Chúng ta đã chính thức bước sang thập kỷ mới, và vài ngày gần đây, hẳn bạn đã và đang đọc vô số các bài báo điểm lại thành tựu trên lĩnh vực smartphone nói riêng và ngành công nghệ nói chung trong 10 năm qua. Nhưng bạn có tò mò về tương lai và những tiến bộ công nghệ sẽ xuất hiện sau này? Smartphone liệu sẽ thay đổi ra sao trong 10 năm tới?
Điện thoại màn hình gập trong tương lai
Điện thoại màn hình gập đã thu hút được sự chú ý của công chúng trong năm 2019, với sự xuất hiện của nhiều thiết bị như Samsung Galaxy Fold và Motorola Razr 2019 (Razr vẫn chưa được bán ra thị trường), và chúng sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa khi nhiều hãng khác gia nhập cuộc chơi.
Liệu đến năm 2029, tất cả chúng ta đều sẽ sở hữu những chiếc điện thoại màn hình gập? Còn tùy thuộc vào những gì các công ty điện thoại thực hiện trong vài năm tới. Ở thời điểm hiện tại, điện thoại màn hình gập chủ yếu chỉ là một...chiêu thức khoe mẽ thú vị, không phải một món đồ công nghệ mà mọi người (trừ các fan công nghệ) muốn mua để dùng hàng ngày.
Đó là bởi chúng có mức giá khá cao, và phần mềm cũng chưa được phát triển hoàn chỉnh để tận dụng tối đa form factor mới này.
Nếu trong vài năm tới, các mẫu điện thoại màn hình gập xuất hiện nhiều hơn, với giá rẻ hơn, và quan trọng hơn là chúng chứng tỏ được ưu thế trong một số chức năng nhất định, mọi người có thể sẽ thay đổi suy nghĩ. 10 năm là một quãng thời gian dài, chắc chắn điện thoại màn hình gập sẽ sớm rẻ hơn và hữu dụng hơn. Câu hỏi lúc này là liệu người dùng có sẵn sàng từ bỏ form factor của những chiếc điện thoại 'bình thường' hiện nay - vốn được xem là form factor hoàn thiện nhờ một quá trình dài thử thách và thay đổi?
Liệu 5G và 6G sẽ phổ biến?
5G hiện đang được triển khai ở nhiều quốc gia, dù chúng ta chưa biết sẽ mất bao lâu để công nghệ này được số đông người tiêu dùng đón nhận. Tốc độ của 5G không có ý nghĩa lắm với những người sống tại các khu vực có mạng di động tốc độ cao, nơi 4G đã nhanh hơn so với những gì họ thực sự cần, và cũng chưa có ứng dụng nào thực sự tận dụng triệt để được kết nối tốc độ cao của 5G.
Nhưng trong vài năm tới, các công ty sẽ tung ra nhiều điện thoại 5G hơn, và giảm dần số lượng điện thoại 4G, giống như những gì đã diễn ra với mỗi thế hệ kết nối di động từ trước đến nay. Sẽ đến lúc sở hữu một chiếc điện thoại 5G là điều hết sức bình thường, giống như việc bạn mua điện thoại 4G hiện nay vậy.
Thực ra, không phải người ta cần một chiếc điện thoại với tốc độ kết nối cao, mà chủ yếu bởi hầu hết các thiết bị trên kệ sẽ là điện thoại 5G, còn điện thoại 4G sẽ ít đi, thậm chí là không còn nữa.
Đến cuối thập kỷ 2020, có thể chúng ta sẽ nghe nhắc đến 6G (Tổng thống Donald Trump hiện đã yêu cầu các nhà mạng Mỹ nghiên cứu vấn đề này), nhưng trước tiên, phải xem mọi người hứng thú ra sao với 5G, và liệu chúng ta có thực sự cần kết nối nhanh hơn nữa hay không mới có thể biết được số phận của 6G.
Tương lai của camera trước
Một trong những tính năng tạo sự khác biệt lớn nhất giữa các smartphone ngày nay là camera trước - chiếc điện thoại của bạn có một tai thỏ lớn như iPhone, tai thỏ hình giọt nước như nhiều smartphone Android, màn hình đục lỗ như các điện thoại Samsung, camera trồi sụt như nhiều công ty Trung Quốc đang sử dụng, hay một kiểu gì đó khác?
Có khả năng các điện thoại trong tương lai sẽ chẳng còn những thứ đó nữa - camera trước sẽ ẩn dưới màn hình. Oppo đã trình diễn công nghệ này, và nhiều khả năng các công ty khác cũng đang nghiên cứu nó. Với phương thức này, camera trước sẽ 'biến mất', không còn chiếm dụng không gian màn hình nữa, và cũng chẳng ăn vào không gian bên trong của máy (như các camera trồi sụt).
Bản thân camera thì sao? Đến cuối năm 2019, một vài smartphone đã được trang bị 2 camera trước, một để chụp ảnh, một để cảm nhận chiều sâu, từ đó cho ra hiệu ứng chân dung xóa phông mượt mà hơn.
Trong vài năm tới, đặc biệt là khi sắp bước vào năm 2030, xu hướng này sẽ phổ biến hơn nữa - xét cho cùng, selfie đã luôn là một trong những thể loại ảnh chính mà chúng ta chụp trên điện thoại của mình.
Không còn cổng kết nối nữa
Nhiều điện thoại hiện nay đã bỏ jack headphone 3.5mm, và những thứ đó sẽ chỉ còn là một truyền thuyết lịch sử vào năm 2030 - có lẽ trong năm 2020 này, sẽ chẳng còn bao nhiêu điện thoại sở hữu jack 3.5mm nữa.
Trong bối cảnh ngày càng nhiều người dùng chuyển sang sử dụng headphone không dây thay vì có dây, lượng người dùng điện thoại cần cắm headphone vào smartphone sẽ giảm xuống, và trong 10 năm nữa, với những cải tiến trong công nghệ Bluetooth, sẽ thật ngạc nhiên nếu nhiều người vẫn còn sử dụng headphone có dây.
Còn cổng USB để cắm điện thoại vào máy tính hoặc để sạc thì sao? Trong năm qua, chúng ta đã thấy một vài mẫu máy không có bất kỳ cổng nào: chúng sạc không dây, và dựa vào kết nối Wi-Fi, dữ liệu di động, hay NFC để gửi thông tin và các tập tin đến máy tính.
Nhiều khả năng khi các loại sạc không dây trở nên phổ biến hơn và có tốc độ sạc nhanh hơn, người ta sẽ ít dùng đến sạc dây hơn, khiến cổng USB trở nên thừa thãi - giống như những gì đang diễn ra với headphone không dây vậy. Và đến năm 2030, smartphone không cổng có thể sẽ trở nên rất bình thường.
Nhiều camera sau hơn?
Có thể bạn nghĩ rằng trong tương lai, điện thoại sẽ có thêm nhiều camera - nhiều hơn hẳn so với lúc này, nhưng tương lai đó có vẻ không đúng lắm: smartphone hiện nay đã có quá nhiều loại ống kính khác nhau, nên sẽ sớm đến thời điểm mà dù có thêm nhiều ống kính nữa, bạn cũng chẳng thu được điều gì mới mẻ
Trên thực tế, thay đổi thực sự không nằm ở số camera, mà nằm ở số chấm camera - đến cuối năm 2019, độ phân giải cao nhất của một camera smartphone đã đạt đến 108MP trên chiếc Xiaomi Mi Note 10, nhưng trong năm 2020, một loạt các điện thoại khác cũng sẽ sở hữu camera như vậy. Trong 10 năm tới, con số này sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Cao hơn bao nhiêu? Ít nhất là gấp 5 lần hiện nay. Các nhà khoa học đã ước tính rằng mắt người có độ phân giải tương đường 576MP, nhưng với điều kiện đó là người có thị giác hoàn hảo, và nhìn vào một hình ảnh đặt ngay trước mặt. Nên nếu bạn nhìn vào một chiếc điện thoại cách mắt một sải tay và cũng không có thị giác đặc biệt tốt, thì con số đó sẽ là cao hơn mức bạn cần rồi.
Vậy thì thực ra, chúng ta không cần những chiếc camera với độ phân giải cao đến điên rồ như vậy, và cũng sẽ thật đáng ngạc nhiên nếu các công ty điện thoại quyết tâm đạt đến mức 576MP. Dù sao đi nữa, số chấm camera chắc chắn sẽ là mục tiêu được cải thiện nhiều trong 10 năm tới, chứ không phải số lượng camera sau.
Tham khảo: TechRadar