Nhân kỷ niệm Ngày của Cha (19/6) và Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tiin.vn tổ chức cuộc thi 'Về nhà thôi' nhằm tôn vinh tình cảm gia đình, là cầu nối giúp những người con nói lên nỗi lòng của mình với cha mẹ hay kể câu chuyện về chính gia đình của mình. Để cùng nhau chúng ta sẽ lan tỏa những yêu thương, ấm áp trong tháng của gia đình.
Độc giả có thể gửi bài dự thi về hòm mail: Duthi@tiin.vn (ghi rõ họ tên, địa chỉ, SĐT liên hệ). Bài dự thi có thể thực hiện dưới hình thức sau: bài viết hoặc thơ (kèm ảnh), bộ ảnh (kèm nội dung câu chuyện) hoặc video, tranh vẽ. Bài dự thi yêu cầu chính chủ, chưa đăng tải ở bất cứ đâu, không sao chép dưới mọi hình thức.
Bài dự thi của tác giả Trần Thị Điều (Vĩnh Phúc).
Sáng 29 Tết, mưa phùn lất phất bay, cái rét ngọt dự báo một năm đón Tết đẹp trời. Đó đây mấy nhà đã làm lễ Tất niên sớm. Phảng phất trong không gian lành lạnh cuối đông, mùi hương trầm linh thiêng mà ấm cúng. Mấy tiếng pháo tép của trẻ con nổ lẹt đẹt ngay đầu ngõ xóm.
Hôm ấy, bố dậy sớm, bắc vội nồi rượu lên bếp lò nấu mẻ cuối năm cho mấy nhà đặt muộn rồi lấy luôn bã cho đàn lợn ăn Tết. Mẹ đã vắng nhà gần nửa tháng mà nay vẫn chưa về. Thằng em là cháu đích tôn vẫn được ở trong trại với ông bà nội. Con Ba, con Tư mấy hôm nay được ngày nghỉ Tết tha hồ chơi chắt chơi chuyền bên hiên. Thấy bố nhóm bếp có chút ánh lửa bập bùng, nó chui ra khỏi chăn, kéo chiếc ghế con ngồi cạnh bố.
- Bố? Sao nhà mình chưa nấu bánh chưng?
- Có chứ. Để đợi mẹ về đã. - Bố nó thì thầm.
- Sao con chưa thấy nhà mình có lá dong, gạo nếp thế?
- Hôm nay mới là 29 mà. Tận ngày kia mới Tết lo gì?
Nó ngồi im giục củi vào bếp cho bố và có chút băn khoăn nhưng nghe bố bình tĩnh nói thế nên lại thôi không dám hỏi thêm nữa.
Sáng ra, nó hỏi bố:
- Hôm nay nhà mình có đi làm gì nữa không hả bố?
- Có sắn luộc con ăn tạm, tranh thủ mà đi hót thêm gánh phân. Hôm nay không ai đi làm nữa chắc nhanh đầy gánh thôi. Mà con đi đằng đường đê đón mẹ luôn. Hôm nay mẹ về đấy.
Nghe thấy đón mẹ từ nhà ông ngoại về, nó quên luôn cả củ sắn luộc cho bữa sáng, quảy quang gánh đi ngay. Lên đê một lát, nó đã được gánh phân đầy. Gần Tết, trâu bò không được ra bãi thả nữa mà các nhà buộc ven đê cho ăn rơm. Những ngày giáp Tết, ngoài đồng thưa vắng bóng người, chỉ vài bà vài chị ra thăm nước cho những ruộng lúa mới cấy. Cánh bãi ven sông Hồng dường như rộng ra vắng vẻ, khác hẳn cảnh nhộn nhịp ngày thường có bà con xã viên và lũ trẻ mục đồng. Mọi hoạt động dường như dồn hết vào các nhà trong làng trong xóm để chuẩn bị đón Tết. Con bé có vẻ khá thích thú với không gian quang đãng bình yên này. Không có bạn mục đồng như mọi ngày, nó tự vẽ ô trên mặt đê, một mình nhảy chơi, có ý ngóng mẹ. Chốc chốc nó lại đánh mắt về hướng tây chờ đợi.
Từ xa, bóng người phụ nữ vóc dáng bé nhỏ đang rảo chân về xuôi. Nhận ra mẹ, con bé chạy vội về phía đầu con đê dẫn vào làng. Trên đôi vai gầy của mẹ là cái đòn càn. Một bên lủng lẳng mấy cái bánh chưng. Bên kia là nấy thỏi thịt và cái tay nải có chút quà.
- Nhiều thế mẹ. Ông ngoại cho nhà mình à mẹ? Ông có bao nhiêu cái bánh chưng mà cho nhà mình nhiều thế ạ? - Nó mừng quá, hỏi dồn dập.
- Cả dì với các bác cho nữa. Mỗi nhà cho một chiếc.
Nó giành phần gánh Tết còn mẹ nó gánh phân. Trên đường về, nó ríu ran đủ chuyện trong những ngày mẹ đi vắng. Hết chuyện nhà mình lại đến chuyện những nhà xung quanh hàng xóm, cả chuyện nó cứ tưởng nhà mình không có bánh chưng ăn Tết. Gần đến cổng, nó cố vượt lên trước mẹ, hỉ hả gọi các em.
- Ba, Tư đâu? Mẹ về. Mẹ về ề ề...!
Chị em nó xúm xít bên nhau mừng mừng tủi tủi. Mẹ nó gánh Tết đi bộ từ quê ngoại về nhà; vượt quãng đường khoảng gần hai chục cây số trong chiều cuối năm rét mướt. Nó nhủ thầm: Chắc mẹ phải đi từ lúc còn tối đất vì biết bố con nó ở nhà đang mong.
Bố nó từ trong bếp trông nồi rượu, ló đầu ra cửa trách:
- Sao ông ngoại cho nhiều thứ thế mà mẹ mấy đứa chả nhắn tôi đi đón.
- Có bao nhiêu đâu mà phải đón. Tôi gổng (gánh) được mà.
Lại nói về mẹ nó, người phụ nữ gánh Tết về quê đã rời nhà cả gần hai tuần trước đó, về quê ngoại để đi cấy thuê, thu hoạch sắn thuê cho bà con, ai nhờ gì làm nấy. Người ta trả cho mẹ nó thóc gạo, hoa màu lấy cái nuôi con lúc giáp hạt. Năm ấy, thương con gái đi làm thuê kiếm gạo nuôi con, tiện thể ông ngoại đã gói bánh và nấu cho luôn. Các dì các bá cho góp mỗi nhà một chiếc bánh, chút thịt vì chả mấy khi mẹ nó về quê vào dịp Tết như thế.
Ảnh minh họa
Mấy đứa em xúm xít bên phản, lần ngón tay đếm từng chiếc chè lam trong túi ni- lông, thì thầm to nhỏ với nhau vẻ thèm thuồng:
- Không biết kẹo này làm bằng gì nhỉ?
- Chắc là bột gạo nếp nên mới dẻo thế?
- Chắc người ta trộn cả mật vào...
- A. Có mùi gừng. - Một đứa cầm gói kẹo đưa lên mũi hít hà và phát hiện ra.
Là chị cả, nó phải giúp mẹ rửa ấm chén, bát đĩa cho ngày Tết được tinh tươm. Vừa làm nó vừa nghe thấy bố mẹ nói chuyện với nhau.
- Thế là tôi làm giúp ông ngoại được hai ngày cùng các dì bọn trẻ, cấy thuê được sáu công còn năm công làm sắn. Người ta giả cho được hơn bốn chục cân thóc và gần năm chục cân sắn miếng (sắn thái lát phơi khô).
- May quá! Thế là có gạo cho con, còn mấy chục cân sắn vợ chồng ăn tạm lúc ngày ba tháng tám. Thôi, mình cố lúc này còn được đúng mùa cấy, mùa dỡ sắn nên có người nhờ cho là tốt, chứ giêng hai nông nhàn ai có việc mà thuê. Tôi thì không bỏ việc trường, việc lớp mà giúp mẹ mấy đứa được. Ngoài giờ, tôi đun mỗi tuần một hai mẻ rượu nuôi thêm đôi lợn vậy. Mỗi người đành cố một tí vì các con. - Giọng bố trầm trầm.
- Tôi vẫn gửi tất cả thóc và sắn trên nhà ông ngoại. Hôm nào chủ nhật bố mày mượn xe đạp lên đèo về vậy. - Mẹ nó nhắc bố.
- Được rồi. Việc ấy thì không lo.
Nó bất chợt nhìn chiếc xe đạp khung tróc hết sơn nhẵn thín của bố vẫn dựng ở xó nhà. Xe hỏng từ lâu mà chưa có tiền sửa. Bố đi dạy học xã bên cách nhà đến vài cây số mà hôm nào cũng ngày hai lượt đều đặn đi về trên đôi chân dẻo dai và đôi dép cao su mòn vẹt đế.
Hồi ý nhà ai cũng vậy: túng thiếu từ hạt gạo củ sắn. Tết xong, mỗi nhà còn phải lo cái ăn cho giêng hai rồi tháng ba ngày tám lúc giáp hạt chờ mùa. Mẹ nó, người phụ nữ tảo tần đã phải lo ăn lúc tháng ba ngày tám cho con từ trước Tết, người đã đi bộ gánh Tết về cho con suốt chặng đường dài qua bao thôn làng. Nó đã có những cái Tết như thế cùng bố mẹ và các em. No ấm luôn là ước mơ của bất cứ ai thời ấy.
Lớn lên, người ta có thể quên đi những thuở hàn vi đơn giản chỉ vì chả nên nhớ làm gì những quá khứ không vui. Cứ mỗi năm, những ngày giáp tết, trong tâm trí nó mãi là hoài niệm về hình ảnh người mẹ tảo tần lam lũ vượt đường xa gánh Tết về cho chị em nó hôm nào. Đôi chân thon thoăn thoắt ấy giờ không còn phải rảo bộ đường dài mà ngày ngày chỉ cõng tấm lung khom cũng đủ thấy mỏi rồi.
Giờ đây, những ngày cận Tết, nó cũng về ngoại, không phải đi bộ, cũng không xin bánh chưng hay thịt lợn về cho con ăn Tết như mẹ ngày nào, mà chỉ đơn giản là nó đươc nghỉ về thăm bố mẹ trước thềm năm mới. Trên con đê dẫn vào làng, hoa cỏ may li ti tím ngát níu chân người, nó vẫn còn hình dung thấy đâu đó những vạch kẻ ô còn dấu chân nhảy nhót một mình ngày đông cuối chạp mong ngóng và những dấu chân mẹ bên mỗi vệt cỏ trên đường dài gánh Tết về quê.
>>> Truy cập vào sự kiện của cuộc thi trên Fanpage Tiin TẠI ĐÂY