Theign Yie Phan phải cố gắng kiềm chế để không phải ăn bánh mì mỗi ngày nhưng thật khó khăn khi cô là bếp trưởng của một nhà hàng chuyên nghiệp về bánh mì Việt Nam.
'Đây quả thật là một món ăn nhẹ tuyệt vời. Tôi đã ăn chúng mỗi ngày và hy vọng rằng không phải vì ăn nhiều mà sinh bệnh', cô nói trong tiếng cười sảng khoái khi đang đứng trước các nguyên liệu đầy màu sắc và chuẩn bị làm một ổ bánh mì Việt Nam tuyệt vời tại nhà hàng Le Petit Saigon ở Wan Chai, Hong Kong.
Mỗi ngày, Phan đều ăn bánh mì.
Cùng với món Phở, bánh mì Việt là một trong những món ăn được 'xuất khẩu' ra thế giới và được mọi người đón nhận nồng nhiệt - đây là một loại bánh mì kiểu Pháp chứa đầy thịt, rau và dưa chua.
'Bánh mì này có sự cân bằng giữa hương vị và kết cấu, vỏ bánh mì nóng giòn, hương vị đậm đà của thịt, vị nồng của dưa chua.', Theign Yie Phan đã giải thích về món ăn mà cô yêu thích cũng như những người ở Hong Kong đã dành nhiều tình cảm như thế nào.
Phan nói rằng, cô không hề đơn độc trong câu chuyện tình yêu với 'siêu sandwich' Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có một câu hỏi không chỉ riêng Phan mà rất nhiều thực khách đã thắc mắc. Làm sao mà một đất nước Đông Nam Á nổi tiếng với gạo và các món mì, bún, lại trở thành nơi xuất khẩu ra món sandwich mang phong cách tuyệt vời như thế này?
Trên thực tế, bánh mì đã xuất hiện từ 130 năm trước khi người Pháp vào Việt Nam. Được biết, văn hóa và ẩm thực Pháp từ đó mà du nhập theo. Bếp trưởng Peter Cường Franklin đã nghiên cứu sự ảnh hưởng của ẩm thực Pháp tại Việt Nam. Anh cho biết, khi người Pháp vào Việt Nam, họ cần ăn thức ăn của họ, vì vậy họ đã mang những thứ như lúa mì để làm bánh mì, phô mai và cà phê cũng như các sản phẩm khác để tiêu thụ mỗi ngày.
Từ lúc này, người Việt dần dần được giới thiệu những thực phẩm Pháp, mặc dù vào thời điểm đó, những món ăn này vô cùng đắt đỏ. Cuối cùng, khi lúa mì và kỹ thuật làm bánh mì baguette được 'nhập khẩu' vào Việt Nam, người Việt, đặc biệt là những người gốc Hoa đã học được cách làm bánh mì của riêng họ. Từ đây, họ đã sửa đổi, kết hợp bánh mì với nhiều vị khác để phù hợp với khẩu vị người Việt.
Bánh mì được bán đầy đường ở Việt Nam.
Người Pháp thường ăn bánh mì baguette cùng với pate gan gà hoặc ngỗng. Nhưng người Việt lại cho rằng, ăn như thế sẽ ngấy nên đã phát triển phiên bản bánh mì phong cách Việt với pate gan heo, dễ ăn dễ làm.
Ngày nay, có hơn 1,3 triệu người Việt đang sinh sống ở Mỹ và ẩm thực truyền thống này đã và đang được người Mỹ đón nhận nồng nhiệt. Cô giải thích: 'Mỹ là trung tâm văn hóa đại chúng, qua nhiều năm các chương trình thực phẩm truyền hình, chương trình du lịch, Anthony Bourdain, blog ẩm thực và mạng xã hội đã giúp giới thiệu ẩm thực độc đáo của Việt Nam đến người dân sống ở đây'.
Phan bán được 90 ổ bánh mì mỗi ngày ở nhà hàng tại Wan Chai.
Phan là người Đông Nam Á, cô sinh ra ở Malaysia và lớn lên ở Singapore. Sau khi đến Mỹ du học, cô mới được giới thiệu về ẩm thực đường phố Việt Nam. 'Ở Mỹ, tại mỗi khu Đại học đều có một con đường bán nhiều đồ ăn và một trong những cửa hàng này luôn có bán bánh mì. Tôi nhớ lại vào mùa đông lạnh giá ở Wisconsin, khi tôi đi ngang những cửa hàng này thì sẽ mua một ổ bánh mì và đi bộ đến lớp', Phan nhớ lại một cách thích thú.
Phan tin rằng, người Mỹ bắt đầu biết đến bánh mì nhiều hơn khi người Việt giới thiệu với họ món ăn đặc biệt này bởi vì thành phần trong bánh mì cũng là nguyên liệu quen thuộc trong các món ăn của người Mỹ. Cũng chính vì lý do này mà Phan tin rằng người Mỹ rất thích ăn bánh mì Việt Nam.
Phan nói rằng bánh mì Việt Nam là món ăn bán chạy nhất.
'Bánh mì là món ăn phổ biến. Và trong mỗi nền văn hóa chúng ta đều có một loại sandwich với đặc điểm riêng. Chính vì vậy mà bánh mì rất dễ tiếp cận về mặt văn hoá, và đó là lý do tại sao bánh mì Việt Nam lại được ưa chuộng trên toàn thế giới', Phan nói.
Thật không thể tin được khi món ăn tuyệt vời này chỉ bán với giá 1 USD (hơn 20 nghìn đồng) ở Việt Nam, nhưng bếp trưởng Peter Cường Franklin đã biến ổ bánh mì tưởng chừng như tầm thường này trở thành món ăn với giá lên đến 100 USD (hơn 2 triệu đồng) được bán tại nhà hàng Anan Saigon ở TPHCM.
Bếp trưởng Peter Cường, người đưa bánh mì Việt Nam lên tầm cao mới.
Đây là bánh mì được làm từ sốt mayonnaise, nấm truffle, pate sườn nướng, gan ngỗng, rau mùi, ăn kèm khoai lang chiên và trứng cá caviar. Bếp trưởng tin rằng, với sự sáng tạo này, nhiều người sành ăn sẽ sẵn sàng bỏ ra số tiền lớn đến xem mùi vị của nó như thế nào.
'Một phần trong nhiệm vụ của tôi là nâng cao ẩm thực Việt Nam lên tầm cao mới, để mọi người suy nghĩ lại, những món ăn khác cũng đẳng cấp như thế. Và bánh mì là món ăn vô cùng phổ biến trên thế giới bởi vì tốt cho sức khỏe, nhẹ nhàng cùng hương vị phong phú. Những người khác hay nghĩ rằng ẩm thực Việt Nam ngon, nhưng phải rẻ, vì vậy tôi muốn làm gì đó thật điên rồ để thay đổi suy nghĩ của họ', bếp trưởng Peter Cường chia sẻ suy nghĩ của anh.
Bánh mì Việt Nam với giá 100 USD (hơn 2 triệu đồng) được bán ở nhà hàng Anan Saigon.
Quay trở lại Hong Kong, bếp trưởng Phan làm việc tại Le Petit Saigon đã bán khoảng 90 ổ bánh mì mỗi ngày cho thực khách ruột. Có một số để họ lựa chọn bao gồm bánh mì truyền thống (thịt heo), bánh mì gà và bánh mì chay (đậu hủ).
Về mặt kinh doanh, Phan không ngần ngại sáng tạo thực đơn của mình, mỗi tháng cô mời các đầu bếp từ nhiều nhà hàng đến để đóng góp và đưa ra những thức ăn phong phú khác. Tuy nhiên, dù có thay đổi thế nào thì món ăn bán chạy nhất vẫn là bánh mì truyền thống nhân thịt của Việt Nam.
Điều đáng nói, có rất nhiều người thích thay đổi khẩu vị, trong số đó vẫn có những người không thể cưỡng lại món khác vì bánh mì Việt Nam đã thực sự chiếm trọn vị giác của họ.
(Nguồn: SCMP)