Nói cho cùng, người phụ nữ Malaysia với 40 năm làm nghề này xuất thân từ một ngôi sao hành động, một phiên bản nữ của Thành Long.
Ký ức đầu tiên của rất nhiều người về Dương Tử Quỳnh chính là vào thời đại vàng phim hành động Hong Kong những năm 80, khi bà xuất hiện trong “Câu chuyện cảnh sát 3” của Thành Long. Thủ vai một thành viên Interpol, Dương Tử Quỳnh đã có những màn hành động vô cùng ảo diệu, trong đó phải nói đến cảnh cưỡi chiếc xe gắn máy phi lên nóc một đoàn tàu hỏa đang chạy băng băng. Và điều đáng nói, Dương Tử Quỳnh không hề dùng diễn viên đóng thế! Siêu đạo diễn Quentin Tarantino, một tín đồ phim Hong Kong thứ thiệt, sau này đã phải trầm trồ rằng “Câu chuyện cảnh sát 3” có những cảnh mạo hiểm vĩ đại nhất từng được quay trong điện ảnh, và chẳng nghi ngờ gì rằng ông đang nói tới cảnh phim đã suýt lấy mạng Dương Tử Quỳnh.
Dương Tử Quỳnh được tạp chí Time chọn là Biểu tượng của năm 2022
Không thể đếm xuể những lần Dương Tử Quỳnh khiến chúng ta há hốc mồm vì những lần bà xông pha: cách bà thách một cao thủ võ lâm làm vỡ khay đậu phụ mong manh của mình và đánh cho y liểng xiểng mà không làm xây xát một miếng đậu nào trong “Vịnh Xuân Quyền” năm 1994; cách bà tỉ thí tay đôi với ông vua võ thuật Lý Liên Kiệt giữa thành quách sa mạc trong “Xác ướp” năm 2008; cách bà cùng chàng điệp viên James Bond hào hoa bị còng tay chung và mỗi người chia nhau một tay lái của chiếc xe phân khối lớn phóng vèo vèo qua mọi ngóc ngách của Sài Gòn để chạy trốn sự truy đuổi của kẻ thù.
Đúng, chẳng ai khác, chính Dương Tử Quỳnh là ví dụ hoàn hảo cho cách Hollywood đóng khung hình tượng màn ảnh đối với minh tinh châu Á trong một thời gian dài, rằng cứ da vàng thì chỉ biết đánh đấm mà thôi. Người khác coi đó là một kiểu là phẳng bản dạng người châu Á, nhưng Dương Tử Quỳnh thay vì rời bỏ các nhân vật hành động mà người ta cho là thiếu chiều sâu, bà chứng minh rằng hành động cũng có thể có nội tâm, hành động cũng có thể có chiều sâu của nó.
Ai có thể quên cảnh Du Tú Liên (Dương Tử Quỳnh) chiến đấu với Ngọc Kiều Long (Chương Tử Di) ở một trong những phân cảnh đáng nhớ nhất của “Ngọa hổ tàng long”, một hiện tượng văn hóa của những năm đầu thiên niên kỷ này? Ngọc Kiều Long tuổi trẻ ngạo nghễ, đầy lòng hiếu thắng, sẵn sàng ra tay tàn bạo một cách rất đỗi ngây thơ, như một con báo tuyết mới lớn còn chưa nếm biết sự khốn khổ của cuộc đời.
Du Tú Liên thì khác, quyết liệt mà điềm đạm, đòn giáng không hung hăng nhưng hiểm hóc, võ học của bà là võ học của một người đã hiểu được bản chất thoáng qua của cuộc đời, đã từng hạnh phúc và cũng từng đau thương, đó là thứ võ học chứa trí tuệ về thế giới. Và đến “Everything Everywhere All At Once”, bộ phim với số đề cử Oscar dẫn đầu năm nay, trong đó có đề cử cho vai nữ chính xuất sắc của Dương Tử Quỳnh, bà nhảy cóc qua vô số vũ trụ song song và thi triển những đòn cước không chỉ để chiến đấu cho sự tồn tại của mình theo nghĩa đen, mà hơn thế nữa, bà chiến đấu cho ý nghĩa của việc tồn tại ấy trong một vũ trụ bị hút về phía hư vô, nơi mỗi khoảnh khắc chỉ là bong bóng trong vô vàn khoảnh khắc.
Người ta dễ trút cơn mưa lời khen cho những diễn viên giỏi diễn xuất nội tâm, nhưng điều tương tự không xảy ra với các diễn viên giỏi các pha hành động. Diễn viên hành động luôn chịu định kiến rằng họ không phải diễn viên thực thụ, họ thường bị coi như những người lao động "chân tay", phim hành động thường bị mặc định là để giải trí mua vui thuần túy chứ không phải tác phẩm nghệ thuật chân chính. Và Dương Tử Quỳnh, dù là một ngôi sao gạo cội, nhưng sự mến mộ kính ngưỡng dành cho bà trên ảnh đàn châu Á trước “Everything Everywhere All At once” khó mà sánh được với những Mạn Thần (Trương Mạn Ngọc) hay Củng Hoàng (Củng Lợi).
Sự thật, trong sự nghiệp trải dài của mình, Dương Tử Quỳnh chưa bao giờ ngại các vai diễn làm nền cho hai minh tinh lừng lẫy ấy. Chắt chiu từng phút trên màn ảnh, không vì nhân vật bé mà qua loa, bà đóng nhiều phim xoay quanh ba nhân vật nữ và bao giờ cũng thế, bà sẽ đóng vai người phụ nữ tưởng chừng ít cá tính nhất.
Năm 1997, bà cùng Trương Mạn Ngọc và Ô Quân Mai thủ diễn ba chị em nhà họ Tống. Tống Khánh Linh của Trương Mạn Ngọc từng góc mặt đều sáng bừng như khảm ngọc, khi còn là cô tiểu thư chưa chồng thì tươi tắn rung động lòng người, khi trở thành đệ nhất phu nhân và trải bao can qua thì toát lên nỗi buồn cao quý và bác ái. Tống Mỹ Linh của Ô Quân Mai kiêu kỳ và tham vọng, mỗi cử chỉ đều ra dáng một người đàn bà quen sống trong nhung lụa nhưng vẫn luôn dằn vặt mâu thuẫn không thể hòa giải giữa phu quân Tưởng Giới Thạch và chị gái Tống Khánh Linh.
Dương Tử Quỳnh và một số vai diễn nổi tiếng
Tống Ái Linh của Dương Tử Quỳnh thì mờ nhạt hơn. Đó là một người phụ nữ giản đơn, không đua theo lý tưởng mà chỉ tin vào sức mạnh đồng tiền, và sau rốt cũng là người hạnh phúc nhẹ lòng hơn cả. Hay 10 năm sau, khi trở thành nàng Mameha tử tế, sáng suốt và thực tế trong “Hồi ức của một geisha”, bà cũng ít được nhắc đến so với nàng Hatsumono đố kỵ, ái kỷ bị hủy hoại bởi chính mộng ước tình yêu của mình mà Củng Lợi thủ diễn hay nàng Sayuri trong veo, mỏng manh như muốn tan ra thành mây trời của Chương Tử Di. Kể cả khi nhắc tới “Ngọa hổ tàng long”, người ta vẫn thường ấn tượng hơn một Ngọc Kiều Long hoang dại, đam mê của Tử Di chứ ít ai lại thích một Du Tú Liên khô khan, kín đáo, đã ở tuổi trung niên.
Dù đã từng là một Bond girl với những cảnh quay ướt át dưới vòi tắm cùng Pierce Brosnan đấy, nhưng Dương Tử Quỳnh không phải mẫu tình nhân trên màn bạc. Bà là một chiến binh. Khác hẳn với vẻ đẹp cổ điển của phụ nữ Á Đông, Dương Tử Quỳnh không có nét liễu yếu đào tơ khiến kẻ đối diện muốn dang tay che chở. Với gương mặt vuông, đôi mắt cương nghị (và đôi khi là cả những cú ra đòn sấm sét), Dương Tử Quỳnh luôn là người che chở người khác. Bà là Mameha che chở nàng Sayuri khỏi những chiêu trò xấu xí của Hatsumono.
Bà là Tống Ái Linh luôn che chở hai người em gái sau những biến cố của gia đình và đất nước. Bà là Du Tú Liên rộng lượng thứ tha cho Ngọc Kiều Long dù sự dại dột thiếu suy xét của nàng dẫn đến cái chết của người bà yêu. Bà là Aung San-Suu Kyi, đóa hoa lan thép che chở cho hàng triệu người dân Miến Điện khỏi chính quyền quân đội trong phim tiểu sử “The Lady” của Luc Besson. Trong “Everything Everywhere All At Once”, bà là một người nhập cư muốn làm nên một mái nhà mà bà đinh ninh là tốt đối với chồng và con gái.
Thậm chí khi vào vai người mẹ hổ khinh khỉnh của Crazy Rich Asian, bà sau rốt cũng chỉ là một người phụ nữ muốn bao bọc đứa con trai và gia tộc siêu giàu của mình. Ở Dương Tử Quỳnh có điều gì đó thật vững vàng và đáng tin cậy đến nỗi đôi khi, ta sẵn sàng giao cả tính mạng cho bà bảo vệ.
Khi đứng trên sân khấu nhận giải Quả cầu vàng, Dương Tử Quỳnh nói bà đã phải chiến đấu để hôm nay có thể đứng ở đây. Tất nhiên, trong giới phim ảnh, để trụ vững nhiều thập niên thì ai cũng phải chiến đấu mà thôi, nhưng từ "chiến đấu" đặc biệt đúng trong trường hợp của Dương Tử Quỳnh. Bà chiến đấu như một diễn viên da vàng giữa đám người da trắng, như một đả nữ trong thế giới phim hành động của đàn ông, như một người phụ nữ 60 tuổi trong ngành công nghiệp vốn say mê tuổi trẻ, như một người với nhan sắc bậc trung trong lĩnh vực ngập tràn đại mỹ nhân.
Ở cuộc chiến nào, Dương Tử Quỳnh cũng biến chính bất lợi của mình trở thành lợi thế. Đơn cử, trong khi các giai nhân Hong Kong một thời khuynh đảo màn bạc đã lần lượt giải nghệ, lánh xa làng giải trí từ thời xuân sắc bởi xưa nay quan niệm "mỹ nhân tự cổ như danh tướng, bất hứa nhân gian kiến bạch đầu", thì Dương Tử Quỳnh, có lẽ vì chẳng phải một đại mỹ nhân, nên vẫn miệt mài đóng phim và chẳng sợ cho nhân gian thấy mình bạc tóc.
Đối thủ lớn nhất trong hạng mục nữ chính xuất sắc tại Oscar năm nay của Dương Tử Quỳnh sẽ là minh tinh Cate Blanchett, người cũng đã ở tuổi 53. Trong một bài trò chuyện đôi của hai ngôi sao trên tạp chí Variety, Blanchett hỏi Dương Tử Quỳnh rằng bà đã bắt đầu xử lý vai diễn Evelyn trong “Everything Everywhere All At Once” thế nào sau khi nhận được kịch bản phim. Bà đáp, ngoài kia có rất nhiều người có vẻ cũng thật nhỏ bé và câm lặng như nhân vật ấy, một người phụ nữ cắm đầu vào tiệm giặt là để mưu sinh, yêu chồng con bằng cách nghĩ rằng chỉ cần cho họ no đủ thế đã là hạnh phúc, và Dương Tử Quỳnh muốn dành cho nhân vật câm tiếng ấy một tiếng nói thật to, thật rõ ràng, muốn "đưa một người phụ nữ tầm thường trở nên phi thường".
Dường như bà đã không chỉ làm như vậy với Evelyn, mà còn với tất cả những vai diễn trong đời mình, dù là nữ anh hùng dân tộc hay cô con gái một người bán đậu phụ, dù vai lớn hay vai nhỏ không nhiều đất diễn cùng lời thoại. Nếu ví mỗi tác phẩm trong hàng chục tác phẩm bà từng đóng là một vũ trụ song song và mỗi vai diễn là một hóa thân của bà, thì cũng như Evelyn, dù ở vũ trụ nào, hóa thân nào, bà cũng có thể sống hết lòng vì nó, bởi như lời thoại mà có lẽ, một mai sẽ thành kinh điển của bà trong “Everything Everywhere All At Once”: "Luôn có điều gì đó để yêu. Ngay cả trong một vũ trụ cực kỳ ngu ngốc nơi chúng ta có những ngón tay xúc xích, chúng ta sẽ rất khéo léo với những ngón chân của mình".