Góc đường Thái Văn Lung (Q.1, TP. HCM) ngày nào vẫn là chỗ trú chân cho cả hai. Dưới tán me già, anh O ngồi chơi đùa cùng con chó nhỏ, chia nó nửa hộp cơm trưa, mình một nửa, ăn nhanh rồi ngủ.
Vậy mà, mấy ngày nay, góc đường trở nên buồn hiu. Người ta qua lại, ngơ ngác bảo nhau:
- Khi không mấy hôm liền thằng O lại nghỉ?
- Có khi nào nó mất con chó không? Thế thì chết, chỉ có mỗi con chó mù làm bạn. Mất rồi, xem chừng trở ốm không đi làm nữa luôn… Cô Vân (bán hàng nước, Q.1, TP.HCM) chia sẻ.
'Từ hôm Bích La mất tích, O không ra khỏi lều'
Ngày 22/11, trên hội nhóm yêu chó Sài Gòn, một tài khoản tên B.N đã đăng tải bài viết kêu gọi tìm kiếm chú chó mù giúp anh O. Nhanh chóng chúng tôi đã tìm đến căn lều của anh để tìm hiểu sự việc.
Trong góc tối, anh O quơ tay ra từng ký hiệu cho người hàng xóm thân quen tên Hùng (55 tuổi), thuật lại toàn bộ câu chuyện.
Bài viết kêu gọi mọi người tìm lại con chó nhỏ cho anh O.
Cách đây hơn tháng, anh O có dọn về chân cầu Nguyễn Hữu Cảnh, dựng một khung lều bạt sinh sống. Hai hôm trước, trong lúc ngủ say, con chó bỗng nhiên mất tích. Lúc O tỉnh lại, ú ơ đi tìm nhưng hoài không thấy, anh mới biết rằng mình mất chó. Nhưng giữa cánh đồng lau sậy mọc rậm, anh chẳng còn biết kêu ai tìm giúp.
'Lúc thằng O dẫn con chó về đây, chú thương mới đặt tên nó là Bích La. Con Bích La nó hiền lắm, đi theo thằng O ngủ ngoài đường hoài nên ai ẵm cũng được cả. Có điều chưa bao giờ nó dám chạy ra khỏi cửa nhà…' - chú Hùng kể lại.
Từ hôm Bích La mất tích, anh O không dám ra khỏi lều. Anh cứ nằm trên chiếc giường xếp, khóc suốt. Mở mắt ra là khóc, rồi bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ luôn cả việc đánh giày,… chỉ ngồi đợi con chó trở về.
'Cái tô thức ăn của con chó từ hôm bữa, thằng O còn chưa bỏ đi. Chú thương nó quá, cũng bảo mấy đứa con đi tìm ở trại mổ mà hổng thấy. Sợ 2 ngày rồi, người ta cũng bán mất' - chú Hùng phân trần.
Lúc O tỉnh lại, ú ơ đi tìm nhưng hoài không thấy, anh mới biết rằng mình mất chó.
Người dân thấy hoàn cảnh của anh O cũng thắt lòng vì thương. Trước hôm Bích La bị bắt, họ cũng xin về cho O một con chó nhỏ nữa làm bạn. Nhưng sao có thể thay thế Bích La, con chó tàn tật 3 năm nay vẫn lẽo đẽo theo chân anh đi khắp thành phố.
Giờ vắng con chó, anh đau lắm. Ú ớ ra hiệu, rồi thỉnh thoảng đập tay vô ngực bày tỏ lo sợ cho người bạn bao năm của mình.
'Thôi 2 ngày xem như hết hy vọng rồi. Ngày mai chú cũng phải bắt O đi làm trở lại để nó đỡ buồn bã lung tung…'
'Cái tô thức ăn của con chó từ hôm bữa, thằng O còn chưa bỏ đi'.
Anh O đưa hình ảnh con Bích La để nhờ mọi người giúp đỡ tìm lại.
Anh đánh giày câm, chú chó nhỏ mù và sự gắn bó của hai số phận đau thương
Anh O tên thật là Trần Văn Ân (41 tuổi, quê ở An Giang). Người Sài Gòn quen gọi anh với cái tên thân mật: O. Anh O thường đi đánh giày ở trung tâm thành phố, rồi đêm đêm ngủ ở góc đường Thái Văn Lung (Q.1). Bởi hoàn cảnh anh bị câm, một bên tay lại liệt nên ai cũng thương.
Cách đây 3 năm, anh có xin con chó mù từ nhà người quen về chăm sóc. Cứ thế, O đi đâu lại xách con chó trong hộp giày, ăn cơm cùng O, ngủ góc phố lề đường với O.
'Thằng này nó thương chó lắm. Mua hộp cơm về là lấy thịt lấy cá cho chó ăn, nó ăn cơm không…' - chú Hùng nói.
Cách đây 3 năm, anh có xin con chó mù từ nhà người quen về chăm sóc. Cứ thế, O đi đâu lại nách con chó trong hộp giày, ăn cơm cùng O, ngủ góc phố lề đường với O.
Giờ đây, anh có xin nuôi thêm con chó Tina để làm bạn cho Bích La. Song con chó lớn lại mất tích.
Cứ thế, hai số phận tàn tật trong cái ngặt nghèo nhất cuộc đời, tưởng chừng chẳng còn gì để bận tâm ngoài phận côi cút của mình, vậy mà lại gắn bó 'như hình với bóng'.
Chú chó nhỏ giờ đây đã được 3 tuổi, cao ngang đầu gồi anh O. Chưa bao giờ nó thấy mặt chủ, nghe chủ gọi một tiếng thân thương… nhưng ngày ngày nó vẫn quấn quýt bên chân O. Sáng sáng, cả hai lặn lội từ Q.2 lên thành phố mưu sinh. Chiều lại thong dong cùng nhau ra về, chui vào túp lều cũ và đánh những giấc ngủ ngàn sao.
Vậy mà, cách đây vài hôm, con chó bỗng mất tích. Người chủ đau đớn lòng, bỏ ăn, bỏ ngủ, đợi chờ nó quay về… Nhưng hy vọng thì cứ tắt dần.
Chưa bao giờ con chó thấy mặt chủ, nghe chủ gọi một tiếng thân thương… nhưng ngày ngày nó vẫn quấn quýt bên chân O.
Cuộc đời O có gì ngoài người bạn trung thành, đi đi về về trên con đường Sài Gòn tấp nập. Nhưng giờ đây cũng không còn.
Ngày mai, O lại phải lên thành phố, tiếp tục công việc đánh giày của mình. Rồi mỗi đêm, ngồi bên chiếc giường xếp, nhìn ra ngoài con đường tối đen như mực, O tự hỏi:
- La ơi, bao giờ mới về?
À, mà có nhớ thì O cũng đâu nói được…