'Thôi thì không cứu được cháu thì ít nhất cháu cũng để lại cái gì đó cho đời', bà Nguyễn Thị Thi (mẹ anh Vũ Trí Sức) tâm sự. Ảnh: Hoàng Chiến
Mẹ ruột mong đưa thi thể con trai về nguyên vẹn
Từ ngày con trai qua đời vì tai nạn lao động, căn nhà khang trang của gia đình bà Nguyễn Thị Thi (ở thôn Đức Thành, xã Trí Yên, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) có phần lạnh lẽo. Niềm an ủi duy nhất của người phụ nữ 68 tuổi này là sau khi trút hơi thở cuối cùng, anh Vũ Trí Sức đã hồi sinh sự sống cho nhiều mảnh đời khác.
Chồng mất sớm, một tay bà Thi rau cháo nuôi dạy 3 người con (2 trai, một gái) khôn lớn. Trưởng thành, con trai cả vào miền Nam lập nghiệp, con gái đi lấy chồng, còn anh Sức bôn ba khắp nơi rồi về quê lấy vợ, an cư. Cuộc sống khó khăn, làm lụng chẳng đủ ăn, anh quyết định đi xuất khẩu lao động để sửa sang lại ngôi nhà cũ nát.
Sau bao năm tích góp, xây dựng được căn nhà nhưng vẫn còn nợ tiền nên chị Nguyễn Thị Như (vợ anh Sức) cũng đi xuất khẩu lao động, còn anh ở nhà chăm lo cho 2 con trai đang tuổi ăn học.
Niềm mong mỏi gia đình sắp được đoàn tụ thì ngày 23/8 vừa qua, anh Sức bất ngờ bị tai nạn lao động. 'Hôm ấy Sức đi làm giúp cho công trình gần nhà. Khi tôi đang bên đám giỗ nhà nội thì đứa cháu hớt hải chạy về báo tin bảo chú Sức bị ngã từ trên tầng xuống và đã được đưa đi bệnh viện', bà Thi bủn rủn chân tay kể lại.
Ngay lập tức, anh Sức được các bác sĩ tiến hành cấp cứu nhưng tình hình xấu nên phải chuyển xuống Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức (Hà Nội). Tại đây, các bác sĩ kết luận, anh Sức đã chết não và không còn khả năng cứu chữa. Trước tình huống như vậy, chị Phạm Thị Đào, cán bộ Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tư vấn và vận động gia đình mở lòng để anh Sức hiến mô tạng cứu giúp những người khác đang mắc bệnh hiểm nghèo. Nghe chuyện, 2 người thân đang ở bên anh Sức là ông Nguyễn Văn Sang (bác ruột) và anh Vũ Trí Sức (anh trai ruột) đã đồng ý, nhưng bà Thi phản đối. Bà mong mỏi phải đưa thi thể con trai về nhà nguyên vẹn và tổ chức mai táng theo phong tục địa phương…
Quyền quyết định dồn lên người vợ nơi phương xa
Chị Nguyễn Thị Như nhớ lại khoảnh khắc quyết định hiến tạng của chồng để hồi sinh sự sống cho nhiều người khác. Ảnh: Hoàng Chiến
Theo quy định của pháp luật, để có thể hiến tạng thì cần có vợ và con trai của người hiến mới có thể thay mặt ký vào tờ đơn đăng ký. Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thị Như đang lao động ở nước ngoài không thể về Việt Nam ngay. Từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Đơn vị tư vấn và điều phối ghép tạng, Trung tâm Ghép tạng đã kết nối với chị Như để thuyết phục, vận động hiến tạng cứu người. Sau 15 phút trò chuyện, từ những tiếng khóc nấc ban đầu, dần dà chị Như đã vượt qua mọi rào cản để đi đến quyết định.
'Khi mới nghe việc hiến tạng của chồng, tôi không thể nào chấp nhận. Tôi cũng đã từng xem nhiều trường hợp hiến tạng nhưng không bao giờ nghĩ điều đó sẽ xảy đến với gia đình mình', chị Như vừa kể chuyện vừa khóc.
Nhớ lại thời điểm ấy, chị Như tâm trạng rối bời nhưng vẫn phải gọi điện động viên 2 con trai ở nhà: 'Bố đã ra đi rồi nhưng còn rất nhiều người khác đang khổ cực vì mắc hiểm nghèo. Nếu mẹ chấp nhận việc hiến tạng của bố để cứu những người khác thì các con có đồng ý không?'.
Em Vũ Công Mạnh người ký vào đơn đồng ý hiến tạng của bố. Ảnh: Hoàng Chiến
Sau khi các con hiểu chuyện, chị đã ủy quyền cho con trai là Vũ Công Mạnh (18 tuổi) ký vào đơn hiến mô tạng. Chị cũng nén nước mắt gọi điện về thuyết phục mẹ chồng rằng: 'Anh Sức chết xác, nhưng phần hồn vẫn còn mẹ ạ'. 'Mưa dầm thấm lâu', nghe con dâu bày tỏ nỗi lòng như vậy, bà Thi và mọi người trong gia đình đã đồng ý để anh Vũ Trí Sức được thực hiện nghĩa cử cao đẹp trước khi về thế giới bên kia.
Những ngày sau đó, chị Như khóc thương chồng đến kiệt sức. Một số phụ nữ khác ở cùng phòng đã phải bón cháo, sữa cho chị chờ ngày về nước. Cũng nhờ sự giúp đỡ của Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, ngày 24/09/2020, chị Như đã có mặt tại tỉnh Trà Vinh và thực hiện cách ly 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế trước khi về quê chịu tang chồng.
Dù vợ chồng liên tục xa cách do cuộc sống mưu sinh nhưng tình cảm của chị Như và anh Sức vô cùng thắm thiết. Chị Như cho chúng tôi xem những tin nhắn hỏi han, yêu thương của hai vợ chồng. Rồi chị gạt nước mắt khi mở tin nhắn cuối cùng gửi cho chồng trước ngày gặp nạn với nội dung: 'Em nhớ anh, không ngủ được…'.
Em Vũ Công Mạnh (người đặt bút ký vào đơn đồng ý hiến tạng của bố) cũng tâm sự, sau ngày bố mất, em được thầy cô giáo và bạn bè khích lệ, chia sẻ rất nhiều. Mạnh kể, sau này em sẽ đi du học vừa học vừa làm để có thể nuôi bản thân và giúp đỡ mẹ.
Cái duyên giữa người ra đi và người ở lại
Ngôi nhà khang trang của anh Sức được xây dựng sau nhiều năm bôn ba xuất khẩu lao động. Ảnh: Hoàng Chiến
Trải qua quá trình phẫu thuật ghép tạng và điều trị tích cực, bé trai 11 tuổi ở tỉnh Thái Bình với một quả tim đã đập bình thường trong lồng ngực, bệnh nhân 53 tuổi ở TP Hải Phòng được ghép gan, bệnh nhân 24 tuổi và bệnh nhân 44 tuổi mỗi người nhận một quả thận, còn giác mạc của anh Vũ Trí Sức được ghép cho 2 bệnh nhân khác. Ngoài ra, 4 đoạn mạch máu của anh Sức cũng đang được lưu trữ và bảo quản tại Ngân hàng mô (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức) chờ ghép cho những bệnh nhân khác. Đây là Ngân hàng mô đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác.
'Mừng nhất là các bộ phận anh Sức hiến khi ghép vào cơ thể người bệnh đều tương thích. Đến nay các bệnh nhân thực hiện ca ghép đều đã ổn định sức khoẻ và xuất viện. Âu cũng là cái duyên giữa người ra đi và người ở lại', cán bộ Trung tâm Ghép tạng vừa nói, vừa cho chúng tôi xem tấm ảnh cháu bé 11 tuổi đang cười tươi sau khi hồi sinh sự sống từ quả tim của anh Sức hiến tặng…
Để tri ân, ghi nhận nghĩa cử cao đẹp của anh Vũ Trí Sức và gia đình, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có quyết định truy tặng Kỷ niệm chương 'Vì sức khỏe nhân dân' cho anh Vũ Trí Sức. Tâm nguyện của gia đình anh Sức là nghĩa cử cao đẹp, nối dài sự sống cho những người bệnh tưởng chừng như đã tắt hết hy vọng, để cuộc đời họ lại được hồi sinh thêm một lần nữa.