Năm 2025 là năm đầu tiên thí sinh tốt nghiệp THPT theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT với 2 môn bắt buộc là toán, ngữ văn và 2 môn tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Tổ hợp mới có môn công nghệ, tin học
Những thay đổi của kỳ thi tốt nghiệp THPT dẫn đến nhiều thay đổi trong tuyển sinh ĐH 2025. Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến bổ sung một số tổ hợp mới gồm A0C (toán, vật lý, công nghệ); A0T (toán, vật lý, tin học); B0C (toán, hóa, công nghệ); D0C (toán, tiếng Anh, công nghệ); D0G (toán, tiếng Anh, giáo dục kinh tế và pháp luật). Trường cũng bỏ phương thức xét tuyển chỉ thuần bằng học bạ THPT, thay vào đó là kết hợp học bạ với chứng chỉ quốc tế, giải học sinh giỏi, điểm thi đánh giá năng lực, tư duy.
Trong khi đó, Trường ĐH Y Hà Nội cũng dự kiến sẽ điều chỉnh các tổ hợp xét tuyển. Trường cũng dự kiến mở thêm 2 ngành mới gồm công tác xã hội và kỹ thuật hình ảnh y học. Cùng chung xu hướng mở thêm ngành học mới, Trường ĐH Thương mại mở 7 chương trình mới thuộc nhóm định hướng chuyên sâu nghề nghiệp quốc tế, gồm quản trị thương hiệu (ngành marketing), kiểm toán tích hợp chứng chỉ quốc tế (kiểm toán), kinh tế và quản lý đầu tư (kinh tế), luật kinh doanh (luật kinh tế), thương mại điện tử (thương mại điện tử), quản trị hệ thống thông tin. Năm 2025, trường dự kiến sử dụng đa dạng phương thức tuyển sinh, trong đó ưu tiên học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh vào đại học tại Hà Nội năm 2024
Trong năm 2025, ĐH Kinh tế Quốc dân sẽ tuyển 2 chương trình mới là quan hệ lao động và luật thương mại quốc tế. Trường cho hay sẽ dừng sử dụng một số tổ hợp khi xét tuyển với phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT gồm B00 (toán, hóa, sinh); C03 (toán, văn, lịch sử); C04 (toán, văn, địa); D09 (toán, sử, tiếng Anh); D10 (toán, địa lý, tiếng Anh). Như vậy, với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT, ĐH Kinh tế Quốc dân tuyển theo 4 tổ hợp, gồm: A00 (toán, vật lý, hóa); A01 (toán, vật lý, tiếng Anh); D01 (toán, văn, tiếng Anh); D07 (toán, hóa, tiếng Anh); không có sự chênh lệch điểm xét tuyển giữa các tổ hợp.
Kết hợp xét tuyển chứng chỉ tiếng Anh
Theo đề án tuyển sinh mới công bố, năm nay Trường ĐH Ngoại thương tuyển sinh theo 4 phương thức. Việc xét tuyển bằng học bạ áp dụng cho 3 nhóm thí sinh, gồm: tham gia kỳ thi học sinh giỏi, khoa học kỹ thuật quốc gia; đạt giải ba trở lên kỳ thi học sinh giỏi cấp thành phố; là học sinh trường chuyên. Học sinh có thể sử dụng tổng điểm trung bình trong 6 học kỳ của 3 môn trong tổ hợp; hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Khi xét kết hợp, điểm của chứng chỉ sẽ được quy đổi, thay thế môn tiếng Anh. Điều kiện cụ thể với từng nhóm thí sinh khác nhau, song một số yêu cầu chung là IELTS tối thiểu 6.5 (nếu xét kết hợp), tổng 3 môn thi tốt nghiệp từ 24 trở lên... Phương thức thứ hai là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT 2025. Thí sinh có thể dùng riêng điểm thi, hoặc kết hợp với chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều kiện về điểm IELTS và các chứng chỉ khác tương đương xét học bạ. Phương thức thứ ba là xét bằng chứng chỉ đánh giá năng lực trong nước và quốc tế. Trường dùng kết quả hai kỳ thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội và ĐHQG TP HCM tổ chức. Với chứng chỉ quốc tế, trường vẫn dùng SAT, ACT và A-Level. Phương thức cuối cùng là xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết năm 2025, trường dự kiến tuyển 4.995 sinh viên vào 50 ngành, chương trình đào tạo đại học chính quy thuộc 9 lĩnh vực, trong đó có 5 ngành mới: công nghệ sinh học, vật lý học (vật lý bán dẫn và kỹ thuật), lịch sử, xã hội học, tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Trường tuyển sinh theo 3 phương thức, trong đó phương thức một là xét tuyển dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2025, phương thức hai là xét tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển thí sinh có năng lực, thành tích vượt trội và cuối cùng là xét tuyển dựa trên điểm thi đánh giá năng lực của trường năm 2025.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD-ĐT, cho hay dự kiến giữa tháng 2-2025, quy chế tuyển sinh ĐH sẽ được ban hành. Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ bỏ xét tuyển sớm. Chỉ tiêu cho xét tuyển sớm sẽ nhỏ, dành cho những học sinh có thành tích vượt trội, xuất sắc, có các giải thưởng quan trọng trong nước và quốc tế. Đây là đối tượng vượt trội, là lực lượng tài năng rất đặc biệt mà các trường ĐH cần thu hút. Còn lại đa số thí sinh đều tham gia vào đợt xét tuyển chung theo kế hoạch chung của Bộ GD-ĐT.