Lỡ 'mày, tao', con nhảy ban công trốn nhà ngay tức khắc
Chị Dung có con gái năm nay vào lớp 9. Là con một nên con nhận được yêu thương chiều chuộng của đại gia đình từ bà, các bác và bố mẹ.
Chị Dung rất ít khi mắng con. Thế nhưng từ tháng 7 năm ngoái (giai đoạn giãn cách xã hội), bỗng nhiên con trở nên lầm lì ít nói. Con vẫn thường xuyên chat với bạn bè, nhưng với bố mẹ và người thân trong gia đình thì lại hầu như không nói chuyện, hỏi gì trả lời nấy.
Ban đầu chị Dung nghĩ biểu hiện của con là hậu quả của việc con bị nhốt trong nhà thời gian dài để phòng dịch Covid-19 nhưng sau đó chị lại nghĩ con thay đổi tính cách khi bước vào giai đoạn dậy thì.
'Tôi cũng đã cố gắng tiếp cận, nói chuyện với con để thoát khỏi tình trạng này nhưng không thành công. Tuần trước, trong lúc nóng giận vì việc làm sai của con nên tôi có mắng mỏ mày tao với con (điều chưa từng xảy ra).
Lúc đó vào 10 giờ tối, sau đó vợ chồng tôi vào phòng đi ngủ ở tầng 3 còn con ở tầng 2. Rồi vợ chồng tôi nghe thấy tiếng động mạnh. Chồng chạy xuống thì thấy con đã nhảy qua lan can ban công, xuống mái nhựa của tầng 1, rồi nhảy xuống đất, chạy đi. 2 vợ chồng chạy xuống tầng 1 mở cửa đuổi theo nhưng không kịp. Cả đêm hai vợ chồng đi tìm con', chị Dung rầu rĩ cho hay.
Ảnh minh hoạ
Sáng hôm sau, chị gái chồng chị Dung gọi điện báo con bé vừa sang nhà. Con khóc và kể lại chuyện với bác. Bác của bé đã phân tích cho con thấy hành vi bỏ nhà đi của con là sai và nói con nhắn tin cho bố mẹ xin lỗi đồng thời xin ở lại nhà bác mấy hôm.
Chị Dung đồng ý ngay. Cả đêm chị lo lắng nghĩ quẩn, lo sợ có chuyện gì xảy ra không biết có cơ hội để sửa sai không. Chị cũng không thể tưởng tượng được con có thể gan đến mức độ nhảy qua ban công để trốn nhà đi như vậy.
'Con ở lại nhà bác mấy hôm rồi về. Nhưng đến khi về thì lại quay lại lối mòn (không tiếp xúc nói chuyện nhiều với bố mẹ, suốt ngày trong phòng đóng kín, tắt đèn tối thui, và ngủ rất nhiều). Mình không dám nói nặng lời với con nữa. Chỉ thỉnh thoảng trách móc nhẹ nhàng thôi. Và có lẽ con biết là mẹ đang sợ nên cũng nhờn hơn. Mình có đọc trên mạng thì con có vẻ có dấu hiệu của trầm cảm tuổi dậy thì.
Mình đang tính đưa con đi khám tâm lý. Nhưng chưa biết nói thế nào để con hợp tác.
Mình thậm chí còn nghĩ đến chuyện chuyển nhà đến chung cư để mọi người sống trên cùng 1 mặt sàn, ra vào gặp nhau thì sẽ có sự gắn kết hơn.
Mình không biết có gia đình nào trải qua chuyện tương tự như gia đình mình? Làm thế nào để thay đổi tình hình, có cần can thiệp hay cứ để vậy rồi qua giai đoạn dậy thì con sẽ trở lại như cũ?', chị Dung hoang mang.
Mang con đến khám nhưng người bị bệnh lại là cha mẹ
Chia sẻ với phóng viên Infonet về tình huống này, PGS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (ĐHGD- ĐHQG Hà Nội) trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng đó là góc nhìn của bố mẹ có thể không đầy đủ nên cần có biện pháp an toàn nhất- đó là cho con đi khám tổng thể về mặt tâm lý và sức khoẻ tinh thần.
Chuyên gia cũng nhìn nhận, sau đại dịch Covid- 19 về cơ bản hầu như các con đều có ít nhiều tổn thương về mặt sức khoẻ tinh thần. Chúng ta cần nhận diện sớm các dấu hiệu rối loạn cảm xúc như: con ăn ngủ đảo lộn, không kiểm soát được; mức năng lượng sụt giảm; không muốn giao lưu với những người bạn mà trước đây con thường hay chơi; không muốn nói chuyện với bố mẹ mặc dù trước đây con là đứa hay nói chuyện. Thậm chí con cũng có những thay đổi một số thói quen, sở thích khác hay những môn thể thao trước là đam mê giờ không còn…
Đặc biệt trong giai đoạn trẻ vị thành niên (dậy thì) thì cực kỳ nhạy cảm hơn vì ảnh hưởng nội tiết tố thay đổi.
Tuy nhiên chuyên gia cũng lưu ý đến chi tiết 'con đến nhà bác thì bộc bạch chia sẻ với bác' nhưng 'về nhà lại như cũ' thì rõ ràng có một phần liên quan đến cảm xúc của trẻ dậy thì nhưng cũng cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc về ứng xử và chất lượng mối quan hệ mẹ con và gia đình. 'Bố mẹ đã ứng xử với con như thế nào?. Tôi nghĩ đã có khoảng cách rất xa', PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.
Chuyên gia phân tích, hành động con bỏ nhà đi không chỉ sau một lần mẹ mắng mà có thể trong giai đoạn giãn cách xã hội nhiều gia đình bị tổn thương về mặt tài chính, tình cảm nhiều căng thẳng.
Vô hình chung bố mẹ cũng có những cách thức ứng xử làm cho đứa trẻ cảm thấy thực sự bố mẹ không phải là người gương mẫu, bố mẹ thực sự không yêu thương mình, bố mẹ có lời nói làm tổn thương mình…
Khi dịch bệnh được kiểm soát, đời sống bình thường trở lại các con có điều kiện để ra ngoài hơn thì đây là giai đoạn dễ bùng phát các hành vi xung động không kiểm soát bao gồm những hành vi nguy cơ, những hành vi tự gây hại cho các con. Và chuyện bỏ nhà đi là hành động bùng phát như thế.
Do đó, trong trường hợp này, PGS. TS Trần Thành Nam cho rằng không chỉ là trị liệu cho con mà gia đình cũng cần phải được tham vấn. Ông cho biết, có rất nhiều gia đình bố mẹ mang con đến nhưng bị bệnh lại là cha mẹ, lỗi là cha mẹ mà họ không nhận ra.
'Một lần nữa, tôi khuyến nghị cần có thăm khám gia đình. Và giáo dục cha mẹ về hành vi ứng xử của cha mẹ cho phù hợp với đặc điểm phát triển tâm lý của con cũng như hiểu được khó khăn giai đoạn lứa tuổi của con để qua đó có cách thức ứng xử phù hợp', PGS. TS Trần Thành Nam bày tỏ.