NSND Hồng Vân nghẹn ngào kể về nhân vật giúp sân khấu kịch miền Nam thoát khỏi cái bóng của cải lương
Tại chương trình Ký ức vui vẻ phát sóng 5/1, các nghệ sĩ đã dành thời gian tưởng nhớ về nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, người có ảnh hưởng lớn tới sân khấu kịch hai miền Nam Bắc.
Lưu Quang Vũ và Xuân Quỳnh
Sau khi nhìn lại hình ảnh của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ, NSND Hồng Vân chia sẻ:
'Dòng kịch của anh Lưu Quang Vũ cùng các đoàn kịch Hà Nội thời điểm năm 1986 phả vào mặt bằng sân khấu ở miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn một trào lưu khác hẳn bên sân khấu cải lương.
Thời điểm đó, sân khấu cải lương vô địch, kịch nói chỉ có mấy đoàn nhỏ nhỏ thôi. Khán giả cũng ưa chuộng cải lương hơn. Nhờ có kịch của anh Lưu Quang Vũ mà sân khấu kịch có những vở diễn hay, phát triển dần dần.
Những anh chị nghệ sĩ ngoài Bắc như chị Minh Trang, chị Hoàng Cúc, anh Đoàn Dũng là một cái gì đó tôi không thể với tới được. Nhưng dòng kịch của anh Lưu Quang Vũ đã nói ra tất cả những điều mọi người muốn nói nhưng chưa dám nói, nên khi tôi đóng hiệu ứng nó kinh khủng lắm.
Cải lương thì khán giả tới để thưởng thức, để nghe, còn kịch của anh Lưu Quang Vũ thì tới để đồng cảm, để được gãi đúng chỗ ngứa.
Nhờ hiệu ứng tâm lý đó mà sân khấu kịch Sài Gòn nhen nhóm phát triển lên. Từ nhóm 5B ban đầu chỉ là một nhóm dư luận quần chúng, sau đó mới khuếch trương ra rồi tỏa ra các sân khấu kịch khác như sân khấu kịch Sài Gòn, sân khấu kịch Phú Nhuận, sân khấu kịch Idecaf.
Từ đó, sân khấu kịch tại Sài Gòn mới bùng lên, phát triển thành các sân khấu xã hội hóa, được khán giả quan tâm đông đảo. Kịch nói đã vươn lên, không bị lép vế bởi cải lương nữa.
Anh Lưu Quang Vũ là tác giả đã thổi hồn, truyền ngọn lửa vào sân khấu kịch Sài Gòn, khiến nghệ sĩ miền Nam chúng tôi phải làm sao để diễn được hay như các anh chị ở ngoài đoàn Hà Nội khi ấy.
Tôi phải cảm ơn anh Lưu Quang Vũ và các anh chị nghệ sĩ ngoài Bắc ở nhà hát Tuổi trẻ, đoàn kịch Hà Nội. Nhờ có các anh chị thì sân khấu xã hội hóa trong Sài Gòn mới có động lực phát triển mạnh mẽ như bây giờ'.
Ốc Thanh Vân và NSND Hồng Vân đau xót khi sân khấu kịch miền Nam đi xuống: 'Đó là điều lãng phí và rất đau xót'
Nghe NSND Hồng Vân nói vậy, Ốc Thanh Vân xúc động chia sẻ thêm: 'Nghe chị Hồng Vân nói về sân khấu kịch miền Nam thời kỳ đầu, tôi thấy anh chị đã nỗ lực rất nhiều để kịch nói có sự khởi phát và đời sống rực rỡ, huy hoàng.
Tôi may mắn là người diễn viên được hưởng ánh sáng huy hoàng đó trong một thời gian rất dài của kịch nói.
Sau lứa của tôi, Trịnh Kim Chi thì bây giờ vẫn còn những sinh viên, học viên giỏi, nhưng không còn được tận hưởng ánh sáng hoàng kim của sân khấu. Đây là điều tôi thấy thật may mắn'.
NSND Hồng Vân tiếp lời: 'Ngồi đây có diễn viên trẻ Nguyễn Anh Tú. Tôi thấy bạn diễn rất hay, có duyên, tài năng. Nhưng bạn không được tận hưởng không khí đỉnh cao của sân khấu.
Ở thời điểm của Ốc Thanh Vân, kịch nói phát triển rực rỡ, mang tầm nghệ thuật rất nhiều và ảnh hưởng đến xã hội. Chúng tôi dựng được nhiều vở kịch của những tác giả mang tầm nghệ thuật lớn như anh Lưu Quang Vũ.
Bởi vậy, lứa của Ốc Thanh Vân phải nói là cực kỳ may mắn khi được hưởng trọn không khí rực rỡ nhất của sân khấu kịch miền Nam.
Bây giờ, sân khấu kịch đi xuống và lứa của Anh Tú không còn được tiếp cận với những vai diễn các bạn ước mơ. Đó là điều lãng phí và rất đau xót.
Nhân đây, tôi xin nói với những diễn viên trẻ lớp kế cận là đừng bao giờ bỏ sân khấu'.
Diễn viên Nguyễn Anh Tú bồi hồi tâm sự: 'Sau khi nghe lời chia sẻ của cô Hồng Vân và chị Ốc Thanh Vân, tôi thấy ngưỡng mộ các cô chú vì đã gánh vác sân khấu, giúp sân khấu được phát triển.
Quan điểm của tôi khi vô nghề là muốn được diễn những vai khó, thử thách bản thân. Có một thời gian lúc mới ra trường, tôi được diễn những vai rất hay nhưng sau này không còn nữa, tiếc vô cùng.
Sẵn chương trình này, tôi hi vọng khán giả sẽ hiểu cho chúng tôi. Không phải chúng tôi không muốn diễn mà còn nhiều yếu tố khác nữa. Nhưng tôi vẫn hứa sẽ bảo tồn, lưu giữ sân khấu kịch'.
Diễn viên Anh Tú
NSƯT Chí Trung: 'Bảo Thanh, Thu Quỳnh dù rất nổi tiếng nhưng chỉ cần tôi bảo một cái là phải về đóng kịch'
NSƯT Chí Trung lại tiết lộ: 'Ngoài Bắc, những diễn viên trẻ như như Bảo Thanh, Thu Quỳnh dù rất nổi tiếng với Quỳnh búp bê, Về nhà đi con, nhưng chỉ cần tôi bảo một cái là phải về đóng kịch. Lý do là tôi bảo sẽ dựng kịch của Lưu Quang Vũ.
Với chúng tôi, cứ dựng kịch của Lưu Quang Vũ là kiểu gì cũng thành công vì nó hay sẵn rồi, chất nhân văn nhiều lắm rồi. Tính dự báo trong kịch của Lưu Quang Vũ rất lớn, viết 30 năm rồi giờ vẫn đúng,
Đến tận bây giờ, các diễn viên kịch ngoài Bắc mỗi khi dựng vở của Lưu Quang Vũ đều đi xe máy về mộ của anh và vợ con ở nghĩa trang Văn Điển để chơi quanh cạnh anh Vũ, chị Quỳnh tới hai ba tiếng liền, xúc động lắm'.