Sao Hollywood bị chỉ trích vì quảng cáo sai lệch
Mới đây, một ngôi sao nổi tiếng thế giới đã bị phạt vì quảng cáo tiền số, đó chính là ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian. Cụ thể, hồi tháng 6 năm ngoái, Kim Kardashian đã đăng lên Instagram quảng cáo về tiền số EthereumMax. Từ đó tới nay, đồng tiền số này đã mất 95% giá trị.
Ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian (Ảnh: Reuters)
Kim đã chấp thuận nộp phạt 1,26 triệu USD cho Ủy ban Chứng khoán Mỹ vì bị phát hiện đã nhận tới 250.000 USD để đăng bài đó mà lại giấu giếm công chúng, làm như thể đó là tự cô ấy đầu tư. Kim cũng bị cấm quảng cáo tiền số trong vòng 3 năm.
Đăng nội dung gì trên mạng xã hội là quyền của mỗi người. Tuy nhiên, khi bạn có rất nhiều người theo dõi thì sẽ có những người nhấn vào đường dẫn (link) mà bạn đính kèm, sẽ có người theo bạn đầu tư chỉ vì họ tin tưởng bạn. Mạng xã hội là ảo nhưng tiền của người đầu tư là thật.
Ví dụ về một loại tài sản như tiền số, trong vài tháng qua, thị trường tiền kỹ thuật số trên toàn cầu đã 'bốc hơi' tới 1 nghìn tỷ USD. Nhiều tờ báo nước ngoài đã dùng từ 'sụp đổ' để nói về thị trường tiền số, khiến nhiều người tán gia bại sản. Tuy nhiên, tại Mỹ trước đó đã có rất nhiều ngôi sao nổi tiếng của Hollywood quảng cáo rầm rộ cho tiền số, như thể đó là loại tài sản cứ đầu tư là sẽ có lãi.
Super Bowl là một trong những sự kiện thể thao được hâm mộ nhất nước Mỹ. Trung bình có 112 triệu người Mỹ theo dõi Superbowl qua truyền hình. Vì thế, số tiền mà các nhà tài trợ phải trả để có thể xuất hiện trong vài giây quảng cáo giữa sự kiện cũng là một con số không tưởng, lên tới 7 triệu USD cho 30 giây lên sóng. Tuy nhiên, năm nay, các trang web giao dịch tiền số đã chiếm sóng của Superbowl. Thậm chí, một trang web tiền số còn mạnh tay chi hẳn cho các gương mặt nổi tiếng, trong đó phải kể tới LeBron James. Cầu thủ bóng rổ này xuất hiện trong một quảng cáo và đưa ra lời khuyên rằng muốn giàu thì phải dũng cảm đầu tư. Và cuối quảng cáo hiện lên tên của trang web về tiền số, chỉ vài giây thôi nhưng đủ để hàng trăm triệu người ngồi trước tivi và fan của LeBron James phải chú ý.
Cầu thủ bóng rổ LeBron James (Ảnh: Reuters)
Theo Giáo sư Anindya Ghose tại Trường Kinh doanh Stern, tất cả những trang web tiền số này đều đang cố gắng tạo dấu ấn trước mặt một đám đông khán giả. Họ làm như thế không phải vì tương lai thị trường tiền số mà là vì lợi nhuận của chính họ.
Theo tờ báo New York Times, nam diễn viên đình đám Matt Damon cũng từng quảng cáo rằng, tiền số là một phát minh vĩ đại không kém gì máy bay. Còn Reese Witherspoon, nữ diễn viên từng giành giải Oscar, cũng công khai ủng hộ thị trường tiền số trên trang Twitter cá nhân. Tuy nhiên, không ai biết được bản thân những ngôi sao nổi tiếng này đã bao giờ thực sự đầu tư tiền túi vào các sản phẩm tài chính phức tạp này chưa. Và nếu họ chưa từng, lại cũng không có kiến thức tài chính thì việc họ đưa những thông tin này lên cho hàng triệu người hâm mộ xem có thể dẫn tới những rủi ro.
Quay trở lại câu chuyện Super Bowl, chỉ khoảng 3 tháng sau khi rầm rộ quảng cáo cho tiền số, thị trường tiền số bắt đầu sụp đổ và mất khoảng 1 nghìn tỷ USD giá trị chỉ trong một thời gian ngắn. Khi được trang New York Times phỏng vấn, ông Jeff Schaffer, đạo diễn quảng cáo của chương trình SuperBowl 2022, trả lời qua email rằng: 'Tiếc quá, chúng tôi không có bình luận gì về sự sụp đổ của thị trường tiền số cả. Mặc dù các doanh nghiệp bỏ tiền ra quảng cáo đã giải thích rất nhiều lần nhưng chúng tôi vẫn chẳng hiểu gì về tiền số. Các bạn đừng đầu tư nhé. Còn về phía chúng tôi thì chỉ đơn giản là làm ra mấy quảng cáo vui thôi'.
Luật pháp châu Âu quy định về quảng cáo trực tuyến
Các nước châu Âu đều có một số luật, trong đó có những điều khoản điều chỉnh quảng cáo. Vấn đề chính của quảng cáo trá hình trên mạng xã hội là đa phần những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội lách luật, làm như đó là ý kiến cá nhân. Hôm nay họ đăng vài câu thể hiện tin tưởng vào loại tiền số này, ngày mai họ lại có vài câu kiểu như: may quá, hồi đó có chút tiền nhàn rỗi đổ vào mua mã này mã kia, bây giờ lại hóa hay hoặc đưa lên bức ảnh chụp cùng xe hơi, nhà đẹp, túi xách hàng hiệu, kèm vài câu ngụ ý xa xôi nhưng có liên quan đến một sản phẩm tài chính... Cách nói ngụ ý đó có hiệu quả trên mạng xã hội, khiến nhiều người làm theo mà không biết là đang bị dẫn dụ.
Châu Âu đã có một số biện pháp đối với tình trạng này, tuy nhiên, chưa có biện pháp nào thực sự hiệu quả. Số người vi phạm bị phạt tiền là rất ít. Do trên mạng xã hội có thể nhắn tin riêng, việc kiểm soát các nhóm kín bởi những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội lập ra nhằm dẫn dụ đầu tư là không hề đơn giản.
Người dùng mạng xã hội cần tỉnh táo trước những lời dẫn dụ đầu tư vào sản phẩm tài chính phức tạp như tiền số (Ảnh: Getty Images)
Báo chí châu Âu khi viết về hiện tượng này đều có thông điệp rõ ràng, đó là người dùng mạng xã hội cần phải tỉnh táo, không thể có một sản phẩm tài chính lãi suất cao đột biến mà lại không kèm theo rủi ro mất trắng. Nếu có thực một cách đầu tư chắc ăn như vậy thì những người có ảnh hưởng trên mạng xã hội đã âm thầm đầu tư hưởng lợi, sao còn phải quảng bá rộng rãi.
Phản ứng của các ngôi sao nổi tiếng khi thị trường tiền số bị sập
Theo tờ thời báo New York, phương án mà các ngôi sao quảng cáo cho tiền số lựa chọn khi thị trường sập là im lặng, không bình luận gì. Tuy nhiên, sự im lặng đó đôi khi đã nói lên rất nhiều điều.
Như lời của ông Gary Gensler - Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán Mỹ, những sự vụ này cho thấy, không phải người nổi tiếng nói cái gì cũng đúng, đặc biệt là khi nó liên quan tới các sản phẩm tài chính phức tạp hay các cơ hội đầu tư.
Và chắc chắn những nhà đầu tư trẻ tuổi hoặc chưa nhiều kinh nghiệm cần trang bị cho mình kiến thức khi gia nhập thị trường, thay vì thấy người ta bảo có lãi là lao theo.