Từ mấy năm nay, các quán cơm miễn phí xuất hiện ngày càng nhiều trên các con đường đông đúc tại TP HCM, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn đang vất vả mưu sinh trong xã hội. Mô hình 'cơm treo' cũng xuất phát từ những ý nghĩa cao đẹp đó.
Cho, nhận từ tấm lòng
Cách vận hành của các quán 'cơm treo' khá đơn giản. Một vị khách bất kỳ đến ăn cơm có thể trả thêm 1 hoặc nhiều suất cơm khác gửi lại quán. Quán sẽ dành số lượng cơm đó để trao tặng cho người lao động có hoàn cảnh khó khăn khác dùng.
Từ 16 giờ 30 phút, quán cơm tấm Thanh Niên trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (huyện Hóc Môn) đã bắt đầu mở bán. Khoảng 17 giờ, có một vị khách quen đến quán ăn cơm, gọi: 'Em 1 dĩa cơm. Hôm nay cho em 'treo' thêm 3 phần cơm nha anh!'. 'Có liền', nhân viên quán nói vọng ra, đôi bàn tay thoăn thoắt làm 3 phần 'cơm treo' rồi nhanh chóng để ở thùng cơm đặt ngay trước quán để bà con khó khăn kịp lấy bữa tối.
Những người khó khăn nhận “cơm treo” tại quán cơm tấm Thanh Niên
Anh Nguyễn Thành Công (chủ quán cơm tấm Thanh Niên) cho hay mỗi suất cơm bình thường được bán với giá từ 30.000 - 50.000 đồng. Tuy nhiên, với mỗi suất 'cơm treo' sẽ chỉ được 'bán' với giá 20.000 đồng.
Khách đến lấy 'cơm treo' có thể là người già neo đơn, là chị buôn ve chai, cậu bé bán vé số hay một sinh viên xa nhà đang khó khăn… Có thể đối với nhiều người, một bữa cơm không quá to tát nhưng đối với những mảnh đời khó nhọc, nó là bữa cơm ấm lòng, giúp họ có thêm niềm tin để vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Sự sẻ chia thầm lặng, mang giá trị san sẻ với nhau nhiều hơn, khi người cho đi tùy theo khả năng của mình để chia sẻ, người nhận cũng tâm lý nhẹ nhàng. 'Khách đến ăn cơm sẽ tự nguyện 'treo' cơm lại, không danh tính. Người nhận cũng không ngại và người tặng cũng không bận tâm' - anh Công nói.
Nhận thấy ý nghĩa nhân văn của mô hình, suốt 1 tháng qua, nhiều khách đã tích cực ủng hộ 'cơm treo'. Đa phần là khách ủng hộ tại quán, để lại thông tin ẩn danh là nhiều. Tùy vào những thời điểm, tùy vào sự 'treo' ít hoặc nhiều của khách mà quán 'treo' số lượng hỗ trợ bà con cũng khác nhau.
Lấy nụ cười làm lãi
Từ ngày bắt đầu thực hiện mô hình 'cơm treo', anh Công tiết lộ bản thân cũng nhận về một số ý kiến trái chiều. 'Họ cho rằng quán tôi làm vậy để bán được nhiều cơm hơn và cũng nghi ngờ tôi nhận tiền nhưng không làm 'cơm treo'. Nhưng tôi tự xác định vấn đề khó khăn nhất là vượt qua những định kiến đó và nghĩ đến càng nhiều cô chú khó khăn có cơm miễn phí để ăn là tôi có thêm động lực để tiếp tục' - anh Công xúc động.
Cầm trên tay phần cơm nóng hổi, ông Phan Văn Cao (61 tuổi, quê Sóc Trăng) cười nói: 'Tôi thường ghé qua đây nhận cơm mỗi khi hết tiền. Cơm ngon mà nhiều nữa! Mỗi ngày tôi đi bán vé số được cỡ 140 tờ nên có khi không đủ tiền ăn cơm ở chỗ khác. Cảm ơn các cô chú ở đây đã giúp đỡ những người như chúng tôi'.
Bà Nguyễn Thị Thanh Nga (50 tuổi), quê Quảng Trị vào TP HCM bán vé số mưu sinh, kể khi đi bán ngang qua đây thường ghé ăn cơm. 'Sau khi bị tai nạn, tay tôi không hoạt động được nhiều. Chủ quán thấy vậy luôn mời tôi vào ăn tại chỗ. Phần 'cơm treo' ở đây luôn đầy đủ thịt, canh… như của khách. Nhờ vậy mà tôi và những người lao động nghèo khác no lòng qua những lúc chật vật'.
Hơn ai hết, anh Công hiểu rõ và cảm nhận được việc làm của bản thân là cầu nối, là chứng minh cho nghĩa tình, đong đầy sự yêu thương sự hào sảng, sẻ chia của con người giữa nơi tứ xứ đầy bộn bề lo toan.
Anh Công cho biết nhu cầu có nhưng không có kinh phí do ít khách 'treo' nên có những ngày mô hình bị chững lại, quán sẽ tự 'treo' cơm. Việc hỗ trợ vì quán thấy mô hình có ý nghĩa, đang lan rộng, nhằm làm sao cho mô hình hoạt động ngày một phát triển.
Mỗi suất cơm trao đi đều kèm với những lời dặn dò, sẻ chia. Đáng quý nhất đối với quán cơm này không gì hơn ngoài những nụ cười, những lời cảm ơn. Trao đi để nhận lại. Niềm vui từ những người đến lấy cơm cũng chính là động lực để các chủ quán tiếp tục giữ lửa và lan tỏa mô hình này.
Từ cà phê treo ở Ý đến cơm treo ở Việt Nam
'Cơm treo' dựa theo ý tưởng 'caffé sospeso' (cà phê chờ, cà phê treo) xuất phát từ Ý. Nguyên gốc ý tưởng này là tại các nhà hàng tham gia vào phong trào 'cà phê treo', khách hàng có thể trả tiền mua thêm một phần cà phê nữa nhưng không dùng mà phần này được 'treo' lại quán.
Ý tưởng này nảy sinh từ thành phố Naples ở nước Ý sau Đệ nhị Thế chiến, trong một quán cà phê vào một ngày mùa đông lạnh giá. Tại thành phố nghèo nàn của miền nam nước Ý, một người khách quyết định tặng một ly 'caffè sospeso' (cà phê treo) cho ai đó không có tiền uống. Hình thức này sau đó dần dần lan sang các nước châu Âu khác và tại Pháp không chỉ có 'cà phê treo' (café suspendu) mà còn có 'bánh mì đợi chờ' (baguette en attente). Nhờ đó, người nghèo có thể vào tiệm bánh mang về những ổ bánh mì dài kiểu Pháp nóng giòn, do một người nào đó đã trả tiền trước.