Trước chuyến công tác, thành viên các tổ đều háo hức, bồn chồn. 6 điểm đến, đoàn chia ra 6 tổ công tác. Ngoài các phần quà của đoàn công tác, các tổ cũng bàn nhau nên chọn quà gì để tặng cho cán bộ - chiến sĩ (CB-CS) và dân trên các đảo, nhà giàn một cách thiết thực nhất.
Cha mẹ gặp con trên đảo giữa trùng khơi
Các tổ cũng ráo riết tập văn nghệ, múa, hát những ca khúc hay về Trường Sa, về biển đảo và viết những bài cảm nhận trong cuộc hành trình, thể hiện tình cảm thân thương của mỗi người đối với Trường Sa.
Năm nay, trong đoàn ra thăm các đảo Trường Sa và nhà giàn có 3 người là thân nhân chiến sĩ trẻ, là người TP HCM, phục vụ tại các đảo ở Trường Sa. Các chiến sĩ phấn đấu, rèn luyện tốt, nên được chọn, đưa cha mẹ ra thăm. Đó là chị Nguyễn Thị Lành ở phường 15, quận Tân Bình; chị Trần Kim Châu ở Long Thạnh, huyện Cần Giờ và anh Thái Văn Vũ ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi. Con của chị Lành là Huỳnh Thế Sơn, chiến sĩ tại đảo Sinh Tồn; con của anh Vũ là Thái Gia Bảo, chiến sĩ ở đảo Tốc Tan C và con của chị Châu là Võ Thành Trung ở đảo Trường Sa Lớn.
Ai cũng nóng ruột được gặp con, song bồn chồn nhất là chị Lành bởi chị sẽ được gặp con đầu tiên, ngày thứ 3 của cuộc hành trình, kế đến là anh Vũ, ngày thứ 4 và lâu nhất là chị Châu, ngày thứ 5 của hành trình. Trên con tàu KN 290, chị Lành kể cho tôi nghe về gia đình, chị làm nghề buôn bán, chồng làm trang trí nội thất, có 2 con và Sơn là con út, gần gũi ba mẹ. Con nhập ngũ, vợ chồng chị thời gian đầu cũng lo nhưng sau mấy tháng quân trường thấy con hòa nhập môi trường quân đội, cứng cáp, khỏe mạnh hơn nên yên tâm về con.
Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc (phải), Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Thành Trung (trái) với anh Thái Văn Vũ và con trai là chiến sĩ Thái Gia Bảo trên đảo Tốc Tan C
'Hãy sống tốt, cống hiến thật nhiều'
Ra đảo Sinh Tồn, phút gặp con, chị Lành vui mừng ôm con thật chặt trong vòng tay. Chị nói, gần 2 năm mà con đã trưởng thành nhiều. Chị mang quà là bánh cho con và đồng đội. Chị dặn con giữ gìn sức khỏe, công tác tốt, cha mẹ và gia đình hãnh diện vì có con phục vụ Tổ quốc ở Trường Sa.
Anh Thái Văn Vũ cũng kể cho tôi nghe về con trai mình. Trước khi đi nghĩa vụ, Gia Bảo đã học và làm một số nghề. Quà cho Bảo, anh Vũ mang theo con gấu bông mà anh tiết lộ là bạn gái nhờ mang ra cho Bảo 'để tối ngủ gác chân'. Trong cuộc hội ngộ trên đảo Tốc Tan C, cha con anh Vũ đã chụp hình chung với Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc và Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM Nguyễn Thành Trung. Anh trao con gấu bông và quàng cho con chiếc khăn rằn quê hương.
Nhìn cảnh chị Lành, anh Vũ gặp con, chị Trần Kim Châu chia sẻ niềm vui mà cũng nôn nao, mấy đêm không ngủ, chờ tới lượt mình gặp con. Đến đảo Trường Sa Lớn, chị cũng đã gặp con là Võ Thành Trung. Chồng đi biển, chị ở nhà buôn bán, nội trợ, con gái nhỏ học phổ thông. Nhìn con trưởng thành mà chị vui mừng. Với chị Lành, chị Châu, anh Vũ, hạnh phúc nào hơn khi được gặp con giữa nghìn trùng biển khơi, đảo tiền tiêu Tổ quốc.
Tại đảo Sinh Tồn, Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy vùng 4 Hải quân dặn dò các chiến sĩ trẻ Huỳnh Thế Sơn, Trần Thanh Hiền, Trần Phú Trung: 'Các con cố gắng phấn đấu rèn luyện, khi ra quân về với gia đình thì trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phấn đấu vượt qua. Những lúc rảnh rỗi sau ca trực chiến hãy chịu khó đọc sách để có thêm kiến thức. Luôn sống tốt, cống hiến thật nhiều, xứng đáng với tình cảm TP HCM dành cho các con và gia đình'. Ông cũng lưu ý chiến sĩ trẻ cẩn trọng khi đi lại vì địa hình trên đảo phức tạp và nên đi 2-3 người. Ông dặn dò như cha với con, nghiêm khắc nhưng đầy yêu thương.
Chuẩn đô đốc Ngô Văn Thuân, Chính ủy vùng 4 Hải quân, dặn dò chiến sĩ trẻ Huỳnh Thế Sơn tại đảo Sinh Tồn, đang được mẹ ra thăm trong chuyến đi
Lòng biết ơn sâu nặng
Trên đảo Cô Lin cũng đã diễn ra cuộc hội ngộ đầy xúc động của tình thầy trò. Đó là hai cô giáo của Trường Cao đẳng kỹ thuật Hải quân: cô Lê Thị Nga, thượng tá, dạy Anh văn và Phan Thị Thu Dung, thiếu tá, dạy toán. Học trò của hai cô là thượng úy Phan Việt Hoàng, 30 tuổi, học bổ túc khóa 23, về máy vận hành. Hoàng hiện đóng quân tại Hà Tĩnh, vào công tác Trường Sa. Nghe tin hai cô có mặt trong đoàn công tác, Hoàng chờ hai cô ở đảo Cô Lin. Chụp ảnh lưu niệm cùng hai cô, Hoàng nói đây là kỷ niệm đẹp trong đời quân ngũ.
Tham gia đoàn công tác lần này có chị Trần Thị Liên, Phó trưởng Phòng Thực hành quyền công tố, VKSND TP HCM. Chị có cha là người lính Trường Sa, mất năm 1977 trước khi chị chào đời. Nên với chị, ra Trường Sa là ra với yêu thương, không chỉ là biết ơn đấng sinh thành mà còn là niềm tự hào về người cha và những người lính đã hy sinh để có Trường Sa hôm nay, to đẹp, vững vàng. Những buổi lễ tưởng niệm, chị thắp nhang và cầm trên tay cành hoa, con hạc giấy, thả về biển như gửi hết thương yêu về với người cha và đồng đội của cha đang nằm lại dưới biển sâu.
Còn với thầy Nguyễn Vân Yên, Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie, đây là chuyến đi đầy ý nghĩa. Tại đảo Núi Le B, thầy Yên đã trao cho các chiến sĩ trẻ 15 bức thư viết tay trên giấy học trò, do học sinh (HS) của trường viết tặng chiến sĩ. Thầy nói đây là món quà tinh thần nhằm động viên chiến sĩ; là đại diện tiếng nói của HS TP HCM, cũng là thể hiện tình cảm của HS, của người dân TP HCM với người chiến sĩ nơi đảo xa, nhà giàn.
Hai cô giáo gặp học trò tại đảo Cô Lin
Niềm tin lớn lao
Nhiều thành viên đoàn công tác tâm sự rằng thật hạnh phúc khi được tham gia chuyến đi này. Ai cũng đem ra Trường Sa tấm lòng yêu thương, được gặp gỡ, được tỏ bày và đem về cũng rất nhiều yêu thương, niềm tin về sự vững vàng của những CB-CS nơi đầu sóng ngọn gió, cùng nhân dân trên các điểm đảo đoàn kết một lòng bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc; tự hào về những con người ở xa Tổ quốc nhưng hình bóng họ luôn trong tim những người dân Việt ở đất liền.
Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc, chuyến đi này đem lại nhiều cảm xúc, trong sâu thẳm đó là tình yêu, tin tưởng quân đội ta, Quân chủng Hải quân và các lực lượng đang công tác trên đảo ngày càng trưởng thành, vững mạnh. Những phần quà của TP HCM chuyển đến CB-CS và dân trên đảo, nhà giàn là cả tấm lòng của Đảng bộ, chính quyền, các tầng lớp nhân dân thành phố.
'Nơi đảo xa, các CB-CS đã lao động, chiến đấu với kết quả đáng tự hào, là biểu tượng của ý chí kiên cường, sức sống mãnh liệt, của sự trưởng thành toàn diện và vượt bậc' - Phó Bí thư Thành ủy TP HCM khẳng định.
Ra với Trường Sa, trong lòng mỗi người đều dậy lên tình cảm yêu nước, hiểu rõ hơn về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Từ đó càng thấm thía những lời dạy của Bác Hồ: 'Ngày trước, ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó'.
Trong tình cảm tin yêu Trường Sa, thầy hiệu trưởng Nguyễn Vân Yên cho biết sẽ chuyển tải thông điệp sâu sắc đến HS của trường. 'Khi trở về trường, tôi sẽ nói với HS rằng, đã yêu mến Trường Sa và biển đảo thì hãy yêu mến nhiều hơn và tin tưởng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc luôn được bảo vệ vững vàng' - thầy Yên nói.
Trong niềm tin đó, những món quà quý của Trường Sa đã được đón nhận với sự trân trọng. Trở về đất liền, ngày 6-5, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ TP HCM đã phối hợp Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai và Trường THPT Marie Curie tổ chức lễ trồng những cây bàng vuông do CB-CS và nhân dân Trường Sa gửi tặng với niềm tin về tình cảm bền chặt và trách nhiệm cao cả giữa Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP HCM với Trường Sa.
Nghĩ về Trường Sa để sống tốt hơn Theo Phó Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Phước Lộc: 'Chúng ta luôn tự hào về Tổ quốc, về bộ đội Cụ Hồ. Đảo là nhà, biển cả là quê hương. Bảo vệ chủ quyền Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền biển đảo là trách nhiệm trong tất cả chúng ta, của Đảng bộ, hệ thống chính trị và nhân dân TP HCM. Trong quá trình công tác, ai trong chúng ta cũng có thể có lúc xao động nhưng ra Trường Sa sẽ thấy những xao động đó, những tâm tư đó không nghĩa lý gì so với gian khổ, hy sinh của CB-CS ở Trường Sa. Lúc khó khăn hãy nghĩ về Trường Sa để có nguồn năng lượng tích cực trong công tác, để thể hiện tình cảm và trách nhiệm, góp phần xây dựng phát triển bền vững Trường Sa'...
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 13-5