iPhone 14 tiên phong công nghệ mới
Lần tới, khi nhận thấy mình cần gửi tin nhắn khi đang mắc kẹt ở nơi không có sóng di động, bạn có thể hướng điện thoại lên bầu trời, nơi các vệ tinh ở tầm thấp của Trái đất sẽ giúp gửi tin nhắn khẩn cấp, bất kể bạn cầm trên tay thiết bị gì.
Đó là viễn cảnh mà các nhà quan sát nghĩ tới sau khi Apple tích hợp công nghệ vệ tinh vào mẫu điện thoại mới nhất của hãng.
Năm ngoái, Apple trở thành công ty công nghệ đầu tiên cung cấp khả năng nhắn tin vệ tinh cho các thiết bị của mình, giới thiệu tính năng này với iPhone 14 như một hệ thống gọi trợ giúp trong trường hợp khẩn cấp.
Ý tưởng khá đơn giản: Hướng điện thoại của bạn lên bầu trời, kết nối nó với một vệ tinh bay ngang qua đầu và gửi tin nhắn tới cơ quan khẩn cấp. Bạn thậm chí có thể gửi dữ liệu GPS.
Giờ đây, các công ty khác đã sẵn sàng nhảy vào cuộc chơi, biến việc nhắn tin qua vệ tinh trở thành một xu hướng mới cho thế giới điện thoại.
Avi Greengart, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu Techsponential, cho biết: 'Tôi nghĩ năm 2023 chắc chắn sẽ là năm của kết nối vệ tinh di động. Mọi người đang làm điều đó theo những cách khác nhau'.
Tuy nhiên, điều này cũng không dễ dàng như việc thêm một ứng dụng nhắn tin vệ tinh và một đài vệ tinh bổ sung vào điện thoại. Các hệ thống vệ tinh tầm thấp quay quanh Trái đất phải có chi phí vận hành và bảo trì, giống như hệ thống điện thoại và internet di động.
Apple cho biết họ sẽ cung cấp cho chủ sở hữu iPhone quyền truy cập miễn phí vào các dịch vụ khẩn cấp trong hai năm sau khi mua thiết bị, nhưng không cho biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Các hệ thống nhắn tin vệ tinh khác vẫn chưa ra mắt và dường như có khả năng tính phí người dùng.
Không có nhiều quan điểm chứng minh liệu công nghệ này có thể hữu ích hay không. Đã có những câu chuyện về việc có người được cứu sống nhờ tính năng này.
Câu hỏi đặt ra là liệu mọi người có sẵn sàng trả tiền cho dịch vụ hay không. Và nếu không, nhắn tin vệ tinh sẽ chỉ là một xu hướng nhất thời khác, giống như TV 3D?
Hiện tại, công nghệ vệ tinh trên điện thoại chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp và chỉ có trên điện thoại thông minh đắt tiền như iPhone 14 của Apple, có giá khởi điểm 799 USD.
Nhưng không phải ai cũng sử dụng tính năng này thường xuyên, bởi chẳng mấy ai rơi vào tình trạng nguy hiểm hàng ngày, điều khiến cho công nghệ này thậm chí bị lãng quên.
Do vậy, nó không phải là lý do người tiêu dùng cần tìm khi mua điện thoại. Nó chắc chắn sẽ thu hút những người đi bộ đường dài ở vùng sâu vùng xa, những tay đua trên sa mạc và lái xe tải đường trường, những người thường đi vào các vùng không có mạng di động. Với những người khác, đó không phải là một tính năng đủ quan trọng để vội vã mua.
Tương lai mới
Apple đã hợp tác với GlobalStar, công ty có phạm vi phủ sóng hạn chế ở Mỹ, Châu Âu, Úc và một số khu vực hạn chế ở Nam Mỹ. Apple chỉ kích hoạt tính năng này ở một số quốc gia ở các châu lục đó và chỉ hoạt động dưới dạng tin nhắn văn bản khẩn cấp.
Đầu tháng này, Qualcomm đã tiết lộ một tính năng mới sắp có trong điện thoại Android cho phép người dùng gửi và nhận tin nhắn văn bản qua vệ tinh. Nó sử dụng mạng Iridium và Qualcomm với phạm vi phủ sóng toàn cầu, rộng hơn các dịch vụ của Apple.
Dịch vụ được gọi là Vệ tinh Snapdragon, khởi đầu chỉ dành cho trường hợp khẩn cấp nhưng sạu đó sẽ có thể trao đổi tin nhắn mạng xã hội và thậm chí sử dụng dữ liệu.
Tính năng mới chưa có sẵn và sẽ xuất hiện trên các điện thoại ra mắt vào nửa cuối năm 2023 sử dụng chip cao cấp mới nhất của Qualcomm, mặc dù công ty đang để các nhà sản xuất điện thoại quyết định xem có tích hợp công nghệ này vào hay không.
Các nhà phân tích cho biết mọi công ty đều tham gia cuộc đua vì họ có thể thấy giá trị tiềm năng của việc cung cấp mạng lưới vệ tinh như một dịch vụ.
Apple có thể dễ dàng thêm nó cùng với các dịch vụ đăng ký của mình, chẳng hạn như Apple TV Plus 7 USD mỗi tháng, Apple Music Plus 10 USD mỗi tháng hoặc gói Apple One 17 USD.
Tuy nhiên, ngành công nghiệp điện thoại thường ít có thành tích nổi bật trong việc phổ biến công nghệ mới.
Nhìn chung, các nhà phân tích coi quá trình chuyển đổi sang mạng không dây 5G trong vài năm qua là một sự thất vọng, đặc biệt là do phạm vi phủ sóng không đồng đều và tốc độ đôi khi chậm như dịch vụ 4G LTE mà chúng ta đã có trong nhiều năm.
Việc nhắn tin qua vệ tinh có thể còn phức tạp hơn so với 5G, đặc biệt là vì nó phụ thuộc vào sự sẵn có của các vệ tinh và mức độ chưa được kiểm chứng của việc có nhiều người cùng tham gia.
Chúng ta đã đi một chặng đường dài để không cần phải mua những chiếc điện thoại vệ tinh to lớn, cồng kềnh nếu muốn mạo hiểm vượt ra ngoài phạm vi của mạng di động một cách an toàn.
Chẳng bao lâu nữa, nhiều điện thoại thông minh sẽ có thể gọi trợ giúp, cho dù bạn rẽ nhầm vào vùng hoang dã hay bị thú rừng tấn công trên một hòn đảo xa xôi mà lẽ ra bạn nên tránh xa.