Không thuộc 'vành đai lửa', Việt Nam vẫn chịu ảnh hưởng gì từ động đất Myanmar?

Cách tâm chấn động đất ở Myanmar hơn 1.000 km, nhưng một số nơi ở HN, TP HCM vẫn cảm nhận rung lắc rõ rệt. Việt Nam dù không nằm trên 'vành đai lửa' nhưng vẫn được đánh giá có nguy cơ động đất khá cao.

31/03/2025 20:05

google_Tiin.vn

Nguyên nhân cảm nhận rung chấn tại Việt Nam

Vào lúc 13h20 ngày 28/3/2025 (giờ Việt Nam), một trận động đất mạnh 7,7 độ Richter đã xảy ra tại miền trung Myanmar, với độ sâu chấn tiêu khoảng 10 km. Đây được coi là trận động đất có sức tàn phá lớn nhất tại Myanmar trong hơn 100 năm qua.

Theo báo cáo từ chính quyền Myanmar, trận động đất đã khiến ít nhất 1.700 người thiệt mạng, 3.400 người bị thương và 300 người mất tích. Nhiều khu vực dân cư và công trình tôn giáo ở thành phố Mandalay đã bị tàn phá nặng nề. Chính phủ Myanmar đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 6 vùng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ nhân đạo.

Toà nhà Etown Central (11 Đoàn Văn Bơ, P13, Q4) khi nghe thông báo sơ tán khẩn cấp vì động đất trưa 28/3.

Mặc dù tâm chấn nằm cách Việt Nam hơn 1.000 km, nhưng người dân tại Hà Nội, TP HCM và một số địa phương khác vẫn cảm nhận được rung lắc rõ rệt. Nhiều người làm việc trong các tòa nhà cao tầng đã phải sơ tán khẩn cấp khi cảm nhận sự rung chuyển.

Tại TP HCM, một số cư dân cho biết đã phát hiện các vết nứt trên tường sau khi xảy ra rung chấn. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng cần có đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân chính xác của các vết nứt này

Trao đổi với Tri thức và Cuộc sống, TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu, giải thích rằng mặc dù khoảng cách từ tâm chấn đến Việt Nam xa, nhưng do cường độ mạnh và độ sâu chấn tiêu nông của trận động đất, sóng địa chấn có thể lan truyền xa và ảnh hưởng đến các khu vực lân cận. Đặc biệt, các tòa nhà cao tầng tại Hà Nội và TP HCM có thể cảm nhận rõ hơn do đặc điểm cấu trúc và nền đất.

TS. Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh rằng mức độ ảnh hưởng của động đất phụ thuộc vào cường độ, khoảng cách và đặc điểm nền đất tại khu vực bị ảnh hưởng. Trong trường hợp này, do khoảng cách xa, ảnh hưởng đến Việt Nam là yếu và ít có khả năng gây thiệt hại đáng kể.

Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo người dân cần trang bị kiến thức về ứng phó khi xảy ra động đất, đặc biệt là những người sống và làm việc trong các tòa nhà cao tầng. Việc kiểm tra và đánh giá chất lượng công trình xây dựng cũng rất quan trọng để đảm bảo an toàn.

Dự báo động đất là thách thức lớn

Vào trưa ngày 30/3, một dư chấn mạnh 5,1 độ Richter tiếp tục xảy ra gần thành phố Mandalay, khiến người dân hoảng loạn. Có thể dự báo chính xác không là vấn đề nhiều người dân quan tâm.

TS. Nguyễn Xuân Anh cho biết hiện nay, việc dự báo chính xác thời gian xảy ra động đất vẫn là một thách thức lớn đối với khoa học. Mặc dù có thể xác định được các khu vực có nguy cơ xảy ra động đất, nhưng việc dự báo cụ thể về thời gian và cường độ vẫn chưa khả thi.

Tiến sĩ Lucy Jones, nhà địa chấn học tại Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), cho biết dù đã hiểu nguyên nhân gây ra động đất là do chuyển động đột ngột dọc theo các đứt gãy, nhưng việc dự đoán chính xác thời điểm xảy ra sự kiện này vẫn chưa khả thi. USGS có thể tính toán khả năng xảy ra động đất ở một khu vực cụ thể trong vòng vài năm, nhưng không thể xác định chính xác hơn.

Hiện nay, dự báo động đất chủ yếu tập trung vào dài hạn, nhằm tính toán xác suất xuất hiện một trận động đất có độ lớn nhất định trong một khoảng thời gian. Các nhà khoa học có thể xác định khả năng một trận động đất xảy ra trong tương lai tại các đới đứt gãy, nhưng chưa thể dự báo chính xác thời điểm diễn ra.

Mặc dù chưa thể dự đoán chính xác, nhiều quốc gia đã thiết lập các hệ thống cảnh báo sớm để phát hiện chấn động và truyền thông tin trước khi mặt đất rung chuyển. Chỉ cần cảnh báo trước vài giây cũng có thể tăng khả năng sống sót cho người dân.

Tại Việt Nam, dù không nằm trên 'vành đai lửa' nhưng vẫn được đánh giá có nguy cơ động đất khá cao, với nhiều hệ thống đứt gãy sinh chấn chính phân bố trên lãnh thổ. Do đó, việc nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó của người dân là rất quan trọng.

Cần nghiên cứu về việc động vật có khả năng dự báo trước động đất

TS TS Nguyễn Ngọc Huy, nhà nghiên cứu về biến đổi khí hậu, và thời tiết cực đoan cho hay, trước khi những tòa nhà rung lắc và sụp đổ bởi động đất, người ta ghi nhận thấy rằng các loài động vật có thể nhận thấy các sóng xung kích và sự biến động của địa tầng trước cả con người cảm nhận về động đất. Các biểu hiện được ghi nhận bao gồm:

Chó nhà hoảng loạn, muốn rời khỏi chiếc xích nếu nó đang bị cột, hoặc nó sẽ chạy khỏi nhà với biểu hiện hoảng loạn; Cá ở hồ sẽ bay khỏi mặt nước; Mèo sẽ rời khỏi nơi nó đang nằm ngủ, chạy nhanh ra ngoài đường; Chim có xu hướng phá lồng nếu đang bị nhốt. Hoặc nếu là chim đàn trong phố sẽ bay loạn xạ, không theo tốc độ và đội hình bay bình thường. Chẳng hạn, ảnh ghi lại được đàn bồ câu bay loạn xạ thời điểm trước khi tòa nhà cao tầng ở Bangkok rung lắc và đổ sập trong trận động đất mạnh 7.7 richter mới đây.

Đàn bồ câu bay loạn xạ thời điểm trước khi tòa nhà cao tầng ở Bangkok rung lắc và đổ sập trong trận động đất mạnh 7.7 richter. Nguồn: Nguyễn Ngọc Huy.

'Dù vậy, các nghiên cứu khoa học vẫn chưa đủ cơ sở để khẳng định động vật có khả năng dự báo trước động đất. Có lẽ việc thu thập số liệu chưa đủ thuyết phục, hoặc chưa cơ quan nghiên cứu nào bố trí thí nghiệm hợp lý để chứng minh điều này', TS Huy nhận định.

Theo TS Huy, ngày nay, với hỗ trợ của công nghệ ghi nhận sóng xung kích và rung chấn có thể kết hợp với các camera hiện trường thu thập thông tin 24/7 thì có thể tìm ra mối tương quan này. Rất cần nghiên cứu để ghi nhận khả năng cảm nhận thảm họa của các loài động vật thông qua hành vi bất thường của chúng.

Mute
Current Time 0:00
/
Duration Time 0:00
Loaded: 0%
Progress: 0%
Stream TypeLIVE
Remaining Time -0:00
 

Mời quý độc giả xem video: Sốc: Thảm họa động đất làm xê dịch cả mảng kiến tạo Trái Đất. Video do Báo Tri thức & Cuộc sống thực hiện.

Theo Mai Nguyễn/Tri thức & Cuộc sống
Tin cùng chuyên mục
    Đọc nhiều
    Mới nhất