Sau hơn 4 tháng phát sóng, hành trình Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân (Viettel Media sản xuất) đang dần khép lại.
Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân được Việt hóa từ show truyền hình Hàn Quốc được yêu thích The return of Superman Việt Nam. Trong chương trình, các ông bố là những nghệ sĩ nổi tiếng sẽ đảm nhận việc chăm sóc, dạy dỗ các con 1 mình mà không có sự trợ giúp từ người mẹ.
Tham gia Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân là các ông bố Khắc Việt, JustaTee, Đức Thịnh, Lương Thế Thành cùng các con Dừa - Đu Đủ, Cici - Mino, Cà Phê - Tết và Bảo Bảo.
Cố vấn chuyên môn của chương trình là Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương. Không chỉ với các cặp bố con, với khán giả, mà với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, hành trình đồng hành cùng Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân cũng giúp chị có thêm nhiều trải nghiệm.
Sau hành trình đồng hành cùng Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân, chị thấy chương trình mang lại ý nghĩa gì?
Khi nhận được lời mời làm cố vấn chuyên môn cho chương trình, tôi cảm thấy rất thích thú.
Các chương trình về trẻ em của chúng ta từ trước đến nay thường hay nhấn mạnh vào những nét giỏi giang, hấp dẫn của những đứa trẻ, còn Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân tập trung vào những điều bình thường.
Điều này là rất hợp lý bởi tỷ lệ trẻ giỏi trong số những trẻ bình thường là rất thấp. Và việc chúng ta cứ nhấn vào trẻ giỏi có thể sẽ khiến bệnh thành tích tăng cao, trẻ bình thường đôi khi không được quan tâm.
1 điều quan trọng nữa là những câu chuyện trong Mẹ vắng nhà ba là siêu nhân là những câu chuyện hàng ngày, rất dễ thương, rất gẫn gũi.
Khi xem chương trình, các bố mẹ có thể thấy những vấn đề mà chính bản thân họ đang gặp phải, họ nhận ra hóa ra những người nổi tiếng cũng đang gặp vấn đề giống như mình. Từ đó, chương trình có thể kéo tất cả mọi người gần lại với nhau.
Thêm nữa, chương trình nhấn mạnh vào các ông bố. Khi chương trình nhấn mạnh vào vai trò quan trọng của các ông bố trong việc chăm sóc, dạy dỗ con thì có thể khích lệ được việc các ông bố tích cực tham gia vào quá trình này.
Bên cạnh đó, các ông bố trong chương trình khi mới bắt tay vào việc chăm sóc, dạy dỗ con thì họ thực sự sợ, cảm thấy ngần ngại. Nhưng khi làm họ cảm nhận được tình yêu của mình với con và cảm nhận được những nét đáng yêu cùng tình yêu của con dành cho mình.
Chính vì vậy, mối quan hệ trong gia đình trở nên gắn kết hơn.
Chuyên gia giáo dục - Tiến sĩ Vũ Thu Hương.
Theo chị, việc các bố chăm sóc, dạy dỗ con có những mặt tích cực nào so với các mẹ?
Điều trọng yếu chúng tôi đặt ra trong quá trình phát triển con người là tính cách, đạo đức, kỹ năng rồi mới đến kiến thức.
Các bà mẹ hay bị vướng vào vấn đề chăm con quá đà và nhấn mạnh việc học, các ông bố thì lại quan tâm đến tính cách và kỹ năng của con hơn. Như vậy, các bố quan tâm theo đúng vị trí đó còn các mẹ quan tâm bị ngược.
Có vẻ các bố cũng có tầm nhìn tốt hơn các mẹ, có thể nhìn ra những điều mà có khi mẹ không nhìn thấy.
Trở lại với chương trình, ví dụ với Khắc Việt, tôi thấy bạn ấy khá nghiêm khắc, cương quyết trong việc dạy con, rất muốn xử lý những tình huống ăn vạ của các con. Có thể kỹ năng của Khắc Việt chưa chuẩn nhưng thái độ của bạn ấy rõ ràng là muốn giải quyết vấn đề.
Hay với JustaTee, bạn ấy thấy được giá trị khi cô con gái lớn Cici rất chỉn chu, có thể trợ giúp được bố và JustaTee sẵn sàng nhờ con trợ giúp chứ không phải là muốn con đi chỗ khác chơi để tránh bị làm phiền.
Chị ấn tượng điều gì nhất với các ông bố và những đứa trẻ trong chương trình?
Tôi ấn tượng với ông bố Đức Thịnh ở sự cố gắng. Ban đầu tôi thấy Đức Thịnh tham gia chương trình với suy nghĩ vui chơi là chính, bạn ấy muốn làm mọi thứ hài hước hơn. Nhưng càng về sau tôi càng thấy sự nghiêm túc, sự tìm tòi học hỏi trong từng hành động của Đức Thịnh.
Ông bố Khắc Việt cũng thế. Khắc Việt ban đầu có thể xem chương trình như là cuộc dạo chơi, nhưng càng về sau, đối với bạn ấy mọi thứ trở nên nghiêm túc hơn.
2 con Dừa và Đu Đủ nhà Khắc Việt cũng khiến tôi ấn tượng khi 2 bạn nhỏ có sự trưởng thành rõ rệt.
Về Cici, cô bé dĩ nhiên là rất đáng yêu nhưng em trai của Cici là Mino cũng đáng yêu, có sự tiến bộ.
Nhìn sự tiến bộ của các bé chúng ta càng thấy rằng cha mẹ là số phận của con cái, nếu cha mẹ biết thay đổi thì con cái sẽ thay đổi.
Ở gia đình đạo diễn Đức Thịnh, bé Cà Phê có biểu hiện ít nói, ít chia sẻ với bố. Theo chị, gặp trường hợp thế này thì các ông bố nên làm gì và Đức Thịnh đã làm đúng chưa?
Tôi thấy Đức Thịnh khá lúng túng bởi trước đây bạn ấy chưa bao giờ tham gia vào chuyện trông nom, chăm sóc con. Và đối tượng của Đức Thịnh cũng khó hơn các gia đình khác khi bạn ấy phải chăm sóc, dạy dỗ cả trẻ mầm non là bé Tết lẫn trẻ tuổi teen là bé Cà Phê.
Với tuổi teen rất khó, việc kết nối với các em rất căng thẳng, không phải dễ dàng. Tôi thấy có những điều Đức Thịnh đã làm được và ngược lại có những điều bạn ấy chưa làm được.
Điều này cũng dễ hiểu vì khi người bố chưa có nhiều kiến thức, kỹ năng mà mới chỉ có mong muốn thì gặp khó khăn là chuyện bình thường, cũng như khi chúng ta học thì có sai có đúng, có chỉnh sai thành đúng.
Điều quan trọng nhất là Đức Thịnh phát hiện ra vấn đề rằng Cà Phê ít nói, ít chia sẻ, có 1 số chuệch choạc.
Đây là giá trị lớn mà chương trình mang lại cho gia đình Đức Thịnh, bên cạnh đó cũng là hồi chuông cảnh báo cho tất cả những gia đình có con ở tuổi teen rằng liệu con họ có những vấn đề như thế không hoặc có những vấn đề khác không.
Với JustaTee, ngoài việc động viên, khích lệ Cici thì anh ấy cũng thường hay nghiêm khắc, mắng con gái. JustaTee nên làm gì để hạn chế điều này?
Thường thì các bố mẹ vì ức chế, nóng tính mà đánh mắng các con. Câu chuyện này là bình thường với bất cứ gia đình nào, không chỉ ở Việt Nam. Để không bao giờ đánh mắng con thì chỉ có 2 cách, 1 là không động vào con, 2 là phải có sự kiềm chế, kiên nhẫn.
Với Justatee, bạn ấy cũng đối diện với việc 1 mình chăm sóc con lần đầu nên việc cáu là bình thường.
JustaTee cần nhận thức rõ thực ra Cici có sai không, con có cố tình sai không, con cố tình lặp lại lỗi sai ấy mấy lần, có phải con sai thật không hay bố muốn làm mọi thứ để nhẹ việc cho bố mà trên thực tế đấy không phải trách nhiệm của con.
Khắc Việt cho 2 con Dừa - Đu Đủ ăn thô ở độ tuổi 12-13 tháng khi mà trước đó các bé chưa từng trải nghiệm điều này, như vậy có hợp lý?
Trong giáo dục học có tiêu chí vừa sức, nhưng khi khám phá trẻ chúng tôi không thấy tiêu chí vừa sức mà thấy tiêu chí phù hợp.
Để chúng ta biết được có phù hợp với trẻ không thì chúng ta phải thử và phải thử từ từ.
Việc Khắc Việt thử so với các tiêu chí thì chúng tôi thấy phù hợp. Khi các con được tự xúc ăn, các con sẽ có cảm giác tự hào, cảm thấy dễ ăn hơn là khi được ai đó xúc.
Dĩ nhiên Khắc Việt cần biết các kỹ thuật sơ cứu để ngay lập tức xử lý nếu con hóc và nên bắt đầu cho con ăn với những vật thể mềm thì việc sơ cứu dễ dàng hơn.
Mỗi khi 2 con khóc, ăn vạ, Khắc Việt thường để để 2 con tự nín, cách này có ưu điểm gì?
Chắc chắn để con tự nín là 1 việc làm đúng của Khắc Việt.
Thực ra ăn vạ nghĩa là các con đang muốn hướng sự chú ý của mọi người vào mình. Trong gia đình Khắc Việt điều này càng trầm trọng hơn vì 2 bé sinh đôi nên chúng phải cạnh tranh nhau, giành giật sự quan tâm.
Khi trẻ con ăn vạ, nhân vật trung tâm mà chúng muốn đó chính là người quản lý mình. Nếu xuất hiện người xung quanh thì chúng sẽ không quan tâm hoặc sử dụng người xung quanh gây sức ép vào nhân vật chính.
Chính vì vậy, nhân vật chính phải lờ đi để đưa ra cho các con 1 thông điệp rõ ràng rằng tất cả những chiêu trò của các con không ăn thua.
Tôi thấy Khắc Việt hơi nóng tính, khó kiềm chế. Bạn ấy đã cố gắng kiềm chế nhưng khi không kiềm chế được nữa lại quay ra nói các con, ví dụ như 'Khóc nữa đi, khóc to lên nữa'.
Nếu Khắc Việt đã phớt lờ thì phải phớt lờ hẳn đi nhưng bạn ấy không làm được điều này và biến quá trình ăn vạ của các con dài hơn.
Nếu con ăn vạ thì chúng ta nên quay đi làm việc khác, khi cơn ăn vạ dừng hoàn toàn thì mới nên nói chuyện, chăm sóc con.
Nhưng khi đó chúng ta cũng không nên giáo dục con kiểu 'Đấy, khóc không được gì đâu' mà nên lờ chuyện trẻ ăn vạ đi.
Vì trẻ em có trí nhớ kém, các con chỉ nhớ ngay tại thời điểm đấy thôi, sau đó các con quên luôn. Do đó, khi các con thấy không được hỗ trợ thì các con sẽ ngừng, quên luôn lý do ăn vạ. Nếu chúng ta quay lại giáo dục thì các con sẽ nhớ ra lý do ăn vạ và khóc tiếp.
Các con sẽ dần dần rút kinh nghiệm rằng ăn vạ không được gì cả và chúng sẽ tìm người khác ăn vạ. Nếu cả gia đình không ai phản ứng với cơn ăn vạ của các con thì chúng cũng sẽ không ăn vạ nữa.
Theo chị, chương trình có nên có các mùa sau và nếu có thì cần có sự thay đổi gì?
Chương trình quá hay nên tôi nghĩ nên tiếp tục ở các mùa sau.
Chương trình có thể phát triển tiếp ở 4 gia đình lần này hoặc những gia đình nghệ sĩ khác, đáp ứng sự tò mò của khán giả về cuộc sống của các nghệ sĩ. Hoặc chương trình có thể sẽ khai thác các gia đình trí thức, công nhân, nông dân… để các gia đình tìm ra vấn đề và nhìn nhận mọi thứ tốt hơn.
Thực tế thì ở các gia đình nghệ sĩ có mẫu số chung là kinh tế khá giả, bố mẹ không phải lo lắng vội đi kiếm tiền, các con có điều kiện tốt, có thể đi chơi bất cứ lúc nào. Với các gia đình lao động bình thường như làm công nhân, nông dân thì họ bị ức chế thời gian, khó khăn về kinh tế nên việc dạy con của họ cũng khác và khán giả sẽ đồng cảm nhiều hơn.
Cảm ơn chị về những chia sẻ!