Nhiều bộ phim Malaysia giành được những lời khen ngợi và giải thưởng ở nước ngoài đôi khi bị cấm hoặc bị kiểm duyệt gắt gao ở trong nước vì ở quốc gia này, một số chủ đề như: tôn giáo, chủng tộc và tình dục bị coi là cấm.
Cảnh phim Snow in Midsummer
Năm ngoái, chính quyền Malaysia đưa ra tối hậu thư cho đạo diễn Amanda Nell Eu: Họ sẽ gửi bộ phim 'Tiger Stripes' của cô tới Giải Oscar 2024 chỉ khi những cảnh mà họ cho là không phù hợp sẽ bị cắt khi phim trình chiếu cho khán giả trong nước.
Khi đó, 'Tiger Stripes' đang gây sự chú ý của khán giả và các nhà làm phim trên thế giới sau khi giành được giải thưởng lớn tại Tuần lễ phê bình phim Cannes 2023. Phim cần được chiếu rạp ở Malaysia ít nhất 7 ngày để đủ điều kiện tranh giải Oscar. Vì vậy, đạo diễn Eu miễn cưỡng đồng ý, nhưng cô rất không hài lòng về bản phim ra mắt khán giả trong nước.
Theo đạo diễn Eu, phim của cô kể về một cô gái nổi loạn đến kỳ kinh nguyệt và cuộc đấu tranh của cô gái trẻ đó vì quyền tự do thể hiện bản thân. Bản phát hành trong nước bị cắt nhiều cảnh đã phá hủy nội dung của bộ phim. Đạo diễn Eu chia sẻ: 'Sự thú vị, vẻ đẹp của bộ phim đã không còn nữa khi bị cắt cúp quá nhiều'.
Đạo diễn Amanda Nell Eu
Trường hợp của đạo diễn Eu chỉ là một trong những ví dụ của điều nghịch lý ở Malaysia: Ngay cả khi chính phủ Malaysia ca ngợi những bộ phim của nước này giành được sự khen ngợi và giải thưởng ở nước ngoài nhưng một số bộ phim nổi tiếng nhất lại không được chiếu ở rạp trong nước hoặc bị kiểm duyệt gắt gao.
Phim trong nước và nước ngoài chiếu ở Malaysia phải được Hội đồng kiểm duyệt phim xem xét, đôi khi yêu cầu cắt giảm hoặc thay đổi đáng kể, đặc biệt là những cảnh liên quan đến các chủ đề mà họ coi là nhạy cảm như: chủng tộc, tôn giáo và tình dục.
Năm 2024, các quy định của hội đồng quản trị đã mở rộng tầm kiểm soát nội dung: Các bộ phim chiếu tại đại sứ quán, lễ hội và các địa điểm khác trong lãnh thổ Malaysia cũng bị áp những hạn chế tương tự như phim chiếu rạp.
Cả Hội đồng Kiểm duyệt phim lẫn Tập đoàn Phát triển phim - một cơ quan liên bang giám sát ngành công nghiệp điện ảnh Malaysia, đều không trả lời các câu hỏi liên quan đến việc kiểm soát nội dung phim.
Cảnh phim Tiger Stripes
Ở Malaysia, người Mã Lai - chủ yếu là người Hồi giáo, chiếm hơn một nửa dân số cả nước. Ngoài ra, có một lượng lớn người Hoa và người Ấn Độ thiểu số không theo đạo Hồi.
Khoo Gaik Cheng, một chuyên gia về điện ảnh Malaysia, cho rằng việc kiểm duyệt phim ngày càng gắt gao ở Malaysia một phần là do nỗ lực của một số chính trị gia nhằm liên kết Hồi giáo với bản sắc dân tộc Mã Lai.
Mối đe dọa đối với các nhà làm phim ở Malaysia không phải là vu vơ. Đạo diễn và nhà sản xuất của phim 'Mentega Terbang' (bản tiếng Anh có tên là 'Butterfly'), một bộ phim độc lập năm 2021 kể về một cô gái Hồi giáo tò mò về các tôn giáo khác, đã bị buộc tội báng bổ vào năm ngoái và có thể bị phạt tù tới một năm nếu bị kết tội.
Đạo diễn và nhà sản xuất phim 'Mentega Terbang' là Khairi Anwar và Tan Meng Kheng, dự kiến sẽ nhận được phán quyết về cáo buộc báng bổ của họ từ Tòa án Tối cao Malaysia vào tháng Hai này. Bộ phim của họ, được quay trong sáu ngày với kinh phí 1.000 USD, chưa bao giờ được chiếu tại các rạp ở Malaysia. Nhưng sự quan tâm của khán giả và giới chuyên môn dành cho phim ngày càng tăng sau khi phim được chiếu tại các liên hoan phim ở Indonesia và sau đó được tải lên Viu, một nền tảng phát trực tuyến.
Và không chỉ có mối đe dọa từ các nhà hành pháp, khi cáo buộc 'Mentega Terbang' xúc phạm Hồi giáo lan truyền trên mạng xã hội, đạo diễn và nhà sản xuất đã nhận được những lời dọa giết.
Nhà sản xuất Tan chia sẻ: 'Thành thật mà nói, tôi vẫn rất tự hào về bộ phim 'Mentega Terbang'. Tôi cảm thấy nó thực sự mang đậm chất Malaysia.'
Sự kiểm duyệt gắt gao ở Malaysia là lý do tại sao một số nhà làm phim nổi tiếng như Eu thường tìm nguồn tài trợ ở nước ngoài và đến các liên hoan phim quốc tế để trình chiếu, và tại sao khán giả địa phương thường không mong đợi được xem những bộ phim có yếu tố kích thích trên màn ảnh rộng.
Amir Muhammad, một đạo diễn kỳ cựu có bộ phim 'Lelaki Komunis Terakhir' (Người Cộng sản cuối cùng) năm 2006 nằm trong số những bộ phim Malaysia đầu tiên bị cấm ở trong nước, cho biết ông coi việc kiểm duyệt là một 'nguy cơ nghề nghiệp' và một thách thức sáng tạo.
Mặc dù vậy, một số bộ phim đã đạt doanh thu cao và gây chú ý ở Malaysia ngay cả sau khi bị kiểm duyệt gắt gao. 'Tuyết giữa hè' (2023), kể về các cuộc bạo loạn chủng tộc ở Kuala Lumpur vào những năm 1960, đã trở thành một cơn sốt ngay cả sau khi được phát hành với nhiều đoạn cắt. Amir cho biết việc kiểm duyệt khiến một số khán giả càng tò mò muốn xem bộ phim hơn.
Tuy nhiên, các nhà kiểm duyệt không phải lúc nào cũng nặng tay. Amir cho biết, tác phẩm dự thi Giải Oscar 2025 của Malaysia, 'Abang Adik', một bộ phim được giới phê bình đánh giá cao kể về những người không có giấy tờ liên quan đến việc cảnh sát quấy rối và có nhân vật chuyển giới, đã được phát hành nguyên vẹn.
Raihan Halim, đạo diễn của phim 'La Luna' (2023), một bộ phim hài lãng mạn kể về một cửa hàng đồ lót ở một ngôi làng bảo thủ ở Malaysia, cho biết việc cắt giảm phim của anh không ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của nó.
Nhưng chính quyền đã kiểm soát chặt chẽ những phim khác. Các buổi chiếu của phim 'Maryam Pagi Ke Malam' ('Maryam From Morning to Night'), một bộ phim năm 2023 được đánh giá cao tại các liên hoan phim ở nước ngoài, đã bị hủy vì tính nhạy cảm của vấn đề. Phim kể về một phụ nữ Mã Lai muốn kết hôn với một người đàn ông trẻ hơn đến từ Sierra Leone. Đạo diễn của bộ phim đã từ chối mọi cuộc phỏng vấn báo chí.