cambridge, National Geographic Learning…. vì họ thường xuyên có những sự kiện chuyên môn hữu ích cho giáo viên Tiếng Anh.
Trong quá trình giảng dạy, có kỷ niệm nào chị ấn tượng nhất?
Mình có khá nhiều kỷ niệm với học viên, nhưng kỷ niệm đến tận bây giờ mình vẫn nhớ, đó là có một bạn sinh viên đã hỏi mình tại sao nhìn vào một từ tiếng Anh lại không thể đọc được như tiếng Việt. Và mình đã không thể trả lời được câu hỏi ấy ngay lúc đó.
‘Sự thiếu sót về kiến thức’ này chính là động lực thúc đẩy mình phải có chuyên môn sâu hơn về tiếng Anh, cũng như kiến thức về giảng dạy tiếng Anh. Đây cũng là những bước đệm đầu tiên cho ước mơ dành dụm tiền để sang Anh du học thạc sĩ ngành TESOL (giảng dạy tiếng Anh).
Thật vậy, giáo viên không phải là thiên tài, sẽ có những câu hỏi của học viên và chúng tôi không thể trả lời được. Thế nhưng một giáo viên bình thường sẽ dần quên, còn một giáo viên tốt sẽ luôn đau đáu để tìm bằng được câu trả lời cho học sinh của mình.
Để dạy tiếng Anh hiệu quả, chị đã sử dụng phương pháp nào?
Mình là một giáo viên Tiếng Anh quan tâm đến công nghệ và có mong muốn áp dụng các phương pháp giảng dạy hiện đại, phù hợp với xu thế của thế giới vào lớp học của mình. Sau rất nhiều lần thử nghiệm thì có một phương pháp đặc biệt nhận được nhiều sự ủng hộ của các bạn học viên, đó là phương pháp học Tiếng Anh qua các câu chuyện song ngữ.
Mình thay đổi cách trình bày của những câu chuyện này khác với kiểu truyền thống, lựa chọn những nội dung mang tính truyền cảm hứng, truyền động lực. Mình rất bất ngờ khi nhận được hàng nghìn lượt like trên facebook, và rất nhiều người đã nhận xét những nội dung này là ‘dễ hiểu, dễ học, dễ nhớ’.
Chị có lời khuyên nào dành cho những người bạn đang học tiếng Anh?
Đối với những ai đang theo đuổi ngôn ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng, tôi chỉ có một lời khuyên: "Hãy cố gắng thêm một chút nữa thôi". Ngữ pháp hay từ vựng có thể là rào cản khi mới bắt đầu. Nhưng chỉ cần các bạn kiên trì đầu tư tâm huyết, các bạn sẽ dần tiến bộ từng ngày. Rồi sau 2 tháng, 3 tháng hay 1 năm sau khi nhìn lại, bạn sẽ thấy bất ngờ vì sự tiến bộ của mình so với thời điểm xuất phát. Chỉ cần bạn không bỏ cuộc, dù học bằng cách này hay cách khác, nhất định bạn sẽ đạt được kết quả xứng đáng.
Cô Trâm tại lễ trao bằng Thạc sĩ giảng dạy tiếng Anh
Đối với những bạn học đuối tiếng Anh, hổng nhiều kỹ năng, chị có thể chia sẻ cách thức để cải thiện các kỹ năng hiệu quả hơn không?
Theo mình cốt lõi của việc học tiếng Anh là người học cần phải tiếp xúc thật nhiều với ngôn ngữ, hay nói cách khác là có thật nhiều ngữ liệu đầu vào (input). Thông qua việc đọc và nghe các nội dung bằng tiếng Anh có ý nghĩa và phù hợp với trình độ, người học có thể dần dần cải thiện về từ vựng, ngữ pháp, phát âm. Từ đó tạo nền tảng cho việc phát triển 4 kỹ năng nghe nói đọc viết.
Đa số các bạn tự học thường nản rất nhanh do chưa chọn được những tài liệu nghe đọc quá khó so với trình độ hiện tại của mình, hoặc chỉ tập trung học ngữ pháp từ vựng riêng lẻ mà không thông qua các bài nghe đọc. Chính vì vậy, tìm được những nguồn học liệu thuộc các chủ đề mình yêu thích và phù hợp với trình độ cá nhân là bí kíp để chinh phục tiếng Anh đường dài.
Chị có thể gợi ý một vài website hoặc ứng dụng nào có thể tham khảo được khi học tiếng Anh?
Trên mạng có rất nhiều website hoặc các nguồn học liệu mở miễn phí cho người học. Tuy nhiên việc có quá nhiều sự lựa chọn cũng khiến các bạn khó khăn vì không biết đâu mới là tài liệu phù hợp với mình.
Như bản thân mình cũng đã xây dựng riêng chuỗi bài giảng miễn phí ‘30 ngày giúp bạn lấy lại nền tảng và định hướng học tập tiếng Anh’. Trong chuỗi bài này, mình đã hướng dẫn từng bước để người học có thể xác định được trình độ của bản thân, sau đó tự lựa chọn được nguồn học liệu phù hợp cho mình trong nguồn các video mình đã cung cấp sẵn.
Một số website hữu ích các bạn có thể tham khảo:
Test level: https://www.efset.org/ef-set-50/
Các nguồn học liệu của British Council: https://learnenglish.britishcouncil.org
Nguồn luyện đọc tin tức theo level: https://breakingnewsenglish.com
Thư viện nghe theo level: https://www.elllo.org
Theo Ms Trâm, thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp thu những kiến thức mới giúp giáo viên không ngừng tiến bộ
Làm giáo viên tiếng Anh nói riêng, giáo viên nói chung, theo chị điều gì thú vị nhất?
Chắc chắn với mình thì điều thú vị nhất khi mình làm nghề là có cơ hội gặp gỡ với rất nhiều người.
Công việc giảng dạy tiếng Anh trực tuyến kết nối mình với các anh chị ở mọi miền tổ quốc, nhiều quốc gia trên thế giới, từ bác sĩ, kĩ sư cho đến ca sĩ, người mẫu, KOL… Mỗi người lại chia sẻ những câu chuyện của riêng họ , giúp mình được mở mang rất nhiều kiến thức xã hội. Chính điều này cũng khiến cho các bài giảng của mình thêm sinh động và cuốn hút hơn rất nhiều.
Mình vẫn nhớ có một học viên là nghiên cứu sinh chương trình tiến sĩ, hiện tại ở Đắk Lắk. Hôm ra thăm Hà Nội, anh đã mang rất nhiều đặc sản chỗ anh ra tặng cho mình. Đấy cũng là điều mình thích khi làm giáo viên, đó là lúc nào cũng được tặng rất nhiều đặc sản (cười)
Vậy theo chị, giáo viên cần làm gì để khiến bản thân mình hoàn thiện hơn?
Theo tôi, sự đam mê và tư duy không ngừng học tập là bí quyết giữ lửa cho nghề giáo. Đam mê giúp giáo viên duy trì được tình yêu với ngôn ngữ, sự nhiệt tình và chân thành với người học. Thái độ cởi mở, sẵn sàng tiếp thu và học tập những kiến thức mới sẽ giúp người giáo viên không ngừng tiến bộ. Giáo viên cũng nên cập nhật các xu thế giảng dạy mới của thế giới. Kiến thức là vô hạn, việc trau dồi kiến thức là một quá trình không ngừng nghỉ của cả cô và trò.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!