Câu chuyện về cậu học sinh ở Hà Nội rơi từ tầng 28 xuống đất tử vong vẫn đang nóng trên mạng. Trước khi qua đời, nam sinh có để lại một lá thư tuyệt mệnh. Không hiểu vì lý do gì mà cả nội dung lá thư và đoạn clip ghi lại khoảnh khắc nam sinh nhảy qua ban công bị lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.
Cả lá thư và đoạn clip được trích từ camera an ninh trong nhà đều là những thông tin rất riêng tư của gia đình nạn nhân, nhưng lại đang bị chia sẻ với quan điểm của người ngoài cuộc.
Hiện Công an quận Hà Đông (Hà Nội) đang truy tìm người tung lên mạng lá thư và clip nói trên. 'Vụ việc quá đau lòng và xót xa, ảnh hưởng gia đình', vị lãnh đạo nói.
Gần đây xảy ra nhiều vụ việc học sinh tự tử.
Nỗi đau mất con không ngôn từ nào có thể lột tả được
Trong số những bình luận trên mạng xã hội, rất nhiều người đã nhắm vào cha mẹ nam sinh để chỉ trích. Trong khi họ chính là những người đau đớn nhất, dằn vặt nhiều nhất và nỗi đau này có thể theo họ trong suốt đời. Người ta thường tự cho mình cái quyền phán xét sai lầm của người khác để có cảm giác mình sống đạo đức hơn.
Trong cuốn Điểm đến của cuộc đời tác giả Đặng Hoàng Giang viết: ‘Nghĩa vụ của cha mẹ là bảo vệ đứa con, giữ cho nó an toàn. Đó là lý do vì sao cái chết của một đứa con lại có tác động khủng khiếp như vậy tới cha mẹ. Nó là một cú đánh chí tử vào bản thể của họ, khiến họ cảm thấy bất lực và bơ vơ. Cảm nhận về giá trị bản thân và sự tự tin của họ bị phá hủy, cái tôi của họ bị vỡ vụn. Họ cảm thấy thất bại ở mức độ sâu sắc nhất.’
Tác giả Đặng Hoàng Giang cũng dẫn lại lời của nhà tâm lý học Ann G. Smolen miêu tả về nỗi đau mất con của mình: ‘Không lời nào có thể mô tả nỗi đau này. Khi vợ hay chồng bạn chết, bạn là người góa. Khi bố mẹ bạn chết, bạn trở thành mồ côi. Nhưng không có từ nào cho bạn khi con bạn chết. Nó không tồn tại trong từ vựng của chúng ta. Nó quá khủng khiếp để có thể gọi tên.’
Phụ huynh của nạn nhân là những người đau khổ nhất.
Trong số các nhân vật có thật được tác giả nhắc đến trong cuốn sách, có người mẹ đã vượt qua được nỗi đau mất con và sống tiếp, nhưng có những người đã chọn cách đi theo con, sau ngàn lần gắng gượng.
Trên mạng xã hội, cô ruột của nam sinh cũng đã lên tiếng cầu xin mọi người đừng share những hình ảnh và video liên quan đến vụ việc nữa. Chị viết:
‘Hãy để cho người còn sống có thể được sống.
Xin hãy có cái nhìn bao dung hơn với cả người ra đi và người ở lại.
Xin hãy bao dung với người bố ấy, để anh ấy có thể sửa chữa lỗi lầm của mình. Anh ấy đã có một bài học rất lớn, mà không gì có thể đánh đổi được.
Cả gia đình mình đã có một bài học rất đắt. Thời gian qua đi, những người xa lạ rồi cũng sẽ quên, còn người ở lại, có thể, cả đời vẫn không tha thứ được cho chính mình.
Xin hãy trân trọng những gì mình đang có, và bao dung hơn với mất mát của người khác.’
Tại sao việc lan truyền lá thư và clip lại nguy hiểm?
Áp lực học hành, thi cử, sự mất kết nối với người thân trong gia đình là vấn đề không phải của riêng ai. Có nhiều người lớn lên mà trong quá trình trưởng thành không có sự sẻ chia nào với cha mẹ. Trong khi đó, trầm cảm như thứ dịch bệnh của thế kỷ.
Theo thống kê của Viện Sức khỏe tâm thần – Bệnh viện Bạch Mai tại Việt Nam có khoảng 30% dân số mắc các rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiến 25%. Mỗi năm, số người tự sát do trầm cảm ở nước ta rơi vào khoảng 36.000 – 40.000 người. Đây có thể chỉ là phần nổi của tảng băng chìm bởi có nhiều người trầm cảm không được điều trị và nhiều cái chết chưa được công bố đúng nguyên nhân.
Theo kết luận ban đầu của công an, nam sinh nhảy ban công tự tử được cho là trầm cảm. Có không ít những học sinh ở lứa tuổi của cậu bé cảm thấy bị sốc, ám ảnh khi nội dung lá thư được tiết lộ. Các em nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong đó, thấy đồng cảm. Ở lứa tuổi chưa đủ chín chắn, trưởng thành và dễ bị tổn thương, nhiều học sinh đã và đang phải vật lộn ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết. Liệu những hình ảnh, clip tiêu cực, có làm giọt nước tràn ly?
Cách mà báo chí Mỹ đưa tin về cái chết của diễn viên Robin Williams.
Năm 2018, tờ Daily News đăng tin ngay trang bìa với dòng chữ lớn Hanged (treo cổ) để thông báo về cái chết của diễn viên Robin Williams. Sau hôm đó, tỷ lệ tự tử tại Mỹ tăng 10%. Liệu đây có phải là sự trùng hợp?
Có một hiệu ứng tâm lý gọi là Hiệu ứng Werther để chỉ hành động bắt chước tự tử và thật bất ngờ khi tự tử cũng có thể lây lan. Tên của hiệu ứng này bắt nguồn từ cuốn tiểu thuyết Nỗi đau của chàng Werther (1774) của văn hào Đức Goethe. Đây là tác phẩm văn học lãng mạn kinh điển và được yêu thích rộng khắp. Nội dung cuốn sách kể chuyện tình của anh chàng Werther với nàng Lohtéa, một thứ tình cảm sâu sắc, thuần hậu và nhạy cảm. Chìm đắm trong những đam mê tình ái của bản thân, Werther đã chọn kết liễu đời mình bằng cái chết bi thảm và tuyệt vọng.
Cái chết của nhân vật trong sách nhanh chóng lan ra ngoài đời. Trong suốt hai trăm năm sau khi tác phẩm này ra đời, hội chứng bắt chước tự sát đã xảy ra với nhiều thanh niên và người ta họi đó là Hội chứng Werther. Đến nỗi cuốn sách từng bị tịch thu, tiêu hủy và cấm xuất bản.
Hiệu ứng Werther chỉ hiện tượng bắt chước tự tử.
Trước khi lan truyền một nội dung gì, chúng ta cần cân nhắc đến mục đích chia sẻ và cách mà nội dung đó tác động đến người khác. Việc lan truyền hình ảnh lá thư và video là hành động tàn nhẫn, làm xoáy sâu vào nỗi đau của người thân nạn nhân và ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý cộng đồng.