Tình yêu thời công nghệ ngọt ngào gây nghiện như trà sữa nhưng rồi lại nhanh tan, nhanh tàn như khoảng thời gian mà người ta làm xong chiếc bánh hamburger. Có lẽ vì nói lời chia tay với nhau dễ quá nên lúc yêu, các cặp đôi cũng chẳng biết trân trọng nhau, ý thức được việc xây dựng mối quan hệ mình đang có.
Trong số đầu tiên show Chuyện Râu Ria với chủ đề ứng xử sau chia tay, anh 'Chánh Văn' Hoàng Anh Tú đã kể 1 câu chuyện về ông bà cụ ngoài 80 tuổi vẫn sống hạnh phúc bên nhau. Trong đó có 1 câu nói của cụ ông khiến không chỉ riêng anh mà rất nhiều người phải suy ngẫm: 'Ở cái thời của chúng tôi, khi đồ nó hỏng thì chúng tôi mang ra sửa, chứ không phải như bây giờ, đồ hỏng thì đi mua đồ mới'.
Nhà báo Hoàng Anh Tú và Mc Quân Anh trong show 'Chuyện râu ria'.
Phải chăng, điều bắt nguồn từ những cuộc ly hôn, chia tay vội vã đều là do 2 người trong cuộc cùng 'lười', không đủ thời gian và tâm trí để sửa chữa những vấn đề trong 1 mối quan hệ. Đơn giản vì họ nghĩ: 'Ok, chúng ta không hợp thì chia tay, chia tay để bắt đầu với người mới, 1 cái thú vị mới'.
Mở đầu trong hàng loạt những dẫn chứng của anh Hoàng Anh Tú và Mc Quân Anh chính là ví dụ điển hình từ chuyện ly hôn của cặp đôi Song - Song xứ Hàn gần đây. Với vốn tình trường dày dặn của nàng, với thứ tình cảm ngỡ như ngôn tình của chàng vậy mà hôn nhân được bao người ngưỡng mộ ấy lại kết thúc ở 1 mốc thời gian quá ngắn ngủi.
2 người họ chia tay chỉ vì lý do ngắn gọn là không hòa hợp. Thế nhưng, liệu cả 2 biết trân trọng mối quan hệ ấy, dành thời gian cho nhau nhiều hơn, cân chỉnh lại mọi thứ thì kết cục có ra nông nỗi ấy? Thôi thì người ngoài cuộc như chúng ta chẳng bàn luận nhiều vì mọi sự cũng đã rồi. Nhưng có lẽ thành công lớn nhất của họ đến thời điểm này là đối đãi với nhau sau chia tay.
Song Hye Kyo và Song Joong Ki
Chia tay bóc phốt, chia tay đòi quà, nói xấu nhau đã chẳng còn lạ lẫm gì. Xuất phát điểm của hành động này như MC Quân Anh đã nói: 'Đôi khi chia tay dẫn đến sự cay cú, muốn khẳng định cái tôi của mình là người giành chiến thắng. Đôi khi muốn đè nén, dẫm đạp lên đối phương để mình được hả hê'.
Đó là tâm lý chung, không cùng tiếng nói, không khẳng định được bản thân, người ta có xu hướng đổ lỗi cho nhau. Bất kể sự đổ vỡ nào, nó đều không phải lỗi của chúng ta mà là do đối phương hoặc hoàn cảnh gây ra. Nếu so sánh với rất nhiều vụ ly hôn khác, kể cả của người nổi tiếng thì xem như, Song - Song đã giữ trọn cái nghĩa cho nhau rồi.
Là 1 người đàn ông nhưng nhà báo Hoàng Anh Tú lại khẳng định: 'Cái làm anh buồn nhất là đàn ông thời nay, thật sự không được đàn ông cho lắm'.
Để chứng minh cho nhận định này, Quân Anh kể 1 câu chuyện rằng người chị của bạn anh ly hôn, chồng để lại hẳn cho 1 căn nhà nhưng lại mang hết tất cả đồ đạc từ những thứ nhỏ nhất đi. Tuyên bố ban đầu ngỡ tưởng như đàn ông cao thượng thì hành động về sau lại quá nhỏ nhen và ích kỉ.
Sự thật, người đàn ông mà phụ nữ cần không phải đẹp trai hay hào nhoáng mà chính là sự bao dung. Tiếc rằng, điều đó lại đang thiếu ở đàn ông thời nay, đặc biệt là sau chia tay.
Gợi nhớ đến vụ chia tay ồn ào trị giá 17 tỷ của 1 đại gia cách đây không lâu. Không phải vì những khoản tình phí trong yêu đương, vì muốn được hưởng thụ mà phụ nữ chọn đàn ông bao dung là biện pháp an toàn. Mà chính những người sinh ra vốn là 'đàn ông thì phải hơn phụ nữ ở cái... cúi đầu'.
Kết thúc 1 chuyện tình buồn bằng cuộc chiến 17 tỷ.
Đã là chia tay thì bên nào cũng mất mát, bên nào cũng đau khổ vậy thì sao không dùng sự bao dung của mình để hạn chế những đau khổ đó. Nếu người chủ động chia tay là đàn ông, điều đó càng cần thiết. Còn trong trường hợp phụ nữ là người phản bội trước thì ok, chắc chắn là cô ấy chả xứng đáng với mình, vậy tại sao lại lồng lộn cay cú để làm gì? Chỉ làm giảm thêm giá trị của đàn ông và bị người đời ném đá mà thôi!
Giống như việc 1 anh chàng chọn bóc phốt người yêu mình sau chia tay lên cộng đồng mạng, chưa cần biết đúng sai ra sao nhưng chắc chắn người thiệt vẫn là các anh - những đàn ông đang mặc váy đàn bà.
Vẫn biết mỗi người mỗi cảnh, đàn ông cũng trăm cái khổ chẳng kém gì phụ nữ. Nhưng cái khổ ấy nếu giữ trong lòng, người nào chẳng may biết được câu chuyện, các anh được đồng cảm, động viên. Còn 1 khi, chọn cách tung hê lên mạng, các anh đã đưa mọi chuyện lên 1 'tầm cao mới'. Lúc đó không phải là thanh minh hay tự sự nữa mà các anh trở thành kẻ hơn thua phụ nữ - 1 hành động cực kì xấu xí và chẳng ai hoan nghênh.
Thế nên các anh ạ, nếu phụ nữ sau đổ vỡ từ quạ hóa công thì đàn ông đừng biến mình thành 'quý ông mặc váy'.