Mới đây một báo cáo được thực hiện bởi Momentum Works và qlub - cho thấy ngành trà sữa trân châu của Indonesia đứng đầu về quy mô thị trường trong số tất cả các quốc gia Đông Nam Á, với doanh thu hằng năm lên tới 1,6 tỷ đô la Mỹ (khoảng 37.400 tỷ đồng).
Đứng thứ 2 là Thái Lan với 749 triệu đô la Mỹ (17.500 tỷ đồng) thu về từ hơn 31.000 cửa hàng trà sữa và các kênh bán lẻ khác.
Việt Nam đứng thứ 3 với 362 triệu đô la Mỹ (tương đương khoảng 8.400 tỷ đồng), cao hơn Singapore (đứng thứ 4) với 342 triệu đô la (khoảng 8.000 tỷ đồng).
Trà sữa được mệnh danh là thứ đồ uống 'vạn người mê', chị Vũ Quỳnh Hương (Văn Khê, Hà Đông, Hà Nội) cho biết cả ba mẹ con chị đều là tín đồ của trà sữa. Hầu như tối nào họ cũng phải oder mỗi người một ly trà sữa để uống. Vì nghiện trà sữa, chị Hương tăng cân phi mã từ 50 kg lên 57 kg.
Một nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia vừa công bố chỉ ra việc thường xuyên ngồi trước màn hình, sử dụng nhiều đồ uống có đường chế biến và bán trên đường phố (như nước mía, nước đá bào siro, trà sữa...) là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thừa cân béo phì.
Ban An toàn thực phẩm TP.HCM cũng khuyến cáo trà sữa là sản phẩm đồ uống pha chế sẵn không cồn, dễ uống và phù hợp với mọi lứa tuổi.
Vì không giống như cà phê, nước tăng lực hay các loại đồ uống có cồn, trà sữa không bị quá kích thích. Các nhà khoa học cũng chứng minh chất ngọt - thành phần không thể thiếu trong trà sữa giúp tinh thần con người trở nên phấn chấn hơn.
Tuy nhiên, bất cứ loại thực phẩm nào chứa nhiều đường sữa được tiêu thụ đều đặn hàng ngày cũng đều không tốt cho sức khỏe nói chung. Việc tiêu thụ thực phẩm chứa nhiều đường sữa có thể khiến tăng cân, béo phì, thừa canxi dẫn đến sỏi thận…
Ảnh minh họa.
Theo bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp - Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM, việc sử dụng trà sữa cũng giống như các thực phẩm khác. Nếu so sánh việc uống trà sữa và nước ngọt đóng chai, BS Diệp cho rằng ở góc độ nào đó trà sữa tốt hơn. Trong trà sữa có thành phần sữa nên thêm lượng vitamin và khoảng chất cần thiết cho cơ thể. Trà sữa không hại sức khỏe mà chúng ta dùng như thế nào cho hợp lý.
Bác sĩ Diệp cho biết nếu uống trà sữa ở mức vừa phải như một thức uống bình thường không có vấn đề gì.
Nhưng nếu bạn uống trà sữa nhiều dẫn tới không ăn uống được các thực phẩm khác về lâu dài có thể dẫn tới mất cân bằng dinh dưỡng. Ở trẻ đang tuổi phát triển uống nghiện trà sữa, không ăn các thực phẩm khác sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển chiều cao, cân nặng ở trẻ.
Nếu bạn đã ăn đủ thực phẩm nhưng vẫn topping thêm cốc trà sữa gây thừa năng lượng. Năng lượng dư thừa lâu ngày gây ra hiện tượng thừa cân béo phì. Ở người đã dư cân béo phì uống thêm trà sữa làm cho tình trạng dư cân càng dư hơn.
Người bệnh bị các bệnh rối loạn chuyển hóa dinh dưỡng như đái tháo đường thì nên hạn chế trà sữa hoặc có thể chọn trà sữa ít ngọt.
Thạc sĩ dinh dưỡng Trương Nhật Khuê Tường, Bệnh viện Đại học Y Dược, TP. HCM, cũng cho biết thêm trong trà sữa có trà, sữa thêm các loại trân châu, thạch, bánh flan, đường. Một ly trà sữa cung cấp một lượng lớn nguồn năng lượng cho cơ thể. Một ly 500ml cung cấp khoảng 400 – 500 calo tương đương với 1 bát phở bò.
Trong khi đó trà sữa là loại thức uống có năng lượng từ carbohydrate cao nên dễ gây no. Nếu bạn uống quá nhiều trà sữa mà quên các món ăn khác thì gây ra rối loạn tiêu hóa. Điều đáng lo ngại hiện nay, nhiều loại trà sữa sử dụng bột màu và hương liệu nhân tạo không xác định được liều lượng cho phép, có nguy cơ gây tổn thương cho gan và thận.
Ngoài ra, BS Tường cũng lưu ý thêm trong trà chữa có lượng kem béo, đây là chất béo chuyển hóa làm tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt, gây tắc nghẽn mạch máu và ảnh hưởng đến hệ tim mạch.
Vì vậy người bị tim mạch, mỡ máu nên hạn chế sử dụng thực phẩm này. Trung bình một tuần chỉ nên sử dụng 1- 2 ly trà sữa.
Khi sử dụng trà sữa, tốt nhất nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng. BS Tường cho biết bạn có thể tự làm trà sữa ở nhà với các nguyên liệu tự mua sẽ tốt hơn.