Giới trẻ trải nghiệm công nghệ thông tin tại Ngày hội công nghệ diễn ra tại TPHCM. Ảnh: TL.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cơ hội ở lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) mở ra rất nhiều, nhưng Việt Nam vẫn trong “cơn khát” nhân lực để đảm đương được công việc liên quan tới AI.
Cơ hội mở ra
Thực tế cho thấy, ChatGPT có khả năng trao đổi, tương tác và phân tích vấn đề, người học có thể tận dụng để học hỏi thêm kiến thức. Thay vì phải tự học thì nay học sinh, sinh viên đã có thêm một công cụ giúp cung cấp thông tin. Sau hơn 2 tháng trải nghiệm ChatGPT, Ngọc Hà - sinh viên năm 2 của ĐH Bách khoa Hà Nội chia sẻ: Những công cụ của AI như ChatGPT nên được xem là cơ hội cho cả giảng viên và sinh viên. Chỉ những người không chịu nỗ lực thay đổi, thích ứng và không áp dụng đúng cách, tư duy đúng kiểu thì mới phải lo sợ trước AI.
TS Lê Phạm Tuyên - Trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, Công ty AgileSoDA nhận định, với các bạn sinh viên đang học ngành công nghệ thông tin đừng nên hoang mang hay sợ sẽ bị hạn chế cơ hội việc làm. Thay vào đó cần cố gắng học lập trình tốt để tạo ra hoặc cải tiến sản phẩm có nhiều ứng dụng hơn cho đời sống.
Chia sẻ tại ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam năm 2022 diễn ra tại Hà Nội, ông Phạm Quang Vinh - Giám đốc Giải pháp doanh nghiệp, Trung tâm Không gian mạng Viettel cho biết, Trung tâm đã nghiên cứu ứng dụng AI cho đa dạng ngành nghề tại Việt Nam. Thời gian qua, Viettel cũng mang những giải pháp tới doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng.
Ông Vinh dẫn báo cáo gần nhất của Accenture (công bố tháng 6/2022) cho thấy, hơn 60% công ty hoạt động trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng đang thử nghiệm AI. Doanh nghiệp thuộc các ngành nghề khác cũng đều tìm đến AI với tính chất thăm dò, thử nghiệm. Đặc biệt, các công ty này đã có mức doanh thu cao hơn 50% so với các đối thủ cạnh tranh nhờ ứng dụng AI. Tại Việt Nam, AI được đưa vào ngân hàng với vai trò thử nghiệm và thăm dò, hỗ trợ xử lý các dữ liệu lớn. AI giúp hạn chế rủi ro về số liệu, hồ sơ, và chưa thay thế được các bước quản trị rủi ro trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Từ thực tế cung cấp giải pháp cho doanh nghiệp, ông Vinh cho rằng, hiện nay, nhiều doanh nghiệp chưa hiểu nguy cơ bị tụt hậu nếu không tiếp cận AI.
Nhà tuyển dụng chia sẻ về xu hướng thị trường ngành công nghệ, AI. Ảnh: TL
Lương cao, nhưng thiếu trầm trọng nhân lực
Theo TS Đinh Ngọc Minh - Chủ nhiệm cấp cao Chương trình thạc sĩ AI, Đại học (ĐH) RMIT Việt Nam: Số lượng nhân lực AI tại nước ta hiện nay chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu tuyển dụng. Các lĩnh vực đang thiếu nhân lực về AI tập trung ở nhóm ngành tự động hóa, sản xuất, nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, xây dựng và bất động sản...
Nhân lực đang làm việc trong lĩnh vực AI tại Việt Nam đã ít, lượng sinh viên đăng ký đào tạo AI và khoa học dữ liệu cũng thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin dẫn đến việc thiếu hụt nguồn nhân lực AI ở Việt Nam. Nguyên nhân là phần lớn phụ huynh, học sinh vẫn chưa hiểu rõ về tiềm năng và cơ hội của lĩnh vực AI nên không lựa chọn. Mặt khác, để có thể theo đuổi lĩnh vực này, đòi hỏi người học cần có nền tảng cứng về toán, khoa học, kỹ thuật, máy tính lập trình, thống kê... Tiếp theo đó là trình độ tiếng Anh và các kỹ năng mềm, như: Tư duy phân tích phản biện, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm... mà những điều đó thì không nhiều người có thể đáp ứng được.
Nhiều chuyên gia cho rằng, Việt Nam đang có 2 lực lượng tiềm năng chính giúp thúc đẩy sự phát triển của công nghệ trí tuệ nhân tạo AI, đó là các nhà khoa học hiện tại và thế hệ trẻ tương lai. Tuy nhiên, dù có với mức lương ưu đãi cao, nguồn nhân lực trong ngành đến nay vẫn còn khá hiếm hoi và nhỏ giọt.
Bà Nguyễn Thị Thu Giang, hiện đang nắm giữ chức vụ Associate Director tại Navigos Search North, có 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực tuyển dụng nhân sự, nhân tài tại Việt Nam chia sẻ, thông thường các kỹ sư AI sẽ nhận được mức lương từ 4.000 - 5.000 USD/tháng. Tuy nhiên, nhân lực ngành này vẫn còn thiếu tương đối nhiều.
PGS.TS Tạ Hải Tùng - Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và truyền thông - ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm 2019 là năm đầu tiên trường tuyển sinh 2 ngành đào tạo liên quan đến AI với điểm số đầu vào là 27 thuộc nhóm cao nhất trường. Ông Tùng cũng cho hay một công ty của Nhật Bản khi ấy tuyển 12 sinh viên chương trình kỹ sư công nghệ thông tin Việt - Nhật sang làm việc với mức lương 6.000 USD/tháng (tương đương hơn 130 triệu đồng/tháng).
Đào tạo để theo kịp nhu cầu thị trường
AI hiện đang là xu hướng công nghệ hàng đầu với nhiều ứng dụng rộng rãi ở mọi lĩnh mực đời sống. Một số ứng dụng nổi bật như Trợ lí ảo (như Siri, Google Assistant, Alexa), xe tự lái, hệ thống nhận diện khuôn mặt... Với sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc trong nhiều lĩnh vực nên hiện tại đây là một ngành học đầy triển vọng, mang đến cơ hội nghề nghiệp cao. Hiện top các trường ĐH có đào tạo chuyên ngành AI tại Việt Nam gồm: Trường ĐH Bách Khoa TPHCM, ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, Trường ĐH Công nghệ thông tin - ĐH Quốc gia TPHCM, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH FPT…
GS.TS Nguyễn Thanh Thủy - một trong những nhà khoa học đầu tiên nghiên cứu và giảng dạy về AI của Việt Nam, nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho biết: Nước ta đã giảng dạy, nghiên cứu AI từ những năm 70 của thế kỷ XX. Nhưng AI chỉ được nhắc tới nhiều trong khoảng 5 - 10 năm trở lại đây. Theo báo cáo đánh giá ngày 21/12/2020 của một nhóm nghiên cứu ở MIT của Mỹ, Việt Nam hiện đứng thứ 27 trong nhóm 50 quốc gia dẫn đầu về công bố AI. Rất tự hào trong làn sóng đó có đóng góp của nhiều người Việt trẻ, được đào tạo bài bản, hiện đang làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam là quốc gia phát triển AI hàng đầu ở khu vực, tuy nhiên cơ sở hạ tầng còn nhiều hạn chế, dẫn đến khó khăn trong thu hút nhân tài. Việc đào tạo nhân lực trong lĩnh vực AI vẫn còn chưa bắt kịp. Những năm vừa qua, các trường ĐH tại Việt Nam đào tạo nhiều chuyên ngành khác nhau, nhưng số lượng sinh viên đăng ký vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu lại thấp nhất trong ngành khoa học công nghệ thông tin.
PGS.TS Huỳnh Thị Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông - ĐH Bách khoa Hà Nội cũng có nhiều trăn trở về thực trạng đào tạo ngành khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam hiện nay. Theo bà Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đồng ý chính thức mở mã đăng ký ngành cho khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, có hiệu lực từ ngày 22/7/2022. Điều này phần nào khẳng định sự hợp tác cùng thúc đẩy ngành học này của các nhà quản lý. Tuy nhiên, bà Bình cũng cho rằng ngành học này chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.
Vậy cần giải pháp trước mắt nào? Tại Tech Talks 2022, bà Đỗ Thị Ngọc Liên - Phó Giám đốc Navigos Search đã chia sẻ, vì không có nhiều trường cung cấp một chương trình đào tạo hoàn chỉnh cho AI nên sinh viên theo đuổi ngành này cần chủ động học thêm các khóa bên ngoài và trau dồi kỹ năng mềm, khả năng ngoại ngữ. Các doanh nghiệp cũng nên bắt tay với các cơ sở đào tạo để thiết lập riêng chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của mình.
(Còn nữa)