Hệ thống cảnh báo trước khi có dông, sét với 10 radar bao phủ trên toàn quốc. Ảnh: Chinhphu.vn
Chiều 3/10, Tổng cục Khí tượng thủy văn (Bộ TN&MT) tổ chức kỷ niệm 78 năm ngày truyền thống ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam với chủ đề: 'Khí tượng thủy văn Việt Nam 78 năm liên tục đổi mới, hiện đại hóa công nghệ phục vụ cộng đồng'.
Nhân dịp này, Tổng cục Khí tượng thủy văn đã ra mắt hệ thống cảnh báo sớm dông, sét, mưa lũ. Đây là một trong những hệ thống tích hợp được nhiều loại số liệu từ hệ thống quan trắc và hoàn toàn tự động. Hệ thống được xây dựng nhằm cung cấp sớm thông tin hỗ trợ công tác dự báo, cảnh báo dông, lốc, sét, mưa lớn, phục vụ việc cảnh báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm có tác động tới cộng đồng.
Từ hệ thống này, mọi diễn biến về tình hình thời tiết trên cả nước đều được theo dõi, giám sát liên tục thông qua các bức ảnh thu nhận được từ các vệ tinh quan trắc Trái đất, ra đa thời tiết trong nước, mạng lưới đo mưa và mạng lưới định vị sét trên toàn quốc.
Dự báo viên hay các cơ quan chức năng có thể nhận biết được các quá trình hình thành, phát triển và di chuyển của các đám mây đối lưu có khả năng gây mưa dông cho các khu vực.
Ngoài ra, hệ thống này cũng theo dõi, kiểm soát chất lượng dữ liệu của tất cả các trạm đo mưa và khí tượng tự động trên toàn mạng lưới. Các dữ liệu quan trắc nhiệt độ và lượng mưa sẽ được so sánh, đánh giá với dữ liệu từ mô hình GSM của Nhật Bản nhằm cung cấp các thông tin đánh giá ban đầu cho các dự báo viên về mức độ tin cậy của những loại dữ liệu phục vụ công tác ra bản tin dự báo, cảnh báo sớm.
Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn Trần Hồng Thái cho biết, đây là lần đầu tiên Việt Nam có hệ thống cảnh báo trước khi có dông, sét với 10 radar bao phủ trên toàn quốc.
'Những thiết bị này giúp chúng ta có thể đưa ra được những thông tin về hình ảnh đám mây, cơn dông. Qua đó, nhìn thấy ổ dông, ổ lốc để đưa vào thông tin cảnh báo', ông Trần Hồng Thái cho biết.
Theo ông Trần Hồng Thái, những thông tin này sẽ được cảnh báo từ 30 phút đến 3 tiếng trước những cơn mưa lớn hay dông, sét, có thể giúp người dân tránh được thiệt hại về người và tài sản. Tổng cục Khí tượng thủy văn cũng đã có bản đồ cảnh báo sét đối với các tỉnh trên cả nước, đặc biệt đối với các tỉnh có nhiều sét như Hà Giang, Quảng Ninh.
Tại lễ kỷ niệm, Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành khẳng định, trong thời gian qua, ngành khí tượng thủy văn đã nỗ lực không ngừng để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; góp phần quan trọng trong công cuộc phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, bảo đảm an toàn cho cuộc sống, tài sản của nhân dân.
Thứ trưởng Lê Công Thành lưu ý, trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, các hình thái thời tiết cực đoan ngày càng diễn biến khó lường, do đó, yêu cầu về phòng chống thiên tai sẽ ngày càng lớn.
Bà Ramla Khalidi - Trưởng Đại diện Thường trú của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam cũng chia sẻ, trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu toàn cầu, ngành Khí tượng thủy văn có vai trò quan trọng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai ở Việt Nam. Dự báo chính xác và truyền thông kịp thời về các hiện tượng cực đoan như bão, lũ giúp Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, các cơ quan chức năng và người dân chuẩn bị, giảm thiểu rủi ro hoặc sơ tán khẩn cấp khỏi các khu vực nguy hiểm để bảo vệ tính mạng và tài sản.
Ngành Khí tượng thủy văn ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội khi cảnh báo sớm về tình trạng thiếu nước ở các hồ chứa, đập thủy lợi do thiếu lượng mưa, góp phần sản xuất điện và điều tiết nước hồ chứa. Ngoài ra, còn cảnh báo kịp thời về hạn hán và xâm nhập mặn cực đoan trong năm El Nino, tạo điều kiện thuận lợi cho các kế hoạch sản xuất và nông nghiệp; hay cảnh báo về các đợt nắng nóng ở đô thị để bảo vệ sức khỏe người dân tốt hơn.
Để tăng cường hợp tác giữa UNDP và ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam, bà Ramla Khalidi đề xuất xây dựng và triển khai khuôn khổ quốc gia về dịch vụ khí hậu đáp ứng yêu cầu của từng ngành. Theo bà, dịch vụ cảnh báo sớm và thông tin chính xác có thể hỗ trợ các lĩnh vực khác nhau tránh thiệt hại và mất mát, đồng thời đưa ra kế hoạch sản xuất hiệu quả hơn. Về vấn đề này, UNDP và Tổng cục Khí tượng thủy văn đã cùng nhau đưa ra một đề xuất và đang chờ Bộ TN&MT phê duyệt.